4 đề xuất gỡ khó cho ngành F&B giữa đại dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp F&B (nhà hàng, ăn uống)…

Sau khi phục hồi từ tác động của COVID-19 năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói riêng và ngành F&B nói chung hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4.

Nếu như năm ngoái nhu ngành FMCG gặp phải vấn đề là cầu của người tiêu dùng giảm mạnh do dịch bệnh thì sang năm nay ngành này còn gặp thêm các vấn đề liên quan đến gián đoạn sản xuất, nguồn cung giảm, nhu cầu giảm, thiếu nhân công, thiếu lao động… Tất cả những yếu tố đó đã tác động đến tốc độ tăng trưởng.

Ông Binu Jacob – Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam.

Tại hội thảo chuyên đề “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2021) ngày 9/9, ông Binu Jacob – Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, hiện nay hầu hết các công ty F&B đang tập trung vào 3 ưu tiên trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đó là ưu tiên cho an toàn của nhân viên, bảo đảm tính liên tục trong kinh doanh và hỗ trợ cộng đồng.

Riêng tại Nestlé, doanh nghiệp này hiện đang có hơn 1200 cán bộ, công nhân tại 4/6 nhà máy đang thực hiện theo nguyên tắc 3T trong hơn 2 tháng nay.

Bên cạnh đó, để có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách liên tục, đơn vị luôn trong tâm thế thích ứng nhanh với những thay đổi về chính sách; thuê thêm kho bãi để tăng nguồn nguyên liệu bao bì; đảm bảo 100% đơn hàng xuất khẩu được giao; không bao giờ thỏa hiệp với những vấn đề an toàn và đảm bảo giao hàng không tiếp xúc dù phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kho vận do tổng kho đặt ở miền Nam và thiếu hụt về tài xê; đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua việc giao hàng trực tiếp đến các cửa hàng không cần qua kho trung chuyển.

Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và từ những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp F&B trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 này.

Thứ nhất, ông Binu Jacob đề xuất cần ưu tiên tiêm vaccine đầy đủ cho tất cả các công nhân sản xuất và nhà thầu làm việc tại nhà máy sản xuất đồ uống và các thực phẩm thiết yếu.

Thứ hai, về mô hình chống COVID-19, theo Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam về lâu dài, các mô hình nhỏ lẻ sẽ không bền vững được. Vì vậy, cần có sự kết hợp của nhiều mô hình khác nhau để đảm sự bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp bên cạnh đó giúp chúng ta khống chế được dịch bệnh. Cần để doanh nghiệp có quyền tự quyết lựa chọn những mô hình phòng chống dịch COVID-19 và mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp dựa trên những hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cũng không cần phải đóng cửa các nhà máy nếu như các trường hợp F0, F1 được xử lý và các nhà máy được khử trùng.

Thứ ba, chính quyền địa phương các cấp cần nhất quán trong việc ban hành và triển khai các quy định. Lấy ví dụ về việc di chuyển xe tải giữa các địa phương, để di chuyển từ địa phương khác thì lái xe bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên trên thực tế nhiều địa phương vẫn không chấp nhận các kết quả xét nghiệm nhanh kể cả là xét nghiệm PCR dẫn đến ùn ứ hàng hóa không thể lưu thông được.

Nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các quy định phòng chống dịch COVID-19 do chính quyền cấp tỉnh ban hành phải phù hợp và thống nhất với chỉ đạo của Trung ương. Đề xuất tránh tình trạng giấy phép con và cần đơn giản hóa các thủ tục để tránh phát sinh chi phí và thời gian đáng kể cho doanh nghiệp.

Thứ tư, là việc số hóa các thủ tục hành chính công. Cần phải áp dụng kỹ thuật số để chứng nhận, kiểm tra sẽ sử dụng toàn bộ trên môi trường số thay vì dùng bản cứng như hiện tại nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho người người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vị đại diện Nestlé cũng khảng định vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam, cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài và tăng đầu tư vào Việt Nam. Nestlé vừa công bố khoản đầu tư vào Việt Nam trị giá hơn 130 triệu USD (đưa tổng mức đầu tư lên 730 triệu USD) trong 2 năm tới.

Huyền Phạm
Nguồn: doanhnghiepvn.vn
[searchandfilter id="2529"]