Ăn nên làm ra như NutiFood

Trong 4 năm gần nhất, không chỉ phát triển mạnh về thương hiệu, các nhà máy của NutiFood cũng hoạt động hiệu quả, đem về hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm.

Một nhà máy sản xuất của NutiFood (Nguồn: Internet)

Một nhà máy sản xuất của NutiFood (Nguồn: Internet)

Như VietTimes từng đề cập, thị trường sữa Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: FrieslandCampina, Nestlé hay Vinamilk.

Bên cạnh những đại gia ngoại, các doanh nghiệp sữa thuần Việt cũng đủ sức cạnh tranh, chiếm được thị phần không hề nhỏ. Một trong số đó có thể kể đến là CTCP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood (NutiFood).

Hiện nay, NutiFood chủ yếu cung cấp các sản phẩm được làm từ sữa như sữa bột, sữa chua, sữa tiệt trùng, với các thương hiệu nổi tiếng như GrowPlus+, Riso Opti Gold, Nuti IQ, Dr. Lucen, Nuvita, Nuvita Grow, Diabet Care, EnPlus, Nuti, …

Theo tìm hiểu của VietTimes, NutiFood tiền thân là CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, được thành lập vào tháng 3/2000, trụ sở chính đặt tại số 281-283 Hoàng Diệu, quận 4, TP. HCM.

Chia nhau vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Nutifood là vợ chồng doanh nhân Trần Thanh Hải (SN 1972) và Trần Thị Lệ (SN 1973).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, biên lợi nhuận của NutiFood rất ấn tượng. Như năm 2018, doanh thu thuần của NutiFood đạt 1.248 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 542 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 43% hay cứ hơn 2 đồng doanh thu thì NutiFood lại thu về 1 đồng lợi nhuận.

NutiFood lãi “khủng” từ đâu?

Từ năm 2003, NutiFood đã phát triển hệ thống phân phối rộng khắp 64 tỉnh thành, song song đó doanh nghiệp này cũng đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam tại một số tỉnh thành như Bình Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Gia Lai.

Tại Bình Dương, nhà máy của NutiFood đang được điều hành và quản lý bởi CTCP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Bình Dương (NutiFood Bình Dương). Đơn vị này được thành lập vào tháng 8/2003, trụ sở chính đặt tại Lô E3, E4 khu công nghiệp Mỹ Phước, TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Nhà máy sữa NutiFood Bình Dương được thiết kế và xây dựng trên mặt bằng có diện tích 12.000 m2, với tổng công suất 50.000 tấn sữa bột/năm.

Ăn nên làm ra như NutiFood ảnh 1

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016 – 2018, kết quả kinh doanh của NutiFood Bình Dương có phần sụt giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn rất ấn tượng. Năm 2016, doanh thu thuần của NutiFood Bình Dương đạt 7.743 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 1.045 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 13,5%.

Năm 2018, doanh thu thuần của NutiFood Bình Dương đạt 8.440 tỉ đồng, giảm 5,6% so với năm trước; lãi thuần ở mức 765 tỉ đồng, trong khi năm 2017 lãi 894 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của NutiFood Bình Dương đạt 6.255 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.904 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 15,6% và 9% so với thời điểm đầu năm.

Tại Hưng Yên, đây là nhà máy sản xuất thứ 2 của NutiFood với pháp nhân là CTCP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Việt Nam (NutiFood Việt Nam). Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Sữa Việt Mỹ, được thành lập vào tháng 12/2005, trụ sở chính đặt tại đường D3 khu D, khu công nghiệp Phố Nối A, Văn Lâm, Hưng Yên.

Tại ngày 9/11/2020, NutiFood Việt Nam nâng vốn điều lệ lên hơn 510 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông là NutiFood (nắm giữ 99,2% VĐL), ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT (nắm giữ 0,4% VĐL) và bà Trần Thị Lệ (nắm giữ 0,4% VĐL).

Ăn nên làm ra như NutiFood ảnh 2

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, NutiFood Việt Nam luôn duy trì doanh thu trên mức 600 tỉ đồng, cùng đó là khoản lãi thuần từ 1-200 tỉ đồng mỗi năm.

Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của NutiFood Việt Nam lần lượt đạt 671 tỉ đồng và 818,6 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 195 tỉ đồng và 221 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gần 30%.

Năm 2019, doanh thu thuần của NutiFood Việt Nam đạt 678,8 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước; lãi thuần ở mức 93,6 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lãi 127,7 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của NutiFood Việt Nam đạt 1.289 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 806 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 17,6% và 11% so với thời điểm đầu năm.

Nhà máy thứ 3 của NutiFood được đặt tại Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, Gia Lai có công suất chế biến 500 triệu lít sữa/năm. Nhà máy này được khởi công xây dựng vào năm 2014 và được quản lý bởi CTCP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên (NutiFood Cao Nguyên).

Ăn nên làm ra như NutiFood ảnh 3

Theo dữ liệu của VietTimes, 4 năm gần đây, NutiFood Cao Nguyên đều thu về hàng chục tỉ đồng tiền lãi. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của NutiFood Cao Nguyên lần lượt đạt 317 tỉ đồng và 477 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng ở mức 23,3 tỉ đồng và 84,7 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của NutiFood Cao Nguyên đạt 504 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 54,8 tỉ đồng, tăng lần lượt 36% và 24% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của NutiFood Cao Nguyên đạt 821 tỉ đồng, giảm 4,7% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 683 tỉ đồng.

Cũng tại Gia Lai, tháng 8/2020, NutiFood vừa chính thức giới thiệu về Trang trại Bò sữa NutiMilk sau 2 năm tiếp quản từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với thành quả ấn tượng khi cho ra nguồn sữa tươi có chất lượng tương đương với sữa tươi nhập ngoại.

Còn tại Hà Nam, nhà máy sữa NutiFood được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3/2015 đặt tại Cụm công nghiệp Kiện Khê, huyện Thanh Liêm với quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng, có công suất chế biến 200 triệu lít và 31.000 tấn sữa bột mỗi năm.

Nhà máy này được quản lý và điều hành bởi CTCP NutiFood Việt Nam. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ ban đầu 500 tỉ đồng, trong đó NutiFood góp 499 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 99,8% vốn. Phần còn lại được sở hữu bởi vợ chồng ông Trần Thanh Hải và bà Trần Thị Lệ, mỗi người nắm giữ 0,1% vốn.

Ngoài các pháp nhân kể trên, NutiFood còn sở hữu nhiều đơn vị thành viên khác như Công ty TNHH MTV Sữa Nuti, Công ty TNHH Asahi-NutiFood (Asahi-NutiFood).

Trong đó, Asahi-NutiFood là liên doanh có vốn điều lệ 160 tỉ đồng, được góp vốn theo tỷ lệ 50:50 giữa NutiFood và Asahi Group Food – công ty thành viên của Asahi Group Holdings, một tập đoàn lớn tại Nhật Bản. Đây là cầu nối nhằm đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Theo dữ liệu của VietTimes, năm 2019, doanh thu thuần của Asahi-NutiFood đạt 145 tỉ đồng, lỗ thuần ở mức 6,3 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Asahi-NutiFood đạt 217 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 154 tỉ đồng.

Bên cạnh sữa, năm 2017, NutiFood còn tham gia vào thị trường cà phê khi đầu tư góp vốn vào CTCP Cà phê Phước An (Mã CK: CPA). Tại ngày 31/12/2019, NutiFood là cổ đông lớn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 60,67% vốn tại CPA. Chủ tịch HĐQT CPA hiện do ông Trần Thanh Hải đảm nhiệm.

Ăn nên làm ra như NutiFood ảnh 4

Tuy nhiên, trái ngược với NutiFood, vài năm gần đây, CPA lại liên tục báo lỗ, đẩy lỗ luỹ kế tại ngày 30/9/2020 lên hơn 128 tỉ đồng.

Tính đến hết quý 3/2020, tổng tài sản của CPA đạt 162 tỉ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 32 tỉ đồng lên gần 107 tỉ đồng, trong đó chỉ tiêu vốn điều lệ tăng thêm 100 tỉ đồng.

Là doanh nghiệp sữa thuần Việt, tuy nhiên các sản phẩm của NutiFood không chỉ có mặt tại thị trường trong nước, đơn vị này còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, NutiFood cũng sở hữu một nhà máy tại Thụy Điển mang tên NutiFood Sweden AB./.

Huy Bình

Nguồn: viettimes.vn

[searchandfilter id="2529"]