Trải qua hơn 40 năm với những sự biến đổi không ngừng, cho đến hiện tại, vị thế của Vinamilk trong ngành công nghiệp sữa tại Việt Nam vẫn là số một.
Được thành lập vào năm 1976, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) ban đầu có tên là Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Thực phẩm, sau khi Chính phủ quốc hữu hóa ba xí nghiệp tư nhân tại miền Nam: Thống Nhất (thuộc một công ty Trung Quốc), Trường Thọ (thuộc Friesland) và Dielac (thuộc Nestle).
Năm 1982, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam được chuyển giao về Bộ Công nghiệp thực phẩm và đổi tên thành xí nghiệp liên hiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I. Đến tháng 3 năm 1992, Xí nghiệp Liên hiệp Sữa – Cà phê – Bánh kẹo I chính thức đổi tên thành Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) – trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Có thể nói, Vinamilk là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành sữa Việt Nam.
Vào những ngày đầu thành lập, Vinamilk gặp phải muôn vàn khó khăn khi thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân, kỹ thuật, nhất là nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu hoàn toàn trong khi không chủ động được nguồn ngoại tệ mạnh. Phải làm sao có thể phục hồi sản xuất, tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu, từ đó giảm giá thành sản phẩm, đưa công ty phát triển bền vững, đó là những trăn trở mà Vinamilk phải đối mặt.
Nói về bối cảnh ngành sữa trước đổi mới, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk từng mô tả là: “Rất yếu ớt, hoàn toàn không có gì”.
“Sữa tươi trong nước không có, tất cả nguyên liệu phải nhập ngoại, máy móc thiết bị cũ, không có nguyên vật liệu, không sản xuất được. Thí dụ, công suất của 2 nhà máy là 196 triệu hộp sữa đặc/năm thì sản xuất có 8 triệu. Nguyên một nhà máy Trường Thọ sản xuất sữa Ông Thọ mọi người nghỉ hết, đóng cửa luôn. Tất cả mọi người phải ngồi chờ thôi”, bà Mai Kiều Liên kể lại.
Năm 1981 – 1982, Nhà nước bắt đầu có những chính sách để tháo gỡ cho sản xuất với 3 kế hoạch A, B, C. Kế hoạch A là toàn bộ nguyên vật liệu Nhà nước đưa bao nhiêu để sản xuất thì doanh nghiệp giao nộp hết. B là doanh nghiệp có quyền sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự kiếm, sản phẩm tự tiêu thụ. C là hoàn toàn không sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu tự lo, tiêu thụ tự lo.
Xác định chìa khoá để vựng dậy doanh nghiệp là vốn và máy móc, Vinamilk khi ấy đã có 2 quyết định táo bạo được coi là “phá rào”.
Đầu tiên, để có ngoại tệ nhật khẩu thiết bị, Vinamilk đã kết hợp với SEAPRODEX để trao đổi. Lúc ấy SEAPRODEX là doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn ngoại tệ dồi dào nhưng khan hiếm nội tệ để thu mua nông sản xuất khẩu. Với tư tưởng linh động, người ta trả SEAPRODEX 10 thì Vinamilk trả 11, từ đó giúp công ty có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Sau khi giải quyết bài toán ngoại tệ để có thể mua nguyên liệu sản xuất, nhiệm vụ lúc này của Vinamilk là phải nâng cấp sửa chữa máy móc để phục hồi nhà máy sữa bột Dielac cho trẻ em vào năm 1988. Nhà máy này do tập đoàn Netstlé (Thụy Sĩ) để lại trước ngày giải phóng, nhưng không hoạt động được do chủ nhà máy rút chạy, mang theo hồ sơ thiết bị công nghệ về nước.
“Chúng tôi có mời hai công ty lớn, một nơi đòi 2,7 triệu USD, một nơi đòi 3 triệu USD để phục hồi. Lúc đó thì làm gì có đồng nào? Chúng tôi bắt đầu đặt bài toán cho các giáo sư của các trường đại học, mời xuống để họ khảo sát rồi họ nói họ làm được. Chúng tôi bảo nếu làm được thì ký hợp đồng”, bà Mai Kiều Liên thuật lại.
Mặc dù giá trị hợp đồng là 500.000 USD nhưng khi thanh toán cuối cùng, Vinamilk chỉ mất hơn 200.000 USD, do chi phí phục hồi thấp hơn dự kiến. Sau đó không lâu thì nhà máy sản xuất sữa bột đầu tiên của Việt Nam đã được đi vào hoạt động.
“Đó là một điều rất quan trọng vì là lần đầu tiên nước Việt Nam mình có 1 nhà máy sản xuất sữa cho trẻ em, trước đây toàn là nhập hết”, “nữ tướng” Vinamilk nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thời điểm đó, ngành công nghiệp sữa Việt Nam còn đứng trước 1 thách thức khá lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập của nước ngoài. Để giải quyết bài toán này, Vinamilk đã lên chiến lược thực hiện “Cuộc cách mạng trắng” vào năm 1991.
Theo đó, Vinamilk nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tiệt trùng và thu mua sữa của bà con nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ bà con con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi, bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lợi nhuận để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước.
Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc vào Nam, Vinamilk dần chủ động được nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất và quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng.
Năm 1987, Vinamilk đầu tư xây dựng nhà máy Dielac, nhà máy sữa bột đầu tiên tại Việt Nam. Ban đầu người tiêu dùng chưa tin lắm vào sản phẩm của Dielac vì đã quen sử dụng sữa bột ngoại. Nhưng đến nay sữa bột trẻ em của Vinamilk đã chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, doanh số xuất khẩu đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Suốt quá trình đổi mới từ năm 1991, cho đến khi cổ phần hoá vào năm 2003, với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân và “cuộc cách mạng trắng” kết hợp với hiện đại hoá máy móc, thiết bị. Đến nay, Vinamilk đã chiếm 50% thị phần sữa trong nước, trong đó sữa đặc chiếm 80%, sữa tươi 53%, sữa chua các loại 80%, sữa bột 40%. Riêng sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng và doanh số bán ra trong phân khúc nhóm nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay.
Hệ thống bán hàng của vinamilk toả rộng khắp cả nước thông qua các kênh bán hàng truyền thống (bao gồm 208 nhà phân phối với hệ thống điểm lẻ lên đến 250.000 điểm), kênh hiện đại (bao gồm hầu hết siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc).
Chuỗi cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” của Vinamilk cũng đã tăng hơn 500 điểm và được kết nối với hệ thống mua hàng online tại www.giacmosuaviet.com.vn.
Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác.
Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk năm 2020 lên trên mức 240 triệu USD, tăng trưởng hơn 8% so với 2019.
Hiện tại, Vinamilk đã xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt hơn 2,4 tỷ USD.
Về cơ sở sản xuất, Vinamilk hiện có 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột, còn nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) thì đã hoàn thành giai đoạn 2 với công suất đạt 800 triệu lít sữa/năm.
Hệ thống 10 trang trại của Vinamilk trải dài khắp Việt Nam đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand và 1 trang trại bò sữa hữu cơ chuẩn Châu Âu tiên phong tại Việt Nam.
Kể từ khi niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu của Vinamilk luôn được xem là cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu của những công ty hàng đầu sàn chứng khoán). Bởi không chỉ vì doanh nghiệp này có quy mô vốn lớn, thương hiệu uy tín, mà còn là vì kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng tốt.
Kết quả kinh doanh của Vinamilk luôn khiến cho nhiều người phải trầm trồ. Cụ thể, vào kết thúc năm 2018, Vinamilk cho biết doanh thu thuần đạt 52.562 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ gần 10.206 tỷ đồng. Sang đến năm 2019, tổng doanh thu của Vinamilk tăng 7% so với năm trước ở mức 56.318 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.554 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Năm 2020, bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, Vinamilk đã thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, vững vàng trong thử thách và đạt tăng trưởng dương. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020 của Vinamilk đạt lần lượt 59.723 tỷ đồng và 11.236 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và 6,5% so với năm 2019.
Riêng Công ty Sữa Mộc Châu sau một năm về với Vinamilk đã ghi nhận sự bứt phá với doanh thu thuần năm 2020 đạt 2.823 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,3% và 68,2% so với năm 2019.
Xác định thách thức song hành cùng lợi thế, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới, nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực trong quý 1/2021, với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường “khó tính” Singapore.
Trong năm 2020, Vinamilk cũng đã tung và tái tung hơn 15 sản phẩm đáp ứng nhu cầu bổ sung dinh dưỡng, tăng cường đề kháng của người tiêu dùng. Nổi bật Vinamilk đã cho ra mắt nhiều sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như: sữa tươi tiệt trùng có chứa tổ Yến, sữa bột trẻ em Grow Plus có chứa tổ yến, dòng sản phẩm sữa chua ăn Love Yogurt, nước trái cây cao cấp Love Fruit…
Trong năm qua, Vinamilk là công ty duy nhất và đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”, đồng thời được đánh giá thuộc Top 3 doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam theo kết quả Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN 2019, thuộc Sáng kiến quản trị công ty ASEAN của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN; Vinamilk cũng là đơn vị dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất năm 2020 và năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí Số 1 trong danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”…
Nhắc đến thành công của Vinamilk hiện tại, không kể đến những đóng góp to lớn của doanh nhân Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc công ty, người được mệnh danh là “bà chúa” của ngành sữa Việt Nam.
Đồng hành cùng Vinamilk từ những buổi đầu thành lập, trải qua hơn 40 năm đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại đây, bà Liên đã xây dựng doanh nghiệp này từ đống tàn dư của chế độ cũ trở thành 1 doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ USD như hiện tại.
Theo thông tin tìm hiểu được thì bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Quê nội của bà ở Vị Thanh, trước thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang. Năm 1957, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam cống hiến, không lâu sau khi Hiệp định Geneve được ký kết.
Chồng bà Liên từng tiết lộ, cụ Phạm Viết Chánh, một danh sĩ và là một vị quan đức độ nhà Nguyễn, cả đời kháng chiến chống Pháp, là cụ cố 5 đời của bà Liên (bà ngoại của bà Liên gọi cụ Phạm Viết Chánh là ông nội).
Bà Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương — Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng.
Thủa nhỏ mơ ước theo ngành sư phạm hoặc bác sĩ, nên sau khi được phân công học ngành xa lạ (ngành chế biến thịt và sữa), bà rất thất vọng. Thế nhưng, cha bà, bác sĩ Mai Văn Thông động viên: “Sữa là ngành non trẻ, nếu phát triển tốt sẽ giải quyết được tình trạng suy dinh dưỡng triền miên bao đời nay đối với người Việt Nam, nhất là sau chiến tranh, đây là việc lớn nhất…”
Năm 1976, sau khi tốt nghiệp kỹ sư về chế biến thịt và sữa, tại Đại học Moscow, Liên Bang Nga. bà về nước và được cử đến công tác tại Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa — Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam — Vinamilk), ở đây bà là kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua của nhà máy.
Hai năm tiếp đó, bà là kỹ sư công nghệ thuộc Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1. Một năm sau, bà trở thành trợ lý Giám đốc, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất, Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1. Sau đó, bà được cử đi học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô.
Từ tháng 7/1984 — 11/1992, bà Mai Kiều Liên làm Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, phụ trách lĩnh vực kinh tế.
Từ tháng 12/1992 đến nay, bà Liên là Tổng Giám đốc Vinamilk. Suốt 12 năm từ 2003 đến 2015, bà còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Bà Mai Kiều Liên từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII nhiệm kỳ 1996 — 2001.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII nhận xét: “Chị Liên là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, chân thực nhưng quyết liệt, sáng tạo. Tôi nhớ các lần họp Trung ương khóa VIII, chị đều có những phát biểu sâu sắc, giúp Trung ương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Còn trong góc nhìn của “nữ tướng” ngành dược Phạm Thị Việt Nga, bà Mai Kiều Liên “quá bình dân dù bà đứng ở tầm cao”. “Bình dân từ cách nói chuyện, có sao nói vậy, nói những gì suy nghĩ từ tận đáy lòng, không dùng những từ hoa mĩ, bóng bẩy. Bình dân cả trong cách đối nhân xử thế với người đối diện”, theo lời bà Nga.
Tính cách quyết liệt của bà Mai Kiều Liên được khắc họa rõ nét trong tình cảnh Vinamilk buộc phải lựa chọn trở thành liên doanh (đối tác nước ngoài nắm 70% cổ phần) hay tự mình cạnh tranh với các sản phẩm ngoại, ở thời điểm cuối thập niên 90. Thời điểm đó, bà trình bày với lãnh đạo Bộ Công Thương là chấp nhận cạnh tranh, không đề nghị Nhà nước có ưu tiên gì, cạnh tranh về mọi phương diện, về chất lượng, về giá cả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở tất cả các tầng lớp dân cư.
Mặc dù là lãnh đạo cấp cao nhất, bận rộn nhất nhưng một ngày của bà vẫn bắt đầu từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều như bao nhân viên khác. Ở nhà, bà Liên không có người giúp việc, mà coi công việc nội trợ như một sở thích giúp bà giữ sự cân bằng. Mỗi cuối tuần, bà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần vào thứ bảy, chủ nhật. Thường ngày bà Liên hoặc ông Nguyễn Hiệp, chồng bà, công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tự đứng bếp, chuẩn bị bữa ăn.
“Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông. Tôi có hai con. Về nhà tôi là ô sin. Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình”, bà Liên vui vẻ kể về cuộc sống “bình dân” của mình. Và có lẽ, chính sự bình dân ấy là chất xúc tác để bà cân bằng lại với những quyết liệt trên thương trường.
Bà khẳng định, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao trong thời đại hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Người phụ nữ đang tạo ra ngày càng nhiều những giá trị mới, đó chính là giúp giải quyết công ăn việc làm cho xã hội và đưa các thương hiệu Việt Nam vươn ra thế giới.
Ở lĩnh vực kinh doanh, bà Mai Kiều Liên ghi dấu ấn bởi phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng, tư tưởng sáng tạo và lan tỏa tác động tích cực ra cộng đồng. Phong cách này của bà Mai Kiều Liên thể hiện rõ ngay cả khi bà đang ngồi ở những vị trí như chủ tọa các cuộc họp quan trọng, các hội thảo quốc tế và trong nước. Giọng nói rõ ràng và thu hút, bà xử trí và trả lời từng câu hỏi một cách ngắn gọn, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề với bản lĩnh của một doanh nhân có tầm. Nhưng những thông điệp từ bà cũng đầy tính nhân văn và hoàn toàn chinh phục được người khác với chính sự chân tình của mình.
Trong bức thư gửi cho những người lao động của Vinamilk vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà viết: “Chỉ có sự đồng lòng, tương thân tương ái mới giúp cộng đồng có được sức mạnh đoàn kết – đây chính là chiếc “lá chắn” mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh”. Và bà cũng nói, năm vừa qua, thành công lớn nhất của Vinamilk với bà chính là không có bất cứ một nhân viên nào bị nhiễm COVID-19, bị mất việc làm hay bị giảm chế độ đãi ngộ do ảnh hưởng của đại dịch.
Có lẽ, bên cạnh phong cách lãnh đạo trong công việc, thì tinh thần này thực sự là một dấu ấn mà bà Mai Kiều Liên đã truyền đến cho nhiều thế hệ Vinamilk, hình thành một văn hóa đẹp và đáng quý của doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa cả nước.
Với tầm nhìn chiến lược, sự cống hiến và tâm huyết dành cho Vinamilk cũng như sự phát triển của ngành sữa Việt Nam, năm 2018, bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển”.
Trước đó, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
12 năm liền là thương hiệu quốc gia, liên tục thuộc nhóm 1.000 thương hiệu mạnh nhất châu Á, Vinamilk cũng là thương hiệu tại Việt Nam duy nhất được định giá “tỷ đô” ngay trong lần đầu tiên được Forbes Việt Nam công bố năm 2016 và đến nay 2,4 tỷ USD là giá trị mà thương hiệu này đạt tới. Điều đó đã minh chứng không chỉ sự lớn mạnh của Vinamilk mà còn cho thấy giá trị của thương hiệu doanh nghiệp này không ngừng nuôi dưỡng và vai trò của “nữ tướng” Mai Kiều Liên, người phụ nữ tạo dựng, truyền cảm hứng để xây dựng giá trị của thương hiệu Vinamilk là không thể phủ nhận. Thành công của Vinamilk một lần nữa khẳng định tầm vóc và bản lĩnh của các doanh nhân người Vệt cũng như các doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi sòng phẳng với các tập đoàn tầm cỡ của thế giới. Với nữ doanh nhân – bà mẹ cả của ngành sữa Việt Nam thì không gì là không thể!
Nguồn: dautuvietnam.com.vn