Theo báo cáo của Buzzmetrics vào các năm 2016, 2019 và 2020, ngành sữa là một trong các ngành hàng dễ bị tổn thương do khủng hoảng truyền thông. Ngành hàng này đặc biệt nhạy cảm với các tin tức tiêu cực, dù đó là tin cũ hoặc tin nước ngoài. Năm 2016, “sữa nhiễm khuẩn” – vốn là tin từ năm 2013, cùng với “sữa bột giả Trung Quốc”, đã gây hoang mang trong cộng đồng người tiêu dùng. Năm 2019, tin tức học sinh bị ngộ độc sữa phải nhập viện thu hút sự quan tâm thảo luận của người tiêu dùng. Gần đây, ngành sữa tiếp tục đối diện với khủng hoảng với hình thức lan truyền tương tự các năm trước. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi vào phân tích:
1. Khủng hoảng ngành sữa 2020: Cơ chế lan truyền
Tháng 8/2020, khủng hoảng ngành sữa lại bùng phát trên mạng xã hội, và báo chí tiếp tục là nguồn phát khủng hoảng. Cụ thể, vào ngày 18/8/2020, nhiều báo đăng tải tin bài với nội dung như sau: Trong 15 thương hiệu sữa được đem đi kiểm định, Hội người tiêu dùng Hong Kong phát hiện 9 mẫu sữa có chất gây ung thư.
Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ bởi những người có ảnh hưởng trong Ngành Mẹ & Bé như: Hot Mom, KOLs, và lực lượng đông đảo những người bán hàng online. Điều này giúp thông tin nhanh chóng tạo ra tầm ảnh hưởng lớn tới cộng đồng các mẹ. Câu chuyện trở nên bùng nổ thực sự khi chính các mẹ – những người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tham gia thảo luận và lan truyền tạo thành làn sóng lớn trong thời gian ngắn. Tính đến 13h trưa ngày 19/8/2020, Buzzmetrics ghi nhận 42,704 lượt thảo luận được tạo ra. với tỷ lệ thảo luận đến từ người tiêu dùng chiếm tới 92.20%. Các mẹ lan truyền thông tin này bằng cách:
- Cập nhập thông tin lẫn nhau: Hỏi thăm mọi người đã đọc tin chưa? Hỏi thăm về tính chính xác của thông tin? Cũng chính vì hoạt động “hỏi thăm nhau” góp phần làm cho các thông tin được truyền miệng và các biến thể của thông tin được xuất hiện.
- Cảnh báo cho bạn bè người thân đang sử dụng sản phẩm: Hỏi thăm mọi người có sử dụng sản phẩm sữa này không?
- Lan tỏa thông tin cho bạn bè: Kêu gọi mọi người thông báo cho bạn bè biết.
Tính đến 13h ngày 21/08, lượng thảo luận đã lên tới 146,240 buzz. Tuy nhiên, các kênh thảo luận có sự thay đổi rõ rệt: Chuyển dịch sang hội nhóm lớn dành cho các mẹ.
Các thành phần tham gia thảo luận bắt đầu cập nhập thông tin lên các hội nhóm để thêm nhiều mẹ biết được tin tức của vụ việc. Vào giai đoạn này, tỷ lệ thảo luận trên các hội nhóm chiếm đến gần 20% tổng lượng thảo luận. Các thông tin bắt đầu được thảo luận nhiều chiều hơn và chỉ số tiêu cực cũng giảm xuống.
Tiếp đó, bắt đầu có các thương hiệu đăng bài đính chính thông tin kèm công văn làm rõ sự việc tới từ Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm. Các tổ chức lớn, có uy tín cũng lên tiếng trấn an dư luận. Cụ thể, Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố đã cho đăng tải bài viết giải thích những chi tiết bị hiểu nhầm.
Cho đến ngày 26/08, cuộc khủng hoảng đã không còn nóng như trước. Dù vậy, cuộc khủng hoảng đã có ảnh hưởng lớn tới ngành sữa bột, với hơn 200 nghìn thảo luận được tạo ra trong vòng một tuần, 259 bài đưa tin từ 172 tờ báo, 568 fanpage và group tham gia thảo luận.
2. Người tiêu dùng phản ứng như thế nào trước thông tin tiêu cực?
Trong giai đoạn diễn ra khủng hoảng, trong cộng đồng các mẹ chia ra các luồng ý kiến trái chiều. Các thảo luận tiêu cực vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn vì nhiều lý do:
-
- Sản phẩm dành cho trẻ chứa chất gây ung thư khiến các mẹ hoang mang.
- Lo lắng vì mình đang dùng thương hiệu sữa được nhắc đến trong bài viết, nên có ý định đổi sữa. Sức khỏe của con trẻ được các mẹ đặt lên hàng đầu, nên dù thông tin chưa biết đúng hay sai thì các mẹ vẫn muốn đảm bảo sức khỏe cho con.
- Nói không với sữa công thức hay sữa bột.
- Một bộ phận online seller tạo ra lượng thảo luận tiêu cực để bán hàng, khuyên các mẹ đổi sữa với phương châm “Người Việt dùng hàng Việt, hàng nội địa”.
Song song đó vẫn có thảo luận tích cực:
- Các mẹ cảm thấy may mắn vì không có tên thương hiệu sữa mình dùng.
- Cho rằng sự việc diễn ra ở Hong Kong, không liên quan tới Việt Nam. Hàng nội địa vẫn tốt do đã qua kiểm duyệt của cơ quan chức năng.
- Tỏ ra bình tĩnh, kêu gọi mọi người chờ thông báo chính thức.
- Nghi ngờ tính xác thực của bài báo, muốn được làm rõ thêm.
Nhìn chung, thói quen và nhận thức của người dùng, đặc biệt là các mẹ, đã có sự thay đổi trước thông tin tiêu cực. Trước đây, các dòng sữa nhập, xách tay hoặc các dòng sữa nội địa Trung/ Nhật/ Hàn thường được các mẹ chú ý. Sau tin tức này, có nhiều thảo luận thể hiện ý định chuyển sang dòng sữa khác. Trong đó “sữa Việt” – một yếu tố ít được chú ý trước đây, bây giờ trở thành mối quan tâm hàng đầu. Theo người dùng, ưu thế của sữa Việt là: (1) Có Bộ Y tế đảm bảo, (2) chất lượng ổn, (3) giá cả ổn.
Sữa hạt và sữa tươi được cân nhắc thay cho sữa công thức, có thể điều này dẫn đến sự rời bỏ ngành hàng sữa công thức & cơ hội cho sự lên ngôi của sữa tươi và sữa hạt.
Bên cạnh đó, vẫn có các mẹ tiếp tục sử dụng sữa công thức, nhưng là các thương hiệu khác, không được nhắc tên trong bài báo. Một sự thay đổi thứ hạng ưu tiên các nhãn hiệu sữa được chọn mua có thể đang diễn ra trong ngành hàng sữa công thức. Đây sẽ là cơ hội cho những thương hiệu nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường sau khủng hoảng.
Kết luận
Qua khủng hoảng ngành sữa, có thể thấy:
(1) Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng tin bài tiêu cực về ngành sữa đã thu hút lượng lớn thảo luận. Sức khỏe trẻ em là một vấn đề quan trọng, nên mẹ rất dễ lo lắng hoang mang với các “tín hiệu” cho thấy có thể ảnh hưởng đến con, kể cả các tin tức chính xác hay tin chưa được kiểm chứng. Chưa kể các hoạt động truyền miệng của người tiêu dùng có thể làm thông tin diễn biến nhanh & khó dự đoán trước.
Điều này cho thấy ngành sữa là một ngành hàng nhạy cảm với tin tiêu cực, các thương hiệu nên phải theo dõi sát sao diễn biến mạng xã hội. Các thương hiệu bị ảnh hưởng cần nhanh chóng đưa ra đính chính càng sớm càng tốt để người tiêu dùng không bị hiểu nhầm.
(2) Sau vụ việc lần này, người tiêu dùng có sự thay đổi về nhận thức. Họ cân nhắc hơn về nguồn gốc sữa và muốn chuyển sang dòng sữa khác cho trẻ, đặc biệt là sữa Việt. Và cuộc khủng hoảng này có thể là “chủ đề nóng” đầu tiên, mở đầu cho sự hạ nhiệt của xu hướng chuộng hàng ngoại, hàng xách tay; đưa người tiêu dùng trở về với các sản phẩm nội địa.
Nguồn: buzzmetrics.com