Cần sớm ban hành quy chuẩn cho Chương trình Sữa học đường

Để có cơ sở xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, không chỉ các đơn vị trong ngành giáo dục, phụ huynh, học sinh mà ngay cả các doanh nghiệp sữa cũng mong muốn sớm có quy chuẩn đối với Chương trình.

Ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, để thực hiện Chương trình chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan (Chương trình 2 của Đề án); một trong các nội dung chủ yếu cần thực hiện đó là: Xây dựng và triển khai chương trình Sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Tiếp đó, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (“Quyết định 1340”). Trong đó, quy định Bộ Y tế “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Theo đó, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo nội dung quyết định này, Bộ Y tế giao “Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017”.

Đồng thời, ngày 6/7/2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm, kèm theo báo cáo kỹ thuật đính kèm, đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào sữa học đường.

Tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đăng tải công khai trên website của Cục về Dự thảo của thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Ngày 26/11/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định 7091/QĐ-BYT về Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 1340/QĐ-TTg. Trong đó, giao Cục An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình Sữa học đường. Song song với việc xây dựng các quy định về sản phẩm sữa tươi, Viện Dinh Dưỡng sẽ chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi và hàm lượng vi chất bổ sung trong sản phẩm của Chương trình nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Trên tinh thần đó, ngày 13/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường và ngày 18/6/2019, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Tại cuộc họp này, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành sữa như TH milk, Vinamilk, Dalatmilk, Sữa Ba Vì, Nutifood, Cô gái Hà Lan đã đưa ra nhiều ý kiến đồng thuận xung quanh tầm quan trọng của việc cần sớm có quy chuẩn đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9.7 này khi nào sẽ được ký ban hành, không tránh khỏi sự băn khoăn của các doanh nghiệp sữa và các bậc phụ huynh.

Doanh nghiệp mong muốn sớm có quy chuẩn

Để thúc đẩy nhanh quá trình ban hành quy chuẩn cho Chương trình Sữa học đường, PGS.TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, ngày 2/8, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã gửi công văn đến Bộ Y tế về việc ban hành “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.

Trên cơ sở kiến nghị của một số thành viên, Hiệp hội Sữa Việt Nam đưa ra đề nghị mong mỏi Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để ban hành chính thức: “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” trong thời gian sớm nhất để giúp các địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường.

Theo PGS.TS. Trần Quang Trung, năm học mới 2019-2020 lại sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các gói thầu.

Bởi mục tiêu quan trọng của chương trình sữa học đường là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, tập trung vào giải pháp uống sữa nhằm bảo đảm cung cấp protein, canxi, vitamin D… Do đó, việc ban hành tiêu chuẩn cho sữa học đường là rất cần thiết. Việc chính thức ban hành Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 sẽ giúp ích cho việc tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa.

Dưới góc độ doanh nghiệp trong ngành sữa, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và phát triển của Vinamilk chia sẻ, Vinamilk hiện đang quản lý hơn 50% số lượng đàn bò trên toàn quốc nên đáp ứng được nhu cầu sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và quan điểm của Vinamilk là sữa nào tốt nhất sẽ dành cho trẻ em. Quyết định 1340 đề cập đến 4 mục tiêu, do đó để đáp ứng các mục tiêu này thì phải bổ sung toàn bộ 21 vi chất và cần quy định cụ thể để tất cả các doanh nghiệp cùng tuân thủ, thực hiện.

Cũng chung quan điểm về quy định vi chất trong sản phẩm Sữa học đường, ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood cho rằng, dự thảo quyết định lần này được biên soạn bám sát Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Về vi chất, nên thống nhất để vi chất bắt buộc, không để vi chất khuyến khích và phải chú ý khung hàm lượng vitamin.

Vì vậy, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 cũng như tạo sự đồng tình, ủng hộ và có niềm tin chắc chắn vào Chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế cần sớm ban hành quy chuẩn cụ thể, rõ ràng để bảo đảm chất lượng sản phẩm sữa học đường, góp phần để chương trình sức khỏe quốc gia đạt kết quả tốt.

Minh Thi

Nguồn: baochinhphu.vn

 

[searchandfilter id="2529"]