Thoải mái chia sẻ và thẳng thắn trong tất cả các vấn đề từ cuộc sống đến kinh doanh, có cảm giác chị xuất hiện ở bất cứ đâu, năng lượng từ chị sẽ lấp đầy không gian đó.
Ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài trẻ trung, đôi khi hồn nhiên là một cá tính kiên định, một tư duy chiến lược sắc bén và một khát vọng cháy bỏng về việc xây dựng công ty dinh dưỡng Việt Nam danh tiếng thế giới. Cuộc trò chuyện suốt buổi chiều cuối năm 2020 với CEO Công ty NutiFood Trần Thị Lệ đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác dù tôi quen biết chị đã khá lâu.
Đi tiên phong và định vị thương hiệu với các sản phẩm sữa đặc trị nhưng cuối năm 2020, NutiFood đã chính thức đưa ra thị trường sữa tươi NutiMilk, đây có phải là chiến lược mới của công ty?
NutiFood đã hoạt động trong phân khúc sữa bột rất nhiều năm bởi chúng tôi xuất phát từ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM. Ở thời điểm đó, các sản phẩm sữa đặc trị luôn bị các công ty ngoại thống trị với giá thành cao. Thế nên đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng của NutiFood đã dành một thời gian dài chuyên tâm nghiên cứu để mang đến những sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý cho từng nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt của trẻ em và người lớn. Đến thời điểm này, NutiFood đã đứng vị trí số 1 về sữa bột cho trẻ em. Thế nhưng thị trường ngày càng cần những sản phẩm tiện dụng hơn như sữa nước (sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa chua uống, sữa hạt…). Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm đầu tư vào phân khúc này để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. NutiMilk chỉ là một sản phẩm, sắp tới NutiFood sẽ còn đưa ra hàng loạt các sản phẩm sữa nước, sữa hạt khác nữa.
|
Đã thành danh ở mảng sữa đặc trị nhiều năm nhưng tới giờ mới chuyển hướng sang sữa nước, khi thị trường đã có sự góp mặt của khá nhiều thương hiệu lớn, chị có lo ngại NutiFood bị “chậm chân”?
Quan điểm của tôi thì không bao giờ là muộn cả bởi xu hướng tiêu dùng có, người tiêu dùng có. Nên điều quan trọng là sản phẩm mình làm ra, chất lượng có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Mà về việc này, chúng tôi rất tự tin. Chúng tôi có 2 viện dinh dưỡng, 1 ở Thụy Điển và 1 ở TP.HCM với các chuyên gia đầu ngành trong nước và châu Âu… Họ đã và đang phối hợp nghiên cứu các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng châu Âu nhưng sản xuất tại Việt Nam và NutiMilk là ví dụ. Chúng tôi đã mất hơn 2 năm dành toàn bộ tâm huyết để phát triển trang trại bò sữa NutiMilk áp dụng theo bộ tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood Thụy Điển. NutiMilk thú thực là thành quả mà tôi và đội ngũ của mình rất tự hào. Cũng giống như với sữa đặc trị trước đây, NutiMilk có chất lượng tương đương sữa ngoại nhưng giá hợp lý để người tiêu dùng trong nước có thêm sự lựa chọn.
Luôn trăn trở về “quyền bình đẳng” trong tiếp cận các loại sữa của người tiêu dùng trong nước thông qua việc cho ra đời các sản phẩm sữa chất lượng ngoại, giá nội. Thế nhưng mấy năm qua, NutiFood cũng miệt mài xuất ngoại, hết vào Mỹ lại đến mở nhà máy ở Thụy Điển… chị lý giải thế nào về việc này?
Người nước ngoài có thể vào Việt Nam kinh doanh thì tại sao người Việt Nam không thể vươn tầm ra thế giới? Tôi luôn tự hỏi, tại sao người nước ngoài tạo dựng được các doanh nghiệp nổi tiếng, vươn tầm thế giới mà chúng ta không làm được? Đó là lý do, tôi kêu gọi các anh chị đã từng làm ở các công ty đa quốc gia có kinh nghiệm, có trí tuệ, có nhiệt huyết, muốn cống hiến, muốn tạo dựng danh tiếng cho một doanh nghiệp Việt Nam… hãy về đồng cam cộng khổ với chúng tôi, để khẳng định người Việt Nam làm được. Tôi nghĩ đâu đó những con người Việt Nam vẫn luôn muốn có những công ty Việt Nam để họ cống hiến và đóng góp. Giấc mơ của tôi là tạo dựng được một doanh nghiệp Việt Nam có danh tiếng, vươn tầm thế giới.
Cuối tháng 10.2020, lần đầu tiên một thương hiệu sữa Việt Nam, sữa đậu nành của NutiFood được cấp phép phân phối ở đại siêu thị nổi tiếng nhất thế giới Walmart. Trước đó, NutiFood chinh phục thành công tấm “visa” vào Mỹ khi được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp giấy chứng nhận cho dòng sản phẩm Pedia Plus; rồi việc hợp tác xây dựng nhà máy sữa tại Thụy Điển… chị đang thực hiện “giấc mơ” của mình?
Đúng thế. Chúng tôi chủ động mở nhà máy, viện dinh dưỡng ở Thụy Điển để tạo một cái “hub” (trung tâm), từ đó mở rộng quy mô, vươn ra thị trường châu Âu. Trước đó, sản phẩm sữa, sữa đậu nành, cà phê của NutiFood đã có mặt ở Mỹ, Philippines, Thái Lan, Pháp, Hàn Quốc, Campuchia… và chúng tôi vẫn đang có kế hoạch cũng như các chiến lược marketing bài bản để đi vào nước nào phải thành công ở nước đó. Thực ra những việc này cũng có lợi cho người tiêu dùng nội địa bởi để xuất khẩu được vào các thị trường khó tính, NutiFood phải nâng cao năng lực quản trị sản xuất của mình lên một tầm cao mới. Đơn cử như để bước chân vào Walmart, chúng tôi phải mất gần 2 năm, đáp ứng 250 tiêu chuẩn hết sức khắt khe của Walmart toàn cầu, từ quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, an ninh vận chuyển, chính sách cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội… Thỏa mãn tất cả các tiêu chí đó đã nâng cấp trình độ sản xuất của NutiFood lên ngang tầm với thế giới. Hay việc mở nhà máy tại Thụy Điển thì người tiêu dùng trong nước cũng có thêm một sự lựa chọn vì sản phẩm sản xuất ở châu Âu, theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ được mang về phục vụ tại thị trường nội địa.
Ai cũng có “giấc mơ” nhưng cạnh tranh với các “ông lớn” sữa ngoại liệu có phải tham vọng quá lớn không bởi với ngành sữa, chúng ta đi sau khá lâu và “lép về” với họ về thương hiệu, thâm niên, tài chính, thậm chí là thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển ngành này?
Có một sự thật về ngành sữa và thức uống dinh dưỡng là ở hầu hết các nước, doanh nghiệp nội địa luôn chiếm vị thế tiên phong. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sữa trong nước đang đứng vị trí số 1, số 2 chứ không phải là các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay cả sữa bột thì doanh nghiệp Việt cũng đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại bởi ngành này có 2 yếu tố quyết định là chất lượng nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất. Về công nghệ, “thế giới phẳng” lâu rồi, chúng ta có thể nhập công nghệ mới nhất ở bất cứ nước nào. Càng những doanh nghiệp ra sau, càng có cơ hội tiếp cận công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất. Ví dụ ở NutiFood, các dây chuyền sản xuất hiện đều là top (hàng đầu) thế giới. Còn về nguồn nguyên liệu, với lợi thế dân số đông – trẻ, Việt Nam là thị trường tiêu thụ rất lớn của các nhà cung cấp tốt nhất toàn cầu như New Zealand, Mỹ, EU… Chúng ta thậm chí không phải đi đâu, mà họ luôn chủ động tìm đến tận nơi chào, mời. Công nghệ tốt, nguyên liệu tốt… chỉ khác người bấm nút chạy máy là người Việt Nam thôi. Có gì mà chúng ta không cạnh tranh sòng phẳng được?
Nếu chỉ khác nhau ở “người bấm nút”, ở góc độ người tiêu dùng cũng có thể có tâm lý, thà mua sữa ngoại? Vậy yếu tố nào giúp sữa bột của NutiFood trở thành “quán quân” ở thị trường nội địa theo báo cáo của Nielsen (tính đến tháng 5.2020)?
Xuất phát từ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM nên điểm khác biệt và cũng là lợi thế cạnh tranh của NutiFood là hiểu về dinh dưỡng, thể chất của trẻ em Việt Nam, con người Việt Nam. Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 250.000 trẻ em trong suốt mấy năm qua. Ngoài ra như tôi nói trên, chúng tôi có 2 viện nghiên cứu dinh dưỡng với các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành trong nước và châu Âu, phối hợp với nhau để đưa ra công thức FDA “đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt”. Tại sao người ta nói sữa của NutiFood các bé uống vào thì tiêu hóa tốt, hấp thu tốt, trí thông minh tốt, chiều cao tốt… đó chính là từ công thức FDA, nền tảng phát triển của một đứa bé. Tôi muốn nhấn mạnh rằng công thức nền tảng rất là quan trọng. Làm sao sản phẩm phải thỏa mãn được nền tảng đề kháng của trẻ. Còn tiêu hóa tốt không chỉ để hấp thu sữa mà cả các thức ăn khác vào cũng hấp thụ tốt nhất để phát triển.
Theo suy nghĩ của tôi thì với một bác sĩ, chuyên môn sẽ là yếu tố hàng đầu còn với một doanh nhân, lợi ích là mục tiêu cuối cùng. Là một bác sĩ chuyển sang kinh doanh, trong suốt quá trình điều hành phát triển công ty, đã bao giờ chị phải đối mặt với cuộc đấu tranh giữa chuyên môn và lợi ích chưa?
Tôi có nguyên tắc đạo đức rất rõ ràng, cái gì không phải điều tốt, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ làm. Khi đã có nguyên tắc sống thì dễ lắm, cứ lấy nguyên tắc ra mà hành xử thôi, không có quay ra quay vào, không cục cựa, không đi tới đi lui. Quan điểm sống của tôi cũng rất đơn giản, sống phải có ích, phải mang lại niềm vui cho người khác. Thế nên, cái gì đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội thì làm.
Với công ty, NutiFood được sáng lập bởi các bác sĩ dinh dưỡng nên từ những ngày đầu đã có một triết lý kinh doanh rất rõ ràng. Đó là mỗi sản phẩm làm ra không phải để đáp ứng lợi nhuận mà để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bức xúc của cộng đồng. Sau này thêm một mục tiêu nữa là phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày cũng như việc phát triển thể chất, trí tuệ và niềm vui sống của con người. Quan điểm cá nhân và công ty như vậy nên tôi chưa bao giờ phải tranh đấu giữa chuyên môn và lợi ích, nói theo cách của bạn. Với tôi, chỉ có một con đường duy nhất làm sao chất lượng sản phẩm tốt nhất, trọn vẹn nhất cho người tiêu dùng. Không chỉ tôi, đội ngũ NutiFood luôn quan điểm mỗi sản phẩm mình làm ra là để phục vụ cho người thân của mình, ba mẹ mình, anh chị em, con cháu mình… và hãy phục vụ bằng cả trái tim. Có không ít công ty, nhân viên không sử dụng sản phẩm của mình nhưng ở NutiFood, tôi có thể tự hào là gần như 100% nhân viên NutiFood sử dụng và tự hào giới thiệu cho người xung quanh, hàng xóm, bạn bè sản phẩm của công ty mình.
Luôn đề cao yếu tố chuyên môn trong sản phẩm cũng như các giá trị nhân văn trong hành trình phát triển công ty nhưng cũng một tay “chèo lái” con thuyền NutiFood qua nhiều giai đoạn khó khăn, thậm chí có thời điểm đối mặt với phá sản, tôi đã hiểu vì sao nhiều người gọi chị là “Nữ tướng NutiFood” và Forbes vinh doanh chị vào top “Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á” năm 2019. Còn chị, chị thích cách gọi nào?
Nguyên Hằng (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.vn