Chiến lược M&A hiệu quả của Vinamilk nhìn từ 2 thương vụ kinh điển Vietsugar và GTNfoods

Nhìn lại cả 2 cuộc M&A mới đây nhất của Vinamilk có thể thấy, Vinamilk đã và đang đi những bước tiến đúng đắn giúp cả mình và cả các doanh nghiệp mục tiêu phát triển.
Sử dụng kinh nghiệm và năng lực quản trị của mình, Vinamilk đã và đang đi những bước tiến đúng đắn giúp cả mình và các doanh nghiệp M&A phát triển

Năm 2019, Vinamilk trở thành một cái tên nổi trội trong bảng thống kê các thương vụ M&A nổi trội của năm. Lý do bởi lẽ, Vinamilk đã thành công trong việc sáp nhập ngang một công ty sữa nổi tiếng khu vực miền Bắc và mang về cho cả mình và công ty mục tiêu những giá trị không thể đo lường hết.

Nhìn lại quá khứ, Vinamilk cũng đã từng M&A thành công một công ty mía đường giúp nâng cao các thế mạnh của công ty, phát triển kinh doanh sản xuất của công ty mục tiêu, góp phần ổn định đời sống của hàng ngàn nhân viên nhà máy và nông dân đang gắn bó với nghề trồng mía.

M&A Vietsugar: Thương vụ giúp Vinamilk hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng, ổn định giá thành sản phẩm

Vietsugar trước đây là Công ty cổ phần đường Khánh Hoà và tiền thân là nhà máy đường mía Diên Khánh. Nhà máy được thành lập từ năm 1989 với công suất thiết kế ban đầu vỏn vẹn 100 tấn mía/ngày. Hơn 28 năm phát triển và trưởng thành, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa luôn là chỗ dựa vững chắc của hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía trên địa bàn Tỉnh Khánh Hòa và địa phương lân cận như: Huyện Ma’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Ninh Thuận….tạo công ăn việc làm cho hơn 40% lao động nông nghiệp của Tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, thị trường đường trên thế giới liên tục biến động. Viêc hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ khi Việt Nam hội nhập vào các nền kinh tế thế giới đã tác động mạnh mẽ đến toàn ngành mía đường trong nước và những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều sản phẩm đường như Vinamilk. Đứng trước cảnh doanh nghiệp mía đường, người dân trồng mía và cả bản thân đều bị ảnh hưởng bởi giá đường biến động thất thường, Vinamilk đã đi đến quyết định mang tính chiến lược: đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Đường Khánh Hòa, chính thức bước chân vào ngành mía để khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu, chủ động cho nhu cầu sản xuất của công ty và từng bước cải thiện đời sống của những người nông dân tâm huyết với nghề trồng mía.

Đón Vietsugar về chung một nhà, Vinamilk đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị công ty từ quản lý tập trung theo định hướng cá nhân sang quản trị công ty theo các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất dựa trên các giá trị đã xác định trước. Vinamilk triển khai và đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP cho Vietsugar nhằm quản lý và kiểm soát công tác kế toán tài chính, quản lý hàng tồn kho, quản lý sản xuất…tốt hơn đồng thời tích hợp vào hệ thống ERP của tập đoàn.

Chiến lược M&A hiệu quả của Vinamilk nhìn từ 2 thương vụ kinh điển Vietsugar và GTNfoods - Ảnh 1.

Nhà máy mía đường Vietsugar đã “thay da đổi thịt” kể từ khi có Vinamilk tham gia quản trị

Song song với việc cải tổ Vietsugar từ khâu quản trị, Vinamilk cũng bắt tay vào việc hỗ trợ công ty xử lý các tồn tại trước đây như khói thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với dân cư trong địa bàn, đưa Vietsugar đi vào hoạt động bình thường và không để xảy ra các sự cố tương tự như trước đây.

Cùng với những điểm kể trên, Vinamilk còn ứng dụng mô hình đã thành công với chăn nuôi bò sữa vào ngành mía đường như hợp tác, hỗ trợ nông dân canh tác, cam kết giá mua mía tối thiểu, bao tiêu đầu ra 100%, phát triển thu mua bao tiêu mía cho bà con trồng mía không chỉ tại tỉnh Khánh Hoà mà còn tại các huyện phụ cận như Huyện Marak Tỉnh Daklak, Huyện Sông Hinh Tỉnh Phú Yên…

Từ khi Vinamilk quản lý thì 2 năm qua, đời sống của cán bộ công nhân viên Vietsugar được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động tăng 30%, chấm dứt hoàn toàn tình trạng người lao động bị nợ lương kéo dài như trước đây. Toàn bộ lao động tại đây cũng được công ty mua bảo hiểm sức khoẻ-tai nạn.

Nói về con số, từ một công ty thua lỗ, Vietsugar đã đạt mức tăng doanh thu 3 lần, lợi nhuận từ con số âm đã có lãi và lợi nhuận năm 2019 tăng hơn 200% so với 2018! Trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày; luyện độc lập đường thô 2.000 tấn/ngày.

Với kinh nghiệm quản trị và tầm nhìn của mình, Vinamilk đã giúp Vietsugar “chuyển mình” một cách nhanh chóng và tích cực. Nhà máy đã được UBND Tỉnh Khánh Hòa và Sở Tài Nguyên Môi trường Tỉnh Khánh Hòa đưa ra khỏi “danh sách đen” về vấn đề ô nhiễm môi trường. Năm 2019 được Cục An Toàn Lao Động công nhận là đơn vị thực hiện tốt công tác An Toàn Vệ Sinh Lao Động. Và cũng trong năm 2019, Vietsugar được ban chấp hành Liên Đoàn Lao Động Tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen đã có thành tích suất sắc trong phong trào thi đua và xây dựng tổ chức công đoàn. Năm 2020, Vietsugar tiếp tục được Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa tặng giấy khen là đơn vị có thành tích suất sắc phong trào thi đua năm 2019 khối các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

M&A Mộc Châu Milk: Giải bài toán lợi ích kinh tế trên quy mô lớn, hướng đến việc xây dựng Thủ phủ bò sữa lớn nhất phía Bắc

Nếu như cuộc M&A với Vietsugar là cuộc sáp nhập ngành dọc, giúp Vinamilk khép kín được chuỗi cung ứng nguyên liệu thì cuộc M&A GTNfoods lại càng thú vị hơn.

Thời điểm tìm hiểu GTNfoods, Vinamilk đang rất khát khao đứng vững trên “sân nhà” để còn tập trung năng lượng vươn ra biển lớn. Mà, muốn đứng vững trên sân nhà thì câu chuyện mở rộng vùng nguyên liệu sữa tươi, giảm giá thành sản xuất là câu chuyện tất yếu.

Mộc Châu Milk là doanh nghiệp hơn 60 năm tuổi và vùng đất Mộc Châu, Sơn La có thổ nhưỡng vô cùng thích hợp cho chăn nuôi bò sữa. Điều đáng nói hơn đó là: Quy mô chăn nuôi có thể dễ dàng tăng lên nhanh chóng khi vùng đất Mộc Châu, Sơn La đã được quy hoạch thành thủ phủ của ngành bò-sữa của miền Bắc và cả nước. Tuy vậy, Mộc Châu Milk lại còn nhiều hạn chế về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm quản trị để có thể thực hiện được mục tiêu này.

Vinamilk nhập cuộc. Sau khi hoàn tất mua 75% vốn tại GTNfoods-công ty mẹ của Mộc Châu Milk- Vinamilk đã tiến hành một công cuộc tái cơ cấu mới: cơ cấu xong nhân sự lãnh đạo, tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên thông qua các vấn đề quan trọng. Ngay sau Đại hội cổ đông, công cuộc tăng giá trị cho các công ty mục tiêu được thực hiện nhanh chóng.

Trong nhiều năm nay, biên lợi nhuận gộp của GTNfoods khoảng 15%. Quý đầu tiên về chung nhà với Vinamilk, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk đã cải thiện đáng kể lên 26,3%. Lợi nhuận sau thuế quý I/2020 đạt 40 tỉ đồng, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Về “chung nhà” với Vinamilk, Vilico (VLC-công ty con của GTNfoods) cũng báo lãi quý I/2020 tăng 30%. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ công ty con là Mộc Châu Milk với việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tối ưu bán hàng và tiết giảm chi phí hoạt động.

Chiến lược M&A hiệu quả của Vinamilk nhìn từ 2 thương vụ kinh điển Vietsugar và GTNfoods - Ảnh 2.

M&A, tái cơ cấu và đồng hành cùng Mộc Châu Milk, Vinamilk có thêm vùng nguyên liệu rộng lớn

Cuộc M&A giữa 2 công ty sữa hàng đầu Việt Nam Vinamilk và Mộc Châu Milk có một điểm chung đáng chú ý khác đó là: cả 2 công ty đều đang đi theo hướng đồng hành cùng nông dân, bao tiêu sản phẩm. Vì thế, M&A Mộc Châu Milk, Vinamilk tiếp tục đóng góp thêm cho công cuộc an sinh xã hội thông qua tạo công ăn việc làm, làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân.

Dân kinh tế sẽ dễ dàng nhận ra một điều: Nếu là 2 công ty thì mọi thứ sẽ là con số 2 từ hệ thống phân phối, marketing, R&D, logistics…Còn nếu là một, là chung một nhà, 2 bên có thể tận dụng được kinh nghiệm của nhau để phát triển. Chẳng hạn như, Mộc Châu Milk lâu nay vẫn đau đầu với bài toán hệ thống phân phối thì nay đã có thể tận dụng được thêm sức mạnh hàng chục nghìn điểm bán của Vinamilk. Hoặc lâu nay, mỗi bên đều phải lo phát triển sản phẩm mới thì nay có thể cùng tận dụng thành quả nghiên cứu của nhau. Hay đặc biệt hơn nữa là Vinamilk vẫn chưa có vùng nguyên liệu lớn khu vực miền Bắc nên có Mộc Châu Milk, chi phí vận chuyển sữa cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

M&A GTNfoods, Vinamilk không những giúp cả 2 bên giải quyết hàng loạt bài toán cũ mà còn mở ra bước tiến lớn về hệ thống phân phối và phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi. Về chung một nhà, 2 bên sẽ không phải cạnh tranh nhau mà sẽ dồn sức tập trung xây dựng hai công ty thành hình mẫu của sự đầu tư hiệu quả, đoàn kết để cùng lớn mạnh của ngành sữa Việt Nam, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội phát triển, mở rộng tại thị trường nội địa cũng như trên thế giới.

Nhìn lại cả 2 cuộc M&A mới đây nhất của Vinamilk có thể thấy, Vinamilk đã và đang đi những bước tiến đúng đắn giúp cả mình và cả các doanh nghiệp mục tiêu phát triển.

Ánh Dương/Theo Nhịp sống kinh tế

Nguồn: cafef.vn

 

[searchandfilter id="2529"]