Hàng triệu hộp sữa học đường vẫn đang đều đặn đến với các em học sinh nhờ sự nỗ lực âm thầm của rất nhiều người, đặc biệt là những thầy cô giáo.
Hành trình “đưa sữa đến trường”
Đối với đại đa số trẻ em vùng sâu vùng xa, những nơi kinh tế còn khó khăn, để các em học sinh được uống sữa đều đặn là cả một nỗ lực lớn, không chỉ từ phụ huynh mà còn là sự chung tay của rất nhiều người, trong đó đặc biệt là các thầy cô giáo.
Từ khi chương trình Sữa học đường được tỉnh Vĩnh Long triển khai vào năm học 2019-2020, các cô giáo ở trường Lục Sĩ Thành (tỉnh Vĩnh Long) lại có thêm nhiều công việc mới. Trường Lục Sĩ Thành nằm trên cù lao Mây của huyện Trà Ôn. Từ hơn 1 năm nay, để 285 trẻ ở tất cả các điểm trường cách xa nhau đều được uống 3 hộp sữa mỗi tuần theo quy định của chương trình, các thầy cô giáo đã phân công nhau để đưa sữa đến từng lớp.
Vì trường có nhiều điểm nằm sâu trong các khu dân cư của xã, nhiều điểm nằm biệt lập, nhiều điểm phải đi qua phà mới đến nơi. Dù ngày nắng cũng như ngày mưa, các cô giáo đều đi từ sớm, chuyển từng thùng sữa từ điểm trường chính đến từng điểm trường lẻ để kịp lịch uống sữa của các con.
Tương tự Vĩnh Long, con đường để sữa học đường đến với học sinh tại các tỉnh miền núi khác như Hà Giang, Quảng Nam hay vùng đảo xa như Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cũng gặp không ít khó khăn do giao thông cách trở.
Như điểm trường Mầm non Thài Phìn Tủng tại mảnh đất địa đầu cực Bắc Hà Giang, ngôi trường nằm ngay vị trí con dốc cao, các bác tài phải vượt qua cung đường quanh co, vách đá cheo leo, nhưng vẫn khó lòng đưa xe vào được đến tận cổng trường. Nhờ sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo, không quản ngại quãng đường núi hơn chục cây số, vẫn cần mẫn chở từng thùng sữa về trường để em học sinh của trường được uống sữa theo quy định.
Nỗ lực để các con được cao lớn, khỏe mạnh hơn
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao so với thế giới, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa. Sự chung tay của toàn xã hội, của các thầy cô giáo đã giúp trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn ở độ tuổi vàng, tạo tiền đề để các con có một nền tảng dinh dưỡng tốt, khởi đầu cho sự phát triển vững chãi về thể chất, trí tuệ về sau.
Cô giáo Zơ Râm Thị Bích, Giáo viên trường mầm non A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vui vẻ chia sẻ: “Trường có nhiều trẻ dân tộc thiểu số, trẻ đi học không có sữa uống, nhiều trẻ gia đình khó khăn còn không được quan tâm đầy đủ về dinh dưỡng ở nhà. Từ ngày được chương trình tài trợ, bản thân mình là giáo viên, thấy vui lây cho các con vì trẻ con được uống sữa sẽ đảm bảo sức khỏe và phát triển cơ thể hơn. Nhìn các con uống sữa vui vẻ tại lớp, mình có vất vả thêm một chút để chở sữa về trường cũng thấy vui”. Quảng Nam là tỉnh triển khai Sữa học đường tại 6 huyện miền núi khó khăn, và đặc biệt, các em học sinh được hỗ trợ 100% kinh phí uống sữa.
Trong các năm qua, hàng triệu học sinh của cả nước đã được uống sữa đều đặn, được chăm sóc về dinh dưỡng tốt hơn khi thụ hưởng chương trình Sữa học đường.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Giang – Hiệu phó trường mầm non Lục Sĩ Thành (Vĩnh Long), cho biết: “Trẻ ở đây đa số sống ở vùng nông thôn, có nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn nên dinh dưỡng cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Từ khi có chương trình Sữa học đường, chúng tôi rất vui, dù có vất vả hơn cũng sẵn lòng.”
“Không chỉ mang lại niềm vui cho các con, những hộp sữa này cũng góp phần tăng thêm dinh dưỡng cho trẻ dù chế độ dinh dưỡng luôn được nhà trường đầu tư. Kết quả rất đáng mừng, trước khi chưa có chương trình Sữa học đường, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng khoảng 5% đến nay chỉ còn dưới 1%, tầm vóc của học sinh cũng phát triển dần.” – cô Giang phấn khởi chia sẻ.
Trong hành trình sữa học đường đến với hàng triệu trẻ em cả nước còn có nhiều câu chuyện “chưa kể” về sự tận tâm, nỗ lực của những “người đưa đò” đáng kính. Nhờ những nỗ lực không nhỏ của cán bộ ngành giáo dục, các giáo viên tại cơ sở, những hộp sữa học đường đã và đang tiếp tục vượt những quãng đường xa đến tay học sinh mầm non, tiểu học, nhất là trẻ em ở nơi miền núi, biên giới, hải đảo để các em được uống sữa như các bạn. Tính đến nay, đã có 26 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện chương trình Sữa học đường và đạt được kết quả bước đầu khích lệ, qua đó giúp chương trình nhận được sự ủng hộ đông đảo của phụ huynh học sinh trên cả nước.
Nguồn: toquoc.vn