Cuộc chơi mới của Vinamilk trong thương vụ sáp nhập GTNfoods vào Vilico

Sáp nhập GTNfoods vào Vilico có thể giúp Vinamilk tiến gần hơn tới Mộc Châu Milk và giữ lại một công ty chăn nuôi như Vilico cũng là một hướng đi đầy toan tính, động lực tăng trưởng mới của Vinamilk.
Mới đây, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (Vilico – Mã: VLC) đã công bố dự thảo phương án sáp nhập của công ty mẹ là CTCP GTNfoods (Mã: GTN) và sẽ được trình vào Đại hội đồng cổ đông của công ty dự kiến tổ chức vào này 19/3 tới. 

Điều đáng chú ý là GTN đang là công ty mẹ của Vilico và nếu dự thảo được thông qua, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của GTN sẽ được chuyển giao toàn bộ, nguyên trạng cho công ty Vilico, bao gồm cả 250 triệu cổ phiếu GTN đang niêm yết trên HOSE. Vốn điều lệ của Vilico sau đó sẽ được giảm từ 631 tỷ đồng còn 161 tỷ đồng.

Mối quan hệ giữa các công ty ngành sữa cập nhật đến ngày 6/2. (Nguồn: M.H tổng hợp).

Đầu tháng 2, CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk – Mã: MCM) đã phát hành thêm cổ phần cho GTN và CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) nên tỷ lệ sở hữu của các công ty cũng thay đổi và có thể coi là bước bản lề để GTN sáp nhập vào Vilico.

Việc phát hành thêm của Mộc Châu Milk đã thu hút được khoảng 884 tỷ đồng từ GTN, nâng tỷ lệ sở hữu của GTN tại đây lên 26,7%.

Vilico ban đầu từ công ty mẹ sở hữu 51% giờ thành công ty liên kết với tỷ lệ nắm giữ là 32,5%.

Cổ phần của Vinamilk là 8,8%, trong khi các cổ đông khác chưa tới 32%. Dù chưa rõ tỷ lệ hoán đổi cổ phần ra sao nhưng việc sáp nhập GTN vào Vilico sẽ rút ngắn con đường tiến tới kiểm soát Mộc Châu Milk.

Nếu như phương án sáp nhập thành công thì Vinamilk sẽ giảm được một khâu trung gian, tinh gọn hệ sinh thái, đồng thời giúp Vinamilk phần nào có thể giảm thiểu được chi phí quản lý, vận hành không cần thiết.

Theo ước tính của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc sáp nhập GTN vào Vilico sẽ giúp nhóm công ty cắt giảm được 10 – 12 tỷ đồng chi phí quản lý mỗi năm, tương đương 4% lợi nhuận sau thuế hợp nhất của nhóm GTN năm 2020.

Ngoài ra, Mirae Asset cũng nhận định GTN và VLC đều là doanh nghiệp niêm yết, do đó ngay sau khi hoán đổi thì cổ đông có thể tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Việc hoán đổi có thể dẫn đến gián đoạn giao dịch của cổ đông, xong thời gian gián đoạn giao dịch này sẽ rất ngắn, ảnh hưởng không đáng kể đến quyền lợi của cổ đông.

GTN: Trượt dài sau giai đoạn đốt tiền

Những năm 2015 – 2017, GTN nổi lên với việc đi thâu tóm các tổng công ty nhà nước trong quá trình thoái vốn như Tổng Công ty chè Việt Nam (Vinatea), Vilico, CTCP Dược phẩm Cửu Long (Mã: DCL) và cả Mộc Châu Milk.

Nhờ thâu tóm Mộc Châu Milk, doanh thu của GTN tăng trưởng từ năm 2016 lên 2017. Tuy nhiên lợi nhuận công ty mẹ thời điểm đó chỉ 40 tỷ, rồi trượt dốc qua các năm. Chính giai đoạn đốt tiền để M&A này mà khoản lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ bị bào mòn, để lại hệ luỵ lớn tới số liệu tài chính của công ty trong những năm sau.

Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2020 của GTN hồi phục nhờ sự góp mặt của Vinamilk. Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của GTN cho thấy công ty đã thoái toàn bộ vốn tại các mảng đầu tư ngoài lĩnh vực nông nghiệp và 100% doanh thu thuần của GTN đến từ Vilico. Do đó, Mirae Asset nhận định việc tồn tại của GTN là không cần thiết.

Kết quả kinh doanh của GTN qua các năm. (Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC của GTN).

Điểm sáng của GTN chính là lượng tiền dồi dào khi tiền và tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng ở mức hơn 2.270 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng tài sản.

Bước đi toan tính khi giữ lại Vilico – động lực tăng trưởng mới của Vinamilk

Vilico cho thấy được khả năng kinh doanh hiệu quả hơn khi vừa tồn tại lâu năm trong ngành, vừa sở hữu các khu đất hơn 17 ha từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội cho đến TP HCM.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vilico là chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sữa; kinh doanh thương mại, dịch vụ. Có thể nói, một doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi như Vilico là một điểm cộng, khá hấp dẫn với Vinamilk bởi thị trường thịt, đặc biệt là thịt bò được coi là lựa chọn hoàn hảo với Vinamilk.

Theo công bố thông tin mới nhất đến tháng 2/2020, Vilico đang có ba công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các khu đất do Vilico sở hữu. (Nguồn: M.H tổng hợp từ Vilico).

Về tình hình kinh doanh của Vilico, doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng trong ba năm gần đây. Riêng năm 2020 Vilico có doanh thu kỷ lục, với lãi ròng cũng cao nhất từ trước đến nay.

Theo giải trình của công ty, thì kết quả hoạt động của Vilico năm 2020 chủ yếu được phản ánh qua công ty con chủ lực là Mộc Châu Milk khi chiếm trên 90% doanh thu.

Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC của Vilico.

Tương tự GTN thì một điểm sáng với Vilico là hết năm 2020, doanh nghiệp nắm giữ khoảng 1.200 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn, chiếm tới 74% tổng tài sản.

Trước cửa sáp nhập, Vilico cũng định hướng đưa công ty trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Theo kế hoạch ngay sau sáp nhập, Vilico sẽ đầu tư một trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.

Lý do lựa chọn mảng kinh doanh này bởi theo kết quả khảo sát thị trường, Vilico cho biết đây là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển với tổng quy mô thị trường thịt hơn 10 tỷ USD, trong đó thịt trâu/bò hơn 2 tỷ đô và tăng trưởng nhanh nhất trong các nhóm thịt.

Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/bò 6 – 7% năm, gấp đôi thịt heo, gà,…

Mirae Asset nhận định đầu tư chăn nuôi và chế biến thịt bò, là một hướng đi sống còn với Vinamilk sau khi tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chậm lại do thị trường sữa đã đi vào giai đoạn bão hòa.

Ngoài ra, báo cáo của Mirae Asset còn phân tích, một loạt những tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam như Masan hay Hòa Phát đều nhìn thấy tiềm năng của thị trường thịt nhưng chỉ mới tham gia vào chăn nuôi thịt lợn, gà, cá do thời gian thu hoạch ngắn.

Trong khi đó, chăn nuôi bò cần không chỉ cần lượng vốn lớn hơn mà còn yêu cầu thời gian dài hơn, thức ăn là cỏ có giá trị dinh dưỡng cao.

Do đó theo Mirae Asset thì thịt bò là một thị trường đầy tiềm năng và có “size” đủ lớn để tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của Vilico và cả Vinamilk trong tương lai.

Và nếu có được sự hậu thuẫn của Vinamilk cùng với những kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật tốt nhất trong chăn nuôi bò và tận dụng 150.000 con bò sữa tại tất cả các vùng ở Việt Nam của Vinamilk thì Vilico có đầy đủ thế mạnh để phát triển mảng kinh doanh bò thịt này.

Theo ước tính của Mirae Asset thì dự án này sẽ đóng góp thêm 1.000 tỷ đồng mỗi năm (bằng 35% doanh thu 2020 của Vilico) và giúp doanh thu của Vinamilk tăng thêm 2% so với kết quả năm 2020 nếu vận hành hết công suất.

Ngoài ra, Vilico cho biết sau sáp nhập sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển ba công ty tiếp nhận từ GTN đó là Mộc Châu Milk; Vinatea và Ladofoods.

Minh Hằng/Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn: vietnambiz.vn
[searchandfilter id="2529"]