Đại gia sữa Việt “tràn” ra nước ngoài tậu những trang trại khổng lồ

Đầu năm 2021, công ty VitaDairy đã công bố đầu tư hơn 10 triệu USD để sở hữu trang trại bò sữa tại bang Tasmania (Úc). TH true Milk rót tiền vào đại trang trại tại Nga, sau đó là mua tại Úc.

Vài năm gần đây, các “ông lớn” ngành sữa của Việt Nam cho thấy sự tích cực trong việc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường kinh doanh, mua các trang trại khổng lồ.

Thị trường sữa Việt Nam ước đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020

Đầu năm 2021, công ty VitaDairy đã công bố đầu tư hơn 10 triệu USD để sở hữu trang trại bò sữa tại bang Tasmania (Úc).

Tasmania là hòn đảo lớn thứ 26 trên thế giới, nằm cách 240km về phía cực Nam của Australia có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa mát mẻ và điều kiện sinh thái tốt.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Colorado (Mỹ), Tasmania là một trong những khu vực hiếm hoi của thế giới thoát khỏi được những ảnh hưởng từ các hoạt động của con người.

Thông tin này gây bất ngờ, bởi dù đã có 15 năm kinh nghiệm phát triển và được xếp hạng là một trong hai công ty uy tín nhất trong ngành sữa bột nội địa, tên tuổi của VitaDairy chỉ mới chỉ được nhắc tới vài năm gần đây.

Theo lời chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Hà – CEO VitaDairy, trang trại hiện có 1.000 con bò sữa và đang chú trọng phát triển công nghệ thu hoạch sữa non 24h, mang về Việt Nam.

Cũng theo bà Hà, mặc dù bây giờ mới chính thức công bố việc sở hữu trang trại bò sữa tại Tasmania, song thực tế, thương vụ mua lại và đầu tư cho trang trại này đã được thực hiện từ năm 2020 và công ty đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý đăng ký đầu tư ra nước ngoài với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm ngoái.

VitaDairy hiện đang giữ vị trí thứ 2 trong ngành sữa bột nội địa và đang có xu hướng chiếm lĩnh ở nhiều mặt trận khác.

Sữa nước (bao gồm sữa tươi và sữa hoàn nguyên) vẫn đang là phân khúc hái ra tiền và đang được thống lĩnh bởi Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu, IDP, Nutifood, Nestle…

Tasmania – Hòn đảo lớn thứ 26 trên thế giới được mệnh danh là trái tim của hành tinh

Trước đó,  TH true Milk đã rót số vốn lớn để có thể mở rộng thị trường kinh doanh ra nước ngoài.

Sau khi đầu tư đại dự án 2,7 tỷ USD ở Nga, năm 2019, Tập đoàn TH đã mua hai trang trại ở Australia, với tổng vốn đầu tư trên 88,5 triệu USD, để không chỉ chăn nuôi bò, chế biến sữa, mà còn dự kiến trồng bông, hướng dương, chế biến nước hoa quả tại xứ sở Kangaroo. Cũng nhờ các dự án này, năm 2019, Australia trở thành một thị trường đầu tư lớn và hấp dẫn của Việt Nam.

Có lẽ, cũng nhờ có thêm khoản đầu tư này, mà năm 2020, Australia tiếp tục đứng tốp đầu trong số các thị trường đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt, với 101,8 triệu USD.

Ngày 24/5/2019, dự án tại nước ngoài đầu tiên của Vinamilk về lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Xiêng Khoảng, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã chính thức khởi công với tổng vốn đầu tư 500 triệu đôla.

Tổ hợp ‘resort’ bò sữa organic này với quy mô 5.000 ha là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy của Vinamilk tại khu vực miền Trung Việt Nam. Dự án là kết quả hợp tác chiến lược giữa Vinamilk với công ty liên doanh của Lào và Nhật Bản Lao-Jagro.

Các doanh nghiệp sữa Trung Quốc cũng đã từng có chiến lược mua lại các công ty sữa ở nước ngoài, đặc biệt là Úc và NewZealand sau sự cố sữa nhiễm melamin năm 2008.

Vụ bê bối gây chấn động này bắt đầu vào tháng 9/2008, sau khi Công ty sữa Tam Lộc thu hồi khoảng 700 tấn bột sữa bị phát hiện là có chứa chất melamine.

Sau đó, hàng ngàn tấn bột sữa đã bị thu hồi tại Trung Quốc và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sữa từ Trung Quốc như New Zealand, Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Burundi, Gabon, Tanzania, Việt Nam…

Tập đoàn sữa Fonterra, một công ty sữa của New Zealand sở hữu 43% cổ phần của Tam Lộc cũng bị “vạ lây” sau khi công ty này phá sản.

Vẫn có những doanh nghiệp tìm được hướng đi mới để mở rộng cánh cửa kinh doanh trong khó khăn COVID-19

Năm 2019, gã khổng lồ ngành bơ sữa Trung Quốc Mengniu Dairy đã “ôm trọn” hãng sữa bột hữu cơ cho trẻ sơ sinh Bellamy’s Organic của Úc với giá 1.5 tỷ đôla, đồng thời trả cho công ty đồ uống khổng lồ của Nhật Bản 600 triệu đô la để thâu tóm các thương hiệu sữa và đồ uống của công ty Lion.

Trong khi dân châu Á đang trong “cơn khát” sữa ngoại, du khách Trung Quốc có những thời điểm “vét sạch” sữa hộp trẻ em bán ở Hồng Kông, Australia, Anh… Một số quốc gia thậm chí đã phải áp lệnh cấm người tiêu dùng Trung Quốc mua quá một lượng sữa nhất định, thì nhu cầu tiêu thụ món này ở châu Âu và châu Úc đi xuống thảm hại. Rất nhiều doanh nghiệp sữa của châu Âu và châu Úc gặp khó khăn, thậm chí phá sản.

Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước đạt 135.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020, tăng 8,3% so với năm 2019 và hiện đang là thị trường có sự cạnh tranh rất khốc liệt là miếng bánh màu mỡ thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI.

Hải Yến/Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Nguồn: soha.vn

[searchandfilter id="2529"]