ĐỘNG LỰC LÀM GIÀU TỪ BÒ SỮA

Những năm gần đây, nhờ nghề chăn nuôi bò sữa nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã vượt qua đói nghèo để có động lực làm giàu.

Nghề chăn nuôi bò được xem là nghề truyền thống gắn với vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng. Những năm gần đây, nghề chăn nuôi bò đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân đồng bào dân tộc Khmer góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thị trường tiêu thụ sữa tươi rộng mở chính là động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm tới ở Sóc Trăng. Ảnh: TL/Báo Nông nghiệp

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế phát triển nuôi bò, trong đó có tổng diện tích trồng cỏ khoảng 2.500ha, trung bình đạt trên 400m2/con bò, đã đáp ứng được 50% nhu cầu thức ăn cho tổng số đàn bò trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, người dân còn tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm lên tới 2,2 triệu tấn/năm, thân bắp, đọt mía, hèm rượu, hèm bia, rỉ mật đường để làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ hạt giống cỏ sả Hamil để trồng 140ha trên đất trồng cây kém hiệu quả.

Anh Trương Tấn Hữu, ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), cho biết: Gia đình có 8 con bò (3 con bò sữa), mỗi con lấy được 15 lít sữa/ngày, với giá bán hiện tại từ 12.000 đến 13.000 đồng/lít tính ra cũng thu nhập trên 500.000 đồng/ngày (thời gian lấy sữa bò từ 7 đến 10 tháng). Gia đình anh Hữu là hộ dân tộc Khmer của địa phương nên được Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ kinh phí phát triển nghề chăn nuôi bò.

Anh Trần Hoàng Hải, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, là một trong những nông dân đi tiên phong trong phong trào chăn nuôi bò tại địa phương cho biết: Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn và học tập kinh nghiệm từ mô hình chăn nuôi bò. Nghề chăn nuôi bò được nông dân đồng tình phát triển vì phù hợp với điều kiện tự nhiên, cải thiện được thu nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tỉnh Sóc Trăng có nhiều lợi thế phát triển nuôi bò sữa, bò thịt. Ảnh: ĐC/Báo Nông nghiệp

Theo ông Võ Minh Quân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú: Qua thực tế cho thấy, chăn nuôi bò sữa là mô hình cần được nhân rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, một số hộ chăn nuôi bò thường gặp khó khăn trong khâu chăm sóc nuôi dưỡng đối với bò sinh sản, bò mang thai.

Cụ thể như bò phối nhiều lần không đậu thai, sảy thai. Bò thiếu dinh dưỡng khi mang thai, đẻ khó, khoảng cách giữa hai lần đẻ kéo dà làm ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Nhằm khắc phục những khó khăn hạn chế trên, Phòng NN-PTNT huyện đã mở nhiều lớp tập huấn về “Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng bò cái mang thai”.

Anh Võ Hoàng Kha, chuyên viên BQL Dự án phát triển Chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho hay: Hiện tổng đàn bò sữa tỉnh Sóc Trăng là 8.700 con, so với mục tiêu đến năm 2021 là 10.000 con. Hiện nay, số lượng bò bình quân 4 – 5 con/hộ, mục tiêu là 5-6 con/hộ, với sản lượng sữa tươi 23 tấn/ngày tương đương gần 8.400 tấn/năm.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc. Đây chính là động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm tới.

Mặc khác, bò sữa được tỉnh Sóc Trăng quan tâm, có 5 huyện, thành phố đều phát triển được nghề này. Bênh cạnh đó, tỉnh có 6 điểm thu mua sữa bò của Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth cùng 5 điểm thu mua bò sữa khác trên địa bàn. Ngoài ra Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có 1 điểm thu mua đặt tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.

Ngô Trang/Báo Nông nghiệp

Nguồn: evergrowthmilk.vn

[searchandfilter id="2529"]