Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường: Chính sách giàu sức lan tỏa

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua 7 nghị quyết, chính sách liên quan đến công tác GD&ĐT; trong đó có nghị quyết tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội.

Lợi ích cho thế hệ tương laiTheo đó, năm học 2021- 2022, chương trình Sữa học đường sẽ tiếp tục được duy trì thực hiện tại các trường mẫu giáo và tiểu học theo cơ chế, chính sách cũ. Cụ thể: Ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND TP ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước thì ngân sách hỗ trợ 50%; DN cung cấp sữa hỗ trợ 50% (được uống sữa miễn phí).

Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn TP thì kinh phí thực hiện do ngân sách quận, huyện, thị xã bảo đảm theo phân cấp ngân sách. Riêng năm 2021, ngân sách TP bảo đảm kinh phí hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT.

12 quận gồm: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm sẽ do ngân sách quận bảo đảm kinh phí.
18 huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa sẽ do ngân sách thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ.
Về định mức thụ hưởng, các em được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống 1 lần); mỗi lần 1 hộp 180ml.
Việc triển khai chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã được TP thực hiện theo đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 7/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, là đề án có quy mô và giá trị lớn nhất cả nước, rất cần thiết tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo để tiếp nối kết quả đạt được, duy trì sự liên tục trong cải thiện dinh dưỡng trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học; góp phần nâng cao thế chất và sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Theo số liệu được công bố, tính đến 31/12/2020, tỷ lệ trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình Sữa học đường toàn TP đạt 91,43%; trong đó cấp mầm non đạt 94,68%; cấp tiểu học đạt 90,18%.
Phụ huynh đồng thuận cao
Khi nghị quyết về chương trình Sữa học đường được HĐND TP thông qua, tiếp tục thực hiện trong năm học 2021 – 2022, nhiều thầy cô giáo và phụ huynh bày tỏ sự phấn khởi trước sự lan tỏa, tiếp nối của một chính sách giàu ý nghĩa nhân văn, hoàn toàn vì quyền lợi và sự phát triển của học sinh.
Thầy Chu Văn Kiểm – Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Sơn A (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) cho biết: Trường có trên 1.200 học sinh và 100% phụ huynh học sinh tự nguyện tham gia chương trình Sữa học đường. Đây là một chính sách tốt, thể hiện sự quan tâm của TP tới sự phát triển thể chất, tầm vóc, trí tuệ của học sinh- những chủ nhân tương lai của đất nước. “Đối tượng thụ hưởng chương trình là tất cả học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn TP trực thuộc Sở GD&ĐT với mức hỗ trợ 50%; học sinh nghèo, cận nghèo được miễn phí; sữa trong chương trình là sản phẩm chất lượng của thương hiệu lớn. Các em được uống sữa hàng ngày đều đặn, thường xuyên, nguồn sữa đảm bảo…; do vậy phụ huynh rất tin tưởng và đồng thuận”- thầy Chu Văn Kiểm cho biết.
Chia sẻ về cách triển khai chương trình tại trường Tiểu học Bắc Sơn A thời gian qua, thầy Kiểm nói: Ban đầu, cũng có phụ huynh không đồng ý do chưa hiểu về chương trình nhưng sau khi được giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu tuyên truyền, phổ biến, giải thích, phụ huynh đã hiểu được tinh thần của chương trình khi hoàn toàn mang lại lợi ích cho con em họ và họ đã đã đồng thuận tham gia 100%.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hương Tuyến- Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn A (huyện Đông Anh) thì năm học trước, trường có trên 80% học sinh tham gia chương trình Sữa học đường. Quy trình uống sữa được thực hiện rất chặt chẽ. Bước 1 là nhà trường thông báo, xin ý kiến và cho phụ huynh đăng ký. Khi đã chốt danh sách học sinh tham gia, vào mỗi buổi sáng, căn cứ danh sách điểm danh, giáo viên chủ nhiệm chuyển danh sách học sinh đi học sang bộ phận phụ trách sữa để xác nhận số học sinh uống sữa ở buổi học đó. Xong khâu này sẽ chuyển thông tin sang nhân viên Công ty để nhận và giao sữa tại trường. Học sinh ngủ dậy buổi trưa, các cô phát sữa và yêu cầu các em uống tại lớp. Uống xong, học sinh chủ động xếp vỏ hộp gọn ghẽ, cô sẽ thu dọn vỏ hộp để trả về Công ty. Quy trình này là một vòng tròn khép kín; đòi hỏi nhà trường phải phân công các bộ phận kết hợp chi tiết, trách nhiệm để không xảy ra sai sót.
Là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn với 3 con ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, chị Ngô Thị Hà (trú tại huyện Thường Tín) kể rằng, ban đầu chị không đăng ký cho các con tham gia chương trình Sữa học đường. “Vợ chồng tôi cố lắm mới đủ tiền đóng các khoản cơ bản để con đi học nên tôi không có ý định cho con uống sữa tại trường. Khi được các thầy cô giải thích là các con được hỗ trợ 50%, nghĩa là phụ huynh chỉ phải đóng một nửa; với mong muốn con được cải thiện vóc dáng, dinh dưỡng và phát triển, tôi đã cố gắng, quyết định đăng ký cho các con và giờ cảm thấy rất hài lòng bởi các con khen uống sữa ở lớp vừa vui lại vừa ngon. Năm nay tôi tiếp tục đăng ký cho con tham gia chương trình này”- chị Hà hào hứng cho biết.
Theo ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP, trong thời gian học online, học sinh ở nhà nên tạm chưa triển khai việc uống sữa hàng ngày theo chương trình trên. Khi học sinh đến trường trở lại, chương trình Sữa học đường sẽ lập tức được tiến hành và duy trì đều đặn như năm học trước.
Nam Du
Nguồn: kinhtedothi.vn
[searchandfilter id="2529"]