Hiện nay trên thế giới đã có 68 quốc gia triển khai Sữa học đường (SHĐ) này với khoảng 160 triệu trẻ em được hưởng lợi từ việc uống sữa tại trường. Tại Việt Nam, chương trình đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh mầm non, tiểu học.
Với những hiệu quả thực tế mà chương trình SHĐ đang mang lại, nhiều quốc gia ngày càng nhìn nhận được tầm quan trọng của chương trình này đối với việc tăng cường sức khỏe cho trẻ em. Từ năm 2000, Tổ chức Nông Lương Thế Giới (FAO) đã phát động ngày Sữa học đường Thế giới (World School Milk Day) nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc uống sữa tại trường học đối với sự phát triển của trẻ em.
“Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh sự kết hợp giữa chất lượng giáo dục, chính sách bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng học đường cụ thể như sữa học đường sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên” – Bà Caroline Emond, Giám đốc điều hành của IDF (trích Báo cáo 2020)
Việt Nam và nỗ lực cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em từ học đường
Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học vào năm 2016, đã có 26 tỉnh/thành phố trên cả nước triển khai chương trình SHĐ với hàng triệu trẻ em được hưởng lợi.
Qua một thời gian triển khai chương trình SHĐ, tình trạng thể chất của học sinh tại một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Tại tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi từ 26.9% năm 2013 đã giảm còn 23.6% trong năm 2020, số trẻ em tham gia chương trình ban đầu chỉ khoảng 11 ngàn học sinh nhưng sau 7 năm thực hiện đã tăng lên hơn 211 ngàn học sinh.
PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường là một cách an toàn và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Điều này sẽ giúp cho trẻ cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, giúp trẻ cải thiện chiều cao cũng như tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Nhờ sự phối hợp tốt và sâu xát trong công tác tổ chức, tỷ lệ tham gia chương trình của nhiều địa phương đạt ở mức cao, cụ thể như TP. Hà Nội do Vinamilk đồng hành triển khai từ 2018 đến nay đã có hơn 1 triệu học sinh mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đạt tỷ lệ hơn 91%, Bình Định đạt 97% với 46.000 trẻ mầm non được uống sữa, Bà Rịa – Vũng Tàu là 100% và tỉnh Bắc Ninh là 99,3%.
Theo một báo cáo mới đây của Unicef, hơn 350 triệu học sinh ở các quốc gia đóng cửa trường học do Covid-19 có thể không được tiếp cận với các chương trình thực phẩm và dinh dưỡng trường học. Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam, theo Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐTBXH), ước tính đến cuối năm nay số lao động bị ngừng việc, giãn việc giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người. Khi thu nhập bị ảnh hưởng, việc đảm bảo sự chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ sẽ trở thành một vấn đề “không hề nhỏ” với các bậc cha mẹ, trong khi đây là điều rất thiết yếu để tăng cường sức khỏe cho trẻ vào thời điểm dịch bệnh. Chưa kể, vẫn còn nhiều nơi tại Việt Nam điều kiện kinh tế còn khó khăn, trẻ em chưa được đến chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng.
Nguồn: cafebiz.vn