Nhiều thầy cô miền núi, vùng sâu, vùng xa vượt chặng đường cách trở mang sữa đến trường với ước mong học sinh có thêm dinh dưỡng, nâng cao thể chất.
Đường lên điểm trường Mầm non Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) quanh co, nhỏ hẹp, vách đá cheo leo. Ngôi trường nhỏ của các em học sinh đồng bào dân tộc nằm ngay vị trí con dốc cao nên chiếc xe tải chở sữa học đường 5 tấn khó đến tận nơi. Xe phải đỗ ngoài đường chính, cách đó gần chục cây số.
Từ đây, giáo viên sẽ hỗ trợ bác tài bốc dỡ hàng xuống xe đẩy, xe chuyển tải. Những ngày đường khó đi, các thầy cô phải dùng xe gắn máy chở từng thùng sữa về trường bất kể nắng mưa để đảm bảo các em học sinh được uống sữa theo quy định 3 ngày mỗi tuần.
Công việc “chở sữa đến lớp” đã được các thầy cô tại 16 trường mầm non và tiểu học của 4 huyện miền núi khó khăn Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì cần mẫn thực hiện kể từ khi chương trình Sữa học đường đến với tỉnh Hà Giang từ năm 2018. Nhờ vậy, các em nhỏ vùng cao được đều đặn bổ sung nguồn dinh dưỡng chất lượng từ sữa như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Không riêng Hà Giang, con đường để sữa học đường đến với học sinh tại các tỉnh miền núi khác như Quảng Nam, Kon Tum hay vùng đảo xa như Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cũng gặp không ít khó khăn do địa hình chia cắt, giao thông cách trở. Hay như tại cù lao Mây (Vĩnh Long), nơi những chiếc cầu chưa nối thông đôi bờ, các thùng sữa còn phải trải qua hành trình di chuyển từ khi tập kết đến điểm trường chính, chuyển lên thuyền, phà… trước khi đến với các điểm trường lẻ.
Hầu hết các thầy cô đều chia sẻ động lực lớn giúp họ tận tâm với chương trình Sữa học đường vì thấy được đây là cơ hội để phát triển thể lực và trí tuệ cho thế hệ con em trong tương lai. Điều này càng có giá trị hơn với các gia đình khó khăn bởi chỉ việc lo ăn, lo học đầy đủ cho con trẻ còn khó thì uống sữa đều đặn là điều còn xa vời.
Niềm vui khi trẻ thông minh, cao khỏe mỗi ngày
Nhìn các em khỏe mạnh, lanh lợi, cô Zơ Râm Thị Bích (giáo viên trường Mầm non A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) vô cùng phấn khởi. Cô cho biết, trường có nhiều trẻ dân tộc thiểu số, chưa có điều kiện uống sữa. Cô rất vui khi thấy các trò được bổ sung dinh dưỡng qua nguồn sữa để đảm bảo sức khỏe.
Để hàng triệu trẻ em trên khắp đất nước mỗi ngày đến trường là ngày vui, được bổ sung nguồn dưỡng chất bổ dưỡng từ sữa là sự nỗ lực, không nề hà khó nhọc của các thầy cô, những “người đưa đò” tận tụy.
Cô La Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường Mầm non Lục Sĩ Thành (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, đội ngũ giáo viên nhà trường vui mừng khi các em được uống sữa học đường như bao trẻ em tại các tỉnh thành khác. Đó như là nguồn động lực để trường tiếp tục vững tin, vượt qua bao trở ngại thực hiện tốt công tác triển khai chương trình an toàn, hiệu quả. Niềm vui ấy không dừng lại ở việc con trẻ được uống sữa mỗi ngày mà còn nhận thấy các em phát triển về thể lực, trí não, học tập tốt hơn.
Hiện có 26 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện chương trình Sữa học đường và đạt được kết quả bước đầu khích lệ. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những cán bộ ngành giáo dục, các giáo viên tại cơ sở, nhất là công tác tuyên truyền tích cực của nhà trường, nỗ lực của thầy cô giáo chăm lo cho con trẻ được uống sữa đầy đủ, hiệu quả. Chương trình nhờ vậy nhận được sự ủng hộ đông đảo của phụ huynh học sinh.
Đơn cử tại Vĩnh Long, sau một năm triển khai, con số tăng lên đáng kể, từ hơn 10.600 đến gần 20.000 học sinh tiểu học. Tại Quảng Nam, vào tháng 6/2020, hơn 33.000 học sinh bậc mầm non và tiểu học được uống sữa mỗi ngày khi đến trường. Tỷ lệ học sinh cải thiện về thể chất, chiều cao, cân nặng cũng tăng đáng kể.
Với sự nỗ lực của “người đưa đò”, hàng triệu sữa học đường sẽ tiếp tục vượt những quãng đường xa đến tay học sinh mầm non, tiểu học, nhất là trẻ em ở miền núi, biên giới, hải đảo để thế hệ mầm non của đất nước cùng vươn cao.
Kim Uyên
Nguồn: vnexpress.net