Mộc Châu Milk: Ngày về với Vinamilk ngày càng gần

Ảnh: dautu.

Với tình hình kinh doanh ngày càng khởi sắc của Mộc Châu Milk, GTNFoods sẽ chào mua thêm 29,5 triệu cổ phiếu của Mộc Châu Milk nhằm nâng mức sở hữu.

Theo giá mua được đưa ra tại Nghị quyết Hội đồng Quản trị GTNFoods (HOSE: GTN) là 30.000 đồng/cổ phần, tương đương giá trị 884 tỉ đồng.

Tình hình kinh doanh ngày càng khởi sắc

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk đã cải thiện mạnh từ 17,7% lên 28,9% trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế tăng 41% lên 106 tỉ đồng. Kết quả này của Mộc Châu Milk giúp công ty mẹ là Vilico (sở hữu 51%) cũng có lãi 116 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Với chiến lược mới, Mộc Châu Milk cần huy động nguồn tiền lớn cho hoạt động đầu tư với số tiền 1.600 tỉ đồng cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Ảnh:
Ảnh: dautu.

Công ty sữa tại Mộc Châu (Sơn La) cũng muốn nới điều kiện cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần; đồng thời triển khai các công việc lưu ký và niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Vì vậy, trước đó cổ đông Mộc Châu Milk đã thông qua các phương án phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ 668 tỉ đồng lên mức dự kiến 1.100 tỉ đồng, bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỉ lệ 5%), chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (Vinamilk và GTNFoods) và cổ phiếu ESOP.

Với riêng phương án chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, khối lượng phát hành là 39,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, lượng mua của GTNFoods chiếm hơn 75% lượng chào bán này. Số cổ phần phát hành cho Vinamilk là hơn 9,7 triệu cổ phiếu.

Vinamilk xây chiến lược dài hạn cho Mộc Châu Milk

Vinamilk vốn “mê đắm” Mộc Châu milk, vì thế nhiều năm nay Công ty này liên tục mua vào cổ phiếu của GTNFoods nhằm nắm giữ Mộc Châu Milk.

Cụ thể, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) hiện sở hữu 51%, tương ứng gần 34,1 triệu cổ phiếu của Mộc Châu Milk. Trong khi, GTNFoods với sở hữu 73,7% Vilico và Vinamilk sở hữu 75,3% GTNFoods. Theo đó, Vinamilk cũng hưởng lợi từ sự tăng trưởng của công ty bò sữa Mộc Châu.

Vào cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất mua 75% vốn GTN foods. Sau khi tiếp quản GTN foods, Vinamilk đã tiến hành tái cấu trúc, thoái vốn ngoài ngành và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk.

Theo chia sẻ của đại diện Vinamilk, đơn vị này đã lên chiến lược phát triển dài hạn cụ thể cho Mộc Châu Milk. Cụ thể, Công ty tập trung đẩy Mộc Châu Milk ở khía cạnh hoạt động hiệu quả: giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối. Các sản phẩm công ty này đang phát triển chủ yếu là sữa tươi, tiếp theo là sữa chua ăn, sữa chua uống. Trong tương lai, đơn vị sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm sữa tươi mới, thay đổi bao bì.

Về thị trường, Mộc Châu Milk vẫn tập trung ở miền Bắc do dư địa còn rất lớn. Khi đã phát triển mạnh ở miền Bắc, doanh nghiệp sẽ lấn sân tới khu vực miền Trung và Nam với tầm nhìn vài năm tới.

Về phát triển trang trại, đại diện Vinamilk cho biết đã lên kế hoạch xây dựng trang trại mới quy mô 4.000 con cho Mộc Châu Milk, dự kiến mất khoảng 2 năm để hoàn thành. Song song đó, doanh nghiệp nâng cấp trang trại cũ từ 1.500-2.000 con, thời gian hoàn thành nhanh hơn xây trang trại mới.

Kỳ vọng của “ông lớn” ngành sữa Việt Nam đối với dự án này là tăng nhận diện thương hiệu Mộc Châu Milk không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Nam, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk. Ngoài ra, trong chiến lược 3-5 năm tới, Vinamilk cũng xem xét xây thêm nhà máy mới cho Mộc Châu Milk do nhà máy hiện tại quy mô khá nhỏ và đã chạy 80-90%.

Sơn Mai

Nguồn: nhipcaudautu.vn

 

[searchandfilter id="2529"]