Nestlé Việt Nam và Tổng cục Môi trường hợp tác thúc đẩy BVMT

Ngày 8/12, Công ty Nestlé Việt Nam vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững cũng như góp phần thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường (Năm 2020. Nhân dịp này, Nestlé tại Việt Nam (gồm công ty Nestlé Việt Nam và công ty La Vie) cũng công bố Cam kết Trung hòa nhựa đến năm 2025.

Hợp tác giữa Nestle’ Việt Nam với Tổng cục Môi trường nhằm thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP/Nestle’ Việt Nam cung cấp.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, trong đó rác thải ra biển chiếm khoảng 0,28-0,73 triệu tấn. Do đặc thù đường bờ biển dài, vấn đề ô nhiễm nhựa do rò rỉ từ các hoạt động trên đất liền ra biển và đại dương tại Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng.

Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Luật BVMT đã xác định cộng đồng DN là nhân tố hết sức quan trọng trong công tác BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN, mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Tổng cục Môi trường đánh giá cao ý thức và sự chủ động nỗ lực, hành động và phối hợp hiệu quả của Công ty Nestlé Việt Nam với Tổng cục Môi trường trong việc đồng hành, chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải, quản lý bao bì bền vững nói riêng và BVMT nói chung.

“Sự tiên phong của Công ty Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều DN, cộng đồng DN cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững”, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết.

Sự hợp tác với Tổng cục Môi trường là một trong các nỗ lực của Nestlé tại Việt Nam trong việc góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy và hiện thực hóa cam kết của Tập đoàn Nestlé, đó là đến năm 2025, toàn bộ bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Cam kết này song hành với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.

Cũng tại sự kiện ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường, Nestlé tại Việt Nam đã chính thức công bố Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025. Theo ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức hơn, cam kết của Nestlé về việc thúc đẩy bao bì bền vững vẫn không thay đổi. Trên phạm vi toàn cầu và địa phương, Nestlé tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc hợp tác với các bên liên quan khác nhau nhằm giải quyết vấn đề thách thức chất thải nhựa và tạo ra những tác động tích cực đến môi trường.

Đến hết quý II/2021,  Nestlé Việt Nam đã áp dụng và thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền của Nestlé. Ảnh: VGP

Ông Binu Jacob chia sẻ, trong suốt 26 năm thành lập và phát triển, Nestlé luôn cam kết đầu tư lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững, không chỉ kinh tế-xã hội, mà còn về môi trường Việt Nam. Nestlé Việt Nam luôn xác định đóng vai trò tiên phong giải quyết các thách thức về rác thải nhựa và tin tưởng rằng với sự chung tay, đồng hành và hợp tác với Bộ TN&MT, các đối tác, người tiêu dùng, chúng ta sẽ cùng nhau hành động vì một đất nước Việt Nam xanh, sạch và đẹp hơn.

“Cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025 của Nestlé tại Việt Nam nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải.  Đây cũng là một khởi đầu quan trọng của chặng đường hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bao bì bền vững của Nestlé. Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong năm 2021 và sẽ phát triển, cũng như nhân rộng các dự án này trong các năm tới”, ông Binu Jacob cho biết.

Để đạt được mục tiêu trung hòa nhựa đến năm 2025, các thành viên của Tập đoàn Nestlé tại Việt Nam, bao gồm Công ty La Vie Việt Nam, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án sau: Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì; thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít; tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm; hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế; tăng cường thu gom bao bì nhựa và vỏ hôp đã sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam); hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế; thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Cho đến nay, Nestlé Việt Nam đã thực hiện một số sáng kiến với những kết quả đáng khích lệ. Nestlé Việt Nam là công ty hàng tiêu dùng đầu tiên thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy có chứng nhận Quản lý rừng bền vững FSC. Bắt đầu thử nghiệm từ tháng 3/2020 với các sản phẩm uống liền như Milo Breakfast và Nesvita 5 loại đâu, đến hết quý II/2021 công ty đã áp dụng và thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền của Nestlé. Dự án bao bì này đã giúp Nestlé giảm thiểu trung bình khoảng 700 tấn nhựa dùng trong sản xuất mỗi năm.

Bên cạnh đó, La Vie cũng ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai nhựa tái chế (rPET) – một loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ đảm bảo tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sáng kiến này của La Vie không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới (nhựa nguyên sinh), mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các dự án thu gom và tái chế tại Việt Nam.

Minh Thi

Nguồn: baochinhphu.vn

[searchandfilter id="2529"]