Ngành Sữa Việt Nam tăng trưởng trong đại dịch Covid-19

Năm 2020, trước những khó khăn chung của cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến tạp, tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, ngành sữa Việt Nam đã nỗ lực vừa sản xuất, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chia sẻ những khó khăn của cả cộng đồng; duy trì được sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu, chủ động xúc tiến thương mại, đảm bảo việc phân phối đáp ứng nhu cầu của xã hội; tốc độ tăng trưởng tốt cả về sản lượng sữa, sản phẩm sữa và tổng doanh thu chung.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng doanh thu toàn ngành sữa ước đạt 113.715 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019.

Trước diễn biến dịch bệnh, ngành sữa trong nước chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 ít nghiêm trọng do nguồn cung nguyên liệu trong nước đáp ứng cho sản xuất, các trang trại và hộ chăn nuôi bò sữa ít bị tác động, nhu cầu tiêu thụ sữa từ người tiêu dùng nhằm tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch được tăng lên, các doanh nghiệp duy trì được hệ thống phân phối truyền thống đồng thời cũng kịp thời thúc đẩy nhanh kênh phân phối hiện đại. Cuối năm 2019 và đầu 2020, một số doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam đã có sự thay đổi cấu trúc như Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk; Blue Point và Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mua lại Sữa Quốc tế (IDP)…Theo sau sự thay đổi đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020.

Sản lượng sữa duy trì đà tăng trưởng: theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng sữa nước ước đạt 1.250,6 triệu lít, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng sữa bột đạt 123 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành không ngừng đầu tư, hoàn thiện trang trại, dây chuyền sản xuất và hệ thống phân phối hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0. Các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới (như sản phẩm sữa tươi chứa tổ yến của Vinamilk, sữa NutiMilk của NutiFood, sản phẩm ColosIgG 24h của Vitadairy…giúp tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch cho người tiêu dùng).

Nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa. Năm 2020, một số doanh nghiệp đã hoàn thiện và xây dựng mới nhiều trang trại nuôi bò sữa quy mô lớn, nhập thêm các giống bò cao sản và chất lượng cao từ Mỹ, Úc, …Cụ thể như:

Công ty Vinamilk đã và đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm mở rộng quy mô của hệ thống trang trại bò sữa trong và ngoài nước, nhiều dự án sắp đi vào hoạt động trong thời gian tới như tiếp tục hoàn thành giai đoạn 1 của Tổ hợp “resort” bò sữa Organic trên cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào), với tổng số đàn bò là 24.000 con. Dự kiến sang giai đoạn 2, Vinamilk sẽ nâng quy mô đàn bò lên 100.000 con; trang trại Vinamilk Quảng Ngãi của Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam đã nhập về 500 còn bò sữa. Dự kiến đến đầu năm 2021 sẽ nhập thêm 1.000-1.200 con. Đây là trang trại có qui mô lớn thứ 2 trong các trang trại của Vinamilk sau trang trại bò sữa Tây Ninh, có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng; qui mô dự án 100 ha, với 4.000 con bò sữa, giải quyết việc làm cho 160 lao động. Dự án sắp đi vào vận hành là Trung tâm cấy truyền phôi nhằm phục vụ nhu cầu chọn lọc nguồn gen ưu tú, vượt trội để gây dựng đàn bò sữa trong nước. Hiện Trung tâm này đang áp dụng những tiến bộ mới nhất từ Nhật Bản, Mỹ trong công nghệ gen, cấy truyền phôi.

Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã đưa vào hoạt động trang trại bò sữa NutiMilk rộng hơn 1.000 ha nằm trên cao nguyên Gia Lai, có tổng đàn 7.000 con bò sữa và bê, hiện cho sản lượng 75-95 tấn sữa/ngày. Đây là trang trại bò sữa đầu tiên của NutiFood, được tiếp quản từ Hoàng Anh Gia Lai vào tháng 7/2018 và xây dựng dưới sự tư vấn của Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood ở Thụy Điển.

Tập đoàn TH true milk đã triển khai Dự án bò sữa ở Phú Yên, đến nay (16/12/2020) có hơn 800 bò thuần Holstein Frisian cao sản đã có mặt tại trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong năm tới tại đây sẽ có 5.000 bò sữa trong tổng số quy mô 20.000 con cùng với nhà máy chế biến sữa của TH sẽ phát triển và xây dựng tại tỉnh Phú Yên. Bên cạnh, Tập đoàn TH khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư của Dự án trên là 2.544 tỷ đồng, chiếm tổng diện tích 441 ha tại tỉnh KonTum với quy mô đàn bò nuôi tập trung là 10 nghìn con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20 nghìn con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao; xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày…Các trang trại bò sữa của các doanh nghiệp đã được các tổ chức quốc tế cấp các chứng nhận hệ thống trang trại đạt chuẩn Global GAP, VietGAHP, trang trại hữu cơ nhằm đảm bảo thực phẩm đạt đủ tiêu chuẩn về sản phẩm an toàn và chất lượng quốc tế cho người sử dụng.

Sản lượng sữa bò năm 2020 đạt 1.086,3 ngàn tấn, tăng 10,2% so với năm 2019 (nguồn Tổng cục Thống kê). Năng suất sữa bình quân cả nước năm 2020 vẫn duy trì đạt 4,76 tấn/bò vắt sữa. Giá sữa các doanh nghiệp thu mua cho nông dân luôn được duy trì ổn định ở mức từ 12.000 – 14.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng sữa.

Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò sữa, nhưng sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa để phục vụ tiêu dùng trong nước. Mặc dù diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu sữa nói riêng. Tuy nhiên, tính chung đến 15/11/2020, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm sữa đạt 935,91 triệu USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2019 (Theo số liệu của Tổng cục Hải quan).

Kim ngạch xuất khẩu sữa trong 8 tháng năm 2020 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt 182,8 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.  Ngoài các thị trường truyền thống, năm qua một số doanh nghiệp tiếp tục xúc tiến thương mại, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh cùng cả nước thực hiện các biện pháp chống dịch covid 19, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Sữa Việt Nam đã chung tay góp sức cùng Chính phủ, các Bộ ngành trong công tác chống dịch. Theo thống kê chưa đầy đủ các đơn vị thành viên của Hiệp hội Sữa đã ủng hộ bằng hiện vật, tài chính để mua trang thiết bị y tế, test xét nghiệm trị giá hơn 100 tỷ đồng.  Khi các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai bão lũ, với tinh thần tương thân tương ái, các đơn vị thành viên đã giúp đỡ đồng bào miền Trung hơn 30 tỷ đồng bằng hiện vật và tài chính. Các hoạt động tham gia với các Bộ, ngành và địa phương như chương trình sữa học đường, Quỹ “Triệu cây xanh cho Việt Nam”, các chương tình hoạt động thể thao trong các trường học…cũng đã được các doanh nghiệp tiếp tục triển khai có hiệu quả.

          Triển vọng năm 2021 và những năm tới: Năm 2021, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, ngành sữa Việt Nam bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn phải đối diện với nhiều thách thức. Trước hết áp lực của hội nhập mà các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP…ngành sữa sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về giá. Thuế nhập khẩu sẽ giảm trong vòng 3 năm tới, các sản phẩm sữa nhập khẩu sẽ cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Điều này, một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sữa trong nước, nhưng mặt khác lại tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh. Xu hướng người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm hữu cơ, dòng sữa hạt…buộc doanh nghiệp ngành sữa phải tìm những hướng đi phù hợp để có thể giữ vững vị thế trước những công ty thương hiệu lớn của thế giới.

Hiện nay, sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ đạt 26-28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 – 100 lít/người/năm. Chương trình Sữa học đường, năm 2020 đã triển khai tại 23 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện với hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học tham gia và Chính phủ đang xem xét tiếp tục phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao cũng được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic… dùng cho những nhóm đối tượng người cao tuổi, người bị bệnh nền, bệnh ung thư…sẽ có xu hướng tăng cao hơn.

(Chi tiết bản “Báo cáo Kết  quả hoạt động năm 2020 và Phương hướng hoạt động năm 2021 của Hiệp hội Sữa Việt Nam” kèm theo đây BC-HH-SỮA-2020)   

VDA

[searchandfilter id="2529"]