Những đợt giãn cách xã hội khiến không ít người lao động tại TP HCM gặp khó khăn, bữa ăn hàng ngày thiếu thốn, nhất là dinh dưỡng cho các con càng không được bổ sung đủ đầy.
Khu bến đò Bình Mỹ (ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) là nơi tập trung nhiều công nhân, lao động nghèo tứ xứ, trong đó có rất đông bà con dân tộc Khmer. Đa số các gia đình có hai con nhỏ, công việc chính của họ phụ hồ, hoặc ngày ngày đi đò sang bên kia sông (tỉnh Bình Dương) để bán rau, cá ngoài chợ tạm. Kể từ khi chợ tạm cấm hoạt động, hầu hết đều thất nghiệp. Khó khăn chồng khó khăn khi cả khu lại bị phong toả do có ca nhiễm Covid-19. “Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ ở đây, bình thường đã thiếu thốn, nay còn thiếu thốn gấp đôi. Ngày thường chúng còn được ra ngoài chơi, nay bị nhốt trong phòng trọ chật hẹp, nóng nực, lại ăn uống kham khổ ai cũng xót xa”, chị Nguyễn Thị Ngọc Trân, ngụ tại khu bến đò Bình Mỹ kể.
Hẻm 195, tổ 24, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 do có người nhiễm Covid-19 cũng bị phong toả 21 ngày. Vừa dỡ phong toả ngày 7/7, đến ngày 9/7 lại thêm đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, nhiều gia đình tại đây bị mất việc làm, không tiền mua sữa cho con. Chị Trần Nhật Tiền, ngụ tại hẻm 195 kể, hai vợ chồng chị làm nghề bán nhang dạo, tổng thu nhập được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Trừ khoản tiền nhà trọ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, hai vợ chồng cùng con nhỏ vẫn đủ sống qua ngày. Nhưng hai vợ chồng chị mất việc hơn tháng nay, hiện gia đình rất khó khăn. Trước đây, mỗi ngày con trai chị uống 2 hộp sữa loại 180 ml nhưng giờ chị tằn tiện lắm bé mới được uống một hộp vì ba mẹ không còn tiền.
Trước tình cảnh thiếu thốn của các gia đình lao động nghèo tại những khu phong tỏa, nhãn hàng sữa Cô gái Hà Lan đã có sự tiếp sức kịp thời, bằng cách trao tặng những hộp sữa tươi cho các em nhỏ bổ sung dinh dưỡng.
Đại diện xóm trọ, nhận những thùng sữa Cô Gái Hà Lan rồi trao cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bến đò Bình Mỹ, chị Ngọc Trân cho biết những ly sữa sẽ tiếp thêm sức khoẻ kịp thời cho các cháu nhỏ và động lực cho nhiều gia đình đang có hoàn cảnh có khăn. Hơn hết, họ cảm thấy được quan tâm, không bị bỏ lại phía sau.
Thấy con gái cầm hộp sữa reo lên “thích quá mẹ ơi”, rồi khui ra uống lấy uống để, chị Thạch Thi Đa, hàng xóm nhà chị Trân, xúc động nói: “Đã gần tháng nay, con bé chưa được uống sữa. Biết con thèm, nhưng tiền ăn cho gia đình còn đang chật vật, lấy đâu tiền mua sữa cho bé. Những phần quà này như đã sưởi ấm, tiếp sức những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.
Tương tự, 50 cháu bé thuộc 50 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại hẻm 195 cũng nhận được sự tiếp sức kịp thời của Cô Gái Hà Lan. “Từ lúc bị phong toả rồi giãn cách xã hội đến nay, ngày nào chúng tôi cũng nhận được thực phẩm từ các mạnh thường quân, hôm thì mì, hôm rau củ, nay lại được nhận sữa. Đây là động lực giúp chúng tôi cố gắng chống dịch thật tốt theo hướng dẫn của cơ quan chức năng”, chị Tiền nói.
Những phần sữa trên đều nằm trong chương trình “Dinh dưỡng yêu thương, chung tay chia sẻ” mà Cô Gái Hà Lan đã triển khai từ những ngày đầu Việt Nam đối phó với Covid-19. Để thực hiện chương trình này, tập thể nhân viên của công ty đã không ngại khó khăn, đi vào tâm dịch để tiếp sức các y, bác sĩ và người dân. Đại diện Cô Gái Hà Lan cho biết, qua sự hỗ trợ này, Cô Gái Hà Lan muốn lan toả thông điệp: Trong lúc hoạn nạn khó khăn, điều tốt đẹp cần làm là chia sẻ. Dịch bệnh rồi sẽ qua nhưng tình người sẽ còn mãi. Dù là một phần sữa, bó rau hay ký gạo cũng đều thiết thực, góp phần kết nối tinh thần đoàn kết, thể hiện sự chung sức chung lòng hướng về người dân.
Diệp Chi (Ảnh: Cô Gái Hà Lan)
Nguồn: vnexpress.net