Cụ thể là Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Binh Duong Nutifood Nutrition Food Joint Stock Company) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị sang thị trường Trung Quốc. Nhà máy sữa Trường Thọ (Truong Tho Dairy Factory, trực thuộc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác sang thị trường Trung Quốc.
Đã có 3 nhà máy của Vinamilk xuất khẩu sữa sang Trung Quốc
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho phép 07 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu một số sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó bao gồm TH True Milk (sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa biến đổi); Hanoimilk (sữa lên men); Công ty Bel Việt Nam (các loại phô mai khác); Nutifood (sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị); và 3 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác).
Việc liên tiếp có nhiều tên doanh nghiệp sữa của Việt Nam trong danh sách được xuất khẩu sữa sang thị trường Trung Quốc mang lại kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sữa chính ngạch trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam phát triển.
Trước đó, năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm sữa Việt chính thức được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc – thị trường tiêu dùng sữa lớn thứ 2 thế giới với những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.
Nguồn: congthuong.vn