Bất chấp những tác động từ đại dịch, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu USD để tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại Việt Nam. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD. Phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Nestlé Việt Nam có quyết định tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá hơn 132 triệu USD. Ông có thể chia sẻ về quyết định này?
Tổng giám đốc Binu Jacob: Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Chúng tôi tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới. Trong khi Việt Nam có lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến và hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà Tập đoàn Nestlé đang có mặt.
Tập đoàn Nestlé tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và châu Úc. Với tầm nhìn trên, nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai sẽ trở thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất trên thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường các nước phát triển có thể kể là Nhật Bản, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu.
Tác động của đại dịch COVID-19 từ năm ngoái đến nay làm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp của chúng tôi cũng gặp phải nhiều vấn đề do tác động của đợt dịch bệnh lần này đến từ nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng.
Có khoảng 1.200 nhân viên của chúng tôi đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đồng thời áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc 5K tại nhà máy của Nestlé Việt Nam hơn 2 tháng qua. Việc này đã gây ra nhiều thách thức đối với khâu vận hành cũng như gây ảnh hưởng lên các nhân viên tại đây, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm. Một số địa phương áp dụng nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch cũng gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng của chúng tôi.
Đặt trong một bối cảnh như thế, chúng tôi đã đề ra chiến lược gồm 3 ưu tiên chính đó là: sự an toàn của nhân viên; đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và thực hiện các chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống đại dịch. Hơn hết, chúng tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.
Phóng viên: Có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm qua, xin ông chia sẻ lý do chọn và không ngừng đầu tư vào Việt Nam?
Tổng giám đốc Binu Jacob: Tập đoàn Nestlé chính thức trở lại Việt Nam với việc thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vào năm 1995 và liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD. Chúng tôi tuyển dụng 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy cùng 2 trung tâm phân phối. Chúng tôi có 3 nhà máy đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai và một nhà máy tại tỉnh Hưng Yên.
Hằng năm Nestlé đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam thực hành canh tác bền vững và đưa vào nền kinh tế khu vực nông thôn 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê bền vững. Chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiên phong đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam.
Nestlé cũng là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam đã chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với vai trò là điểm đến đầu tư trong tầm nhìn dài hạn và bền vững. Ngoài vị trí địa lý, Việt Nam có lợi thế rất lớn với các tuyến thương mại quan trọng.
Lực lượng lao động trẻ dồi dào, với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người nằm trong nhóm 15 quốc gia đông dân nhất trên thế giới mà có “cấu trúc dân số vàng”, có nghĩa là cứ hai người lao động sẽ chăm lo cho chỉ một người phụ thuộc. Với ưu điểm này, Việt Nam có một cơ hội phát triển kinh tế – xã hội không phải ai cũng có và các bạn cần phải khai thác tốt điểm này.
Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Chỉ trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đạt được nhiều thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế với việc gia nhập một loạt các Hiệp định thương mại tự do và Cộng đồng kinh tế có thể kể đến như: Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Phóng viên: Ông có kiến nghị gì với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các bộ, ngành để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI nói chung và Nestlé Việt Nam nói riêng?
Tổng giám đốc Binu Jacob: Kể từ khi chính thức đặt chân trở lại Việt Nam cách nay hơn 25 năm, tất cả hoạt động của Nestlé nhằm hiện thực cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho người Việt Nam.
Chúng tôi đã mang đến Việt Nam công nghệ nghiên cứu và sản xuất hàng đầu thế giới của tập đoàn Nestlé đi cùng với sự cam kết và thấu hiểu nhu cầu thiết thân nhất của người dùng.
Trong suốt hành trình hơn hai thập kỷ qua, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ và giúp sức quý báu của Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương của các tỉnh thành là Đồng Nai, Hưng Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc.
Chúng tôi muốn chia sẻ những mối quan tâm và khuyến nghị có thể giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và làm tăng trưởng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Chúng tôi cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu sức khỏe của người dân. Chuỗi những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã bào mòn sức khỏe tinh thần của những người lao động và với cả những người phải ở trong nhà và làm việc từ xa.
Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, tái mở cửa nền kinh tế.
Sản xuất ngay bây giờ cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái “bình thường mới” đi cùng với kế hoạch rõ ràng và thời gian cụ thể. Để duy trì vị thế cạnh tranh trên khu vực cũng như trên toàn cầu thì chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ.
Các doanh nghiệp có hồ sơ theo dõi đã được chứng minh và kế hoạch rõ ràng cần được kích hoạt để đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với hoạt động và an toàn của người lao động và mở cửa trở lại khi họ có thể, với sự giám sát sau khi thực hiện. Mô hình sản xuất tại chỗ được thiết lập như một giải pháp tình thế trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng với mục tiêu đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Mô hình sản xuất này tuy vậy không bền vững đặc biệt đối với những dây chuyền nhà xưởng quy mô lớn, sử dụng số lượng lớn lao động như nhóm doanh nghiệp sản xuất, may mặc và thiết bị điện tử…
Sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh thành là rất quan trọng. Việc mỗi tỉnh thành đưa ra những quy định khác nhau chẳng hạn quy định về lấy mẫu xét nghiệm và tần suất xét nghiệm đối với người và hàng hóa lưu thông, hay cách ly y tế và giải quyết các trường hợp nhiễm bệnh, đã gây ra những đứt gãy về sản xuất và chuỗi cung ứng. Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc vô cùng quan trọng.
Chúng tôi cho rằng một trong các yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp thành công chính là sự hỗ trợ đến từ chủ trương đúng đắn và hành động cụ thể của Chính phủ hành động khuyến khích doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khối tư nhân phát triển. Là một doanh nghiệp FDI, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế khiến môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và lành mạnh hơn.
Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Chính phủ lắng nghe những quan tâm và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt những doanh nghiệp FDI.
Vaccine là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Chúng tôi rất cảm ơn vì Chính phủ đã ưu tiên vaccine cho Tp. Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế phía Nam./.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Hằng Trần (Thực Hiện)/BNEWS/TTXVN
Nguồn: bnews.vn