Trong phần thảo luận tại diễn đàn, trước câu hỏi “Vinamilk đã làm gì để chinh phục thị trường quốc tế”, ông Trí đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về hành trình của “sữa quốc dân”. Ông cho rằng, Vinamilk đã chọn một con đường khó khăn, nhưng đó là điều phải làm để phục vụ câu chuyện phát triển bền vững.
“Đối với xuất khẩu, nếu là xuất khẩu thô hay gia công, doanh nghiệp sẽ làm theo yêu cầu của đối tác, và họ sẽ lo xây dựng thương hiệu. Nhưng Vinamilk đã chọn con đường gian nan hơn, là đem thương hiệu của mình đến các thị trường nước ngoài, bất chấp việc xây dựng tại Việt Nam đã là rất khó khăn rồi”, trích lời ông Trí.
“Tại sao? Vì Vinamilk tin tưởng rằng xây dựng thương hiệu là con đường dài hạn để phát triển bền vững. Chỉ có xây dựng thương hiệu mới là giá trị bền vững, nếu không thì chỉ là hàng hoá bình thường, không có giá trị cộng thêm”.
Ông Nguyễn Quang Trí tại sự kiện. Ảnh: Châu An
|
Một thương hiệu Việt “lẫy lừng” tại quốc tế?
Nói về hiệu quả tương quan giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, ông Trí cho rằng nếu thành công sẽ mang lại hiệu ứng rất mạnh.
“Thử mường tượng, chúng ta có thương hiệu Việt Nam mà lẫy lừng ở thế giới thì sẽ thế nào? Hiện tại, 90% doanh thu của Vinamilk là từ nội địa, nhưng nếu thương hiệu cũng nổi tiếng ở nước ngoài thì người tiêu dùng trong nước sẽ nghĩ gì? Đó là lý do chúng tôi chọn con đường khó hơn”.
Bên cạnh đó, ông Trí cho biết Vinamilk quan niệm việc đưa sữa ra nước ngoài không chỉ là xuất khẩu, mà phải là một hành trình tâm huyết. “Chúng tôi gọi là khối kinh doanh quốc tế. Vinamilk có bộ phận trong nước để phụ trách 90% doanh thu công ty, và khối kinh doanh quốc tế để phục vụ thị trường nước ngoài. Marketing chia theo các ngành hàng, tất cả phải tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng cả ở Việt Nam và thế giới”.
Công thức dễ, làm thì khó
Theo ông Trí, một doanh nghiệp sữa hay ngành F&B nói chung, công thức thành công thực chất rất đơn giản. Nó bao gồm 3 yếu tố: chất lượng, giá cả và dịch vụ.
Nhưng nói là dễ, con đường đạt được lại gian nan.
“Về chất lượng, ngoài các chứng chỉ quốc tế, Vinamilk luôn hướng đến các tiêu chuẩn cao nhất có thể của WHO, WTO, tiêu chuẩn châu Âu, của Anh Quốc, hay chuẩn ISO trong quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhưng chúng chỉ là giấy thông hành để vào thị trường xuất khẩu. Quan trọng ở ngành này không chỉ là chất lượng, mà còn là hương vị phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không thể cứ áp dụng công thức khẩu vị trong nước cho các thị trường khác. Vinamilk có bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng tại các thị trường khác để biết thị hiếu của họ. Như tại Trung Quốc thích sầu riêng, Vinamilk có sữa chua sầu riêng, hay thị trường Nhật Bản chuộng các sản phẩm gốc thực vật, và ra đời sữa dừa đặc.
Thực chất, lợi nhuận từ xuất khẩu không cao như nội địa. Nhưng Vinamilk xác nhận đây là con đường lâu dài. Làm sao để gieo được thói quen sử dụng sản phẩm Vinamilk tại thị trường khác để tiếp tục phát triển”.
Bên cạnh đó, ông Trí cho biết Vinamilk còn phát triển dịch vụ hậu mãi tại thị trường quốc tế, để không chỉ đem bán mà còn là theo dõi thị hiếu, phản hồi từ khách hàng. Hơn nữa, với các yêu cầu khắt khe về phát triền bền vững, Vinamilk đã xác định đây là con đường cần phải đi, và đây cũng là điều kiện để VNM vươn mình ra quốc tế.
Châu An
Nguồn: vietstock.vn