Để 3 ngày Tết, 7 ngày xuân của trẻ không phụ thuộc smartphone, xa rời thiết bị điện tử, bố mẹ có thể làm bạn cùng con qua 4 bài học thú vị.
Tết không chỉ là kỳ nghỉ dài với nhiều hoạt động vui chơi mà còn là “học kỳ gia đình” của trẻ. Bố mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian này để giúp con học các kỹ năng mới, thực hành một số nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền,… từ đó giúp “học kỳ gia đình” của con lấp đầy bằng những trải nghiệm đáng nhớ.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình
Với người lớn, những ngày giáp Tết có thể trở thành “cơn ác mộng” khi gánh nặng công sở, việc nhà cùng ập tới. Việc dạy trẻ cách san sẻ là bài học đầu tiên bố mẹ có thể dành tặng con dịp nghỉ Tết.
Để không khí Tết thêm mới mẻ, bố mẹ có thể giao cho con “trọng trách” chọn mua một số món đồ, vật dụng như quần áo, giày dép, bao lì xì, hay lên thực đơn bữa ăn ngày đầu năm,… Mặc dù việc bố mẹ “lùi bước về sau” chẳng hề dễ dàng, nhưng nếu làm hết mọi công việc sẽ phần nào tước đi quyền thể hiện bản thân của con.
Để trẻ cảm thấy được tôn trọng và thêm hăng hái, bố mẹ nên cùng con thảo luận và đưa ra công việc phù hợp. Đây là cơ hội để trẻ thể hiện gu thẩm mỹ, sở thích, bày tỏ quan điểm cũng như học thêm kỹ năng tiêu dùng cùng bố mẹ.
Mẹ có thể bắt đầu bằng cách nhờ con chọn mặt hàng cần mua, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng (nếu con có thể nhận biết ngày tháng), số lượng món hàng. Để con có thêm động lực, bố mẹ có thể tặng con một hộp sữa tươi Cô Gái Hà Lan sau khi hoàn thành thử thách. Không chỉ là thức uống khoái khẩu, sữa tươi còn giúp con bổ sung năng lượng hao hụt trong quá trình suy nghĩ, vận động.
Đầu năm khai bút, cả năm chăm học
Trong quan niệm truyền thống, trẻ em “đầu năm khai bút, cả năm chăm học”. Việc khai bút đầu xuân có ý nghĩa lấy đà, tránh quên bài vở hay rơi vào thói quen lười biếng hậu Tết.
Bên cạnh chơi xuân, những hoạt động nho nhỏ như viết thiệp chúc Tết gửi bạn bè, họ hàng và người thân trong gia đình có thể khiến con hào hứng hơn trong kỳ nghỉ dài. Trò chơi viết thư cũng là cầu nối giúp con bộc lộ cảm xúc, trải lòng những tâm tư thầm kín, mong ước với bố mẹ trong năm mới. Con có thể viết ra mọi điều con thích như đi học bơi, nuôi tóc dài, đạt điểm 10 tiếng Anh đầu năm, mua được sticker Elsa yêu thích,… và gửi cho bố mẹ trong những ngày đầu năm mới.
Hoặc mẹ có thể thử thách con viết cảm nhận theo chủ đề Tết, bánh chưng, hoa mai hay bất kỳ điều gì con thích và chia sẻ với cả nhà. Thông qua việc viết, trẻ có thể phát triển khả năng quan sát, bộc lộ cảm xúc, sắp xếp trình tự tư duy tốt hơn.
Mẹ trao lộc đầu năm, bé khai xuân may mắn
Dịp Tết, gia đình nào cũng có cành mai, nhành đào hay chậu quất chưng trong nhà. Cha mẹ có thể bí mật treo thật nhiều bao lì xì đỏ thắm, trong đựng những câu chúc an lành hay một số thử thách nho nhỏ để sáng mùng 1 cả nhà quây quần bên nhau hái lộc, chúc Tết.
Những mảnh giấy đỏ có thể mang theo ước nguyện về một năm mới an lành hoặc một số yêu cầu nhỏ như “Gửi đến ông bà một lời chúc dài và bạn sẽ nhận được một bao lì xì”, “Tặng bánh cho các thành viên để cả năm ai cũng khỏe mạnh”, “Ôm bố mẹ thay lời chúc năm mới an lành”,…
Không chỉ là hoạt động mang đến tiếng cười, mỗi bao lì xì chứa đựng thông điệp yêu thương là chất keo giúp gia đình thêm gắn bó. Thay vì tự tay chuẩn bị, bố mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ viết ra những mong ước trong năm mới để treo lên nhành lộc.
Gieo mầm cây xanh, đón Tết an lành
Trẻ em thành thị thường được gọi là “thế hệ trong nhà” (indoor generation). Chúng dành nhiều thời gian khám phá công nghệ trong khi những thú vui gắn với thiên nhiên như trèo đèo, lội suối, tiếp xúc cây cỏ,… thường hạn chế hơn. Thực tế, khi thiên nhiên “dự phần” vào cuộc sống, trẻ có thể giảm nguy cơ stress cùng những hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Dịp Tết năm nay, để con rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu thêm ý nghĩa quá trình phát triển của mầm xanh và nhất là có cơ hội khám phá thiên nhiên, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ trồng cây, hoa trong nhà; chăm sóc những cây cảnh trưng Tết.
Đơn cử, bố mẹ có thể cùng con tìm hiểu đặc tính của từng loại cây, từ đó chọn mua được loại yêu thích, học cách chăm sóc và nuôi dưỡng. Việc tận dụng các hộp sữa cũ, đồ nhựa, chai lọ không dùng để gieo hạt giúp trẻ có ý thức và yêu thêm hành tinh xanh.
Bên cạnh những cây cảnh phổ biến dịp Tết như lan, đào, mai, quất,… bố mẹ có thể dạy con cách chăm sóc rau, củ và thu hoạch để có thực phẩm sạch cho cả nhà dịp đầu năm.
Lam Anh và Giang Duy Linh
Nguồn: zingnews.vn