Đứng trước những quả đồi được tạo nên bởi… phân bò, anh Nguyễn Hòa Hiệp, giám đốc kỹ thuật của trang trại Green Farm Tây Ninh bốc một nắm phân đã qua xử lý và đưa cho những vị khách tham quan trực tiếp xác nhận bằng khứu giác.
Hệ thống xử lý sẽ tạo ra 45 tấn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng và không còn chút mùi khó chịu. Sau khi ủ tối thiểu 15 ngày, đây là chất dinh dưỡng tuyệt vời giúp Vinamilk cải tạo hơn 500ha đất bạc màu trong những năm qua. Nước phân được tách ra, sau khi xử lý lại được tuần hoàn lại để tưới cho cánh đồng. Đồng thời khí metan từ đó qua hệ thống biogas trở thành năng lượng để chạy nhà máy sấy cỏ, đun nóng nước thanh trùng sữa cho bê cũng như phục vụ các hoạt động khác của trang trại.
Một người công nhân trẻ mở cánh tủ của hệ thống rửa xô khoe hàng trăm chiếc xô đựng sữa đang được rửa tự động. Những thiết bị chuyên dụng được gọi là ‘milk taxi’ sau khi thanh trùng sữa tại đây sẽ di chuyển đến chuồng để cho đàn bê con uống sữa. Mỗi ngày hệ thống có thể thanh trùng 2,5 tấn sữa cho bê uống trực tiếp và rửa 3.000 chiếc xô tương đương với 20 mẻ/ngày.
Hệ thống này không chỉ giúp cho Vinamilk tiết kiệm thời gian mà quan trọng hơn trang thiết bị, công cụ dụng cụ sử dụng cho bê được vệ sinh sạch sẽ giúp bê con giảm thiểu phát sinh các bệnh đường tiêu hoá và hô hấp.
Trong khi đó, chiếc máy sấy cỏ tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh được cho biết là chiếc máy duy nhất tại Việt Nam hiện nay có thể sấy cỏ đạt chất lượng như nhập khẩu. Được cải tiến từ công nghệ máy sấy chè, chiếc máy sấy cỏ độc nhất vô nhị này đảm bảo ‘an ninh lương thực’ của đàn bò trong mùa mưa của Tây Ninh và giúp trang trại không tốn chi phí nhập khẩu cỏ khô từ nước ngoài, cũng như chi phí kho bãi để trữ cỏ khô.
Với năng lượng được tạo ra từ biogas cùng hệ thống năng lượng mặt trời, trang trại Green Farm Tây Ninh chỉ còn phải sử dụng điện lưới vào ban đêm. Thậm chí năng lượng từ biogas đang dư thừa và họ lên kế hoạch xây dựng nhà máy sấy cỏ giai đoạn 2 để tận dụng hết năng lượng được tạo ra.
Đó là những dẫn chứng cho thấy hành động của trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh cho mục tiêu “Không còn gì bị loại bỏ”, nhằm giảm khai thác tài nguyên, chi phí xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường.
Tại trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh, mỗi ngày đàn bò sữa 8.000 con thải ra 30 tấn phân. Với vòng tuần hoàn khép kín, mỗi năm trang trại có thể tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng chi phí điện năng và còn giúp giảm đáng kể lượng phát thải CO2.
Ông Trần I Giôn – Giám đốc trang trại Vinamilk Green Farm Tây Ninh cho biết, việc biến một vùng đất trống đầy cỏ tranh thành một trang trại xanh hữu cơ như hiện nay là một quá trình không hề dễ dàng.
“Một trong những thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là việc chuyển đổi nhận thức của mọi người từ canh tác vô cơ sang hữu cơ. Cùng với xu hướng của thế giới thì việc tạo ra một môi trường xanh không chỉ đem lại lợi ích cho thế hệ của chúng ta hiện nay mà còn cho thế hệ tương lai. Đó chính là động lực giúp chúng tôi tin tưởng vào việc mà mình đang làm” – Ông I Giôn chia sẻ.
Những gì mà Green Farm đang thực hiện mới chỉ là bước đầu trong tầm nhìn dài hạn mang tên Net Zero và ông I Giôn tin rằng bất kỳ vị khách nào đến trang trại cũng sẽ thấy được sự thay đổi từng tháng từng năm ở nơi đây.
Theo thông tin từ Vinamilk, hiện tại, 100% trang trại đều đã đạt chuẩn Global GAP, sử dụng năng lượng biogas, năng lượng mặt trời. 100% đất của trang trại được canh tác theo phương pháp hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu… Các chỉ tiêu về tiết kiệm tài nguyên, tuần hoàn nước, chất lượng nguồn đất, phát thải CO2 đều được đo đạc, theo dõi hàng năm qua các báo cáo chuyên môn.
Nằm trong hoạt động trung hòa carbon, hầu hết các trang trại cũng đều dành từ 50-70% diện tích cho mảng xanh cũng như phát triển các hồ nước điều hòa sinh thái. Việc này không chỉ giúp hấp thụ lượng CO2 thải ra trong quá trình chăn nuôi mà còn tạo ra vùng khí hậu mát mẻ, dễ chịu và thuận lợi hơn cho việc phát triển đàn bò sữa ngay tại miền nhiệt đới.
Khi đến ‘siêu nhà máy’ của Vinamilk tại Bình Dương – thuộc Top 5 nhà máy sữa có công nghệ hiện đại nhất thế giới, hình ảnh ấn tượng ban đầu là những người công nhân di chuyển trong nhà máy bằng xe đạp và những chú robot tự hành đang vận chuyển các pallet nguyên vật liệu và thành phẩm phục vụ sản xuất. Nhà máy chỉ có hơn 400 lao động, bằng khoảng 1/10 so với nhà máy truyền thống, trang bị hệ thống hoàn toàn khép kín, tự động hóa 100% từ khâu chế biến cho đến đóng hộp, đóng thùng dưới sự giám sát tinh vi của các thiết bị điện tử. Việc di chuyển bằng xe đạp là hợp lý nhất với khoảng cách từ 1-2km giữa các điểm trong nhà máy, đồng thời lại chẳng tạo ra chút phát thải nào.
10 năm trước, Vinamilk xây dựng siêu nhà máy này, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam. Khi đó, mặc dù các khái niệm xanh còn chưa phổ biến ở Việt Nam như hiện nay nhưng công ty đã chủ động trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới để tối ưu tài nguyên trong quá trình sản xuất.
1 thập kỷ qua đã chứng minh cho tầm nhìn của Vinamilk khi nhà máy sữa Việt Nam tại Bình Dương trở thành ví dụ tiêu biểu cho hoạt động sản xuất xanh của ngành. Bằng công nghệ nhiệt tuần hoàn và tái sử dụng nhiệt, hệ thống điện mặt trời mái nhà thay thế điện lưới, năng lượng xanh thay thế 95% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, nhà máy này giảm phát thải tới 10.000 tấn CO2/năm. Hệ thống thu hồi và tái sử dụng nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt, giảm bớt năng lượng đầu vào, chi phí vận hành cũng như những tác động tiêu cực tới môi trường.
Số liệu từ Vinamilk cho biết việc ứng dụng robot LGV tự hành đã tiết giảm tới 62% lượng khí thải CO2 so với xe nâng truyền thống do tiết kiệm năng lượng và có thể tính toán con đường ngắn nhất để di chuyển. Hệ thống kho thông minh vận hành tự động, không chỉ tiết kiệm tới 1/6 diện tích so với kho thông thường mà còn tiết kiệm 70% năng lượng.
Ông Vũ Thành Đồng – Giám đốc kỹ thuật của nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk tại Bình Dương tự hào chia sẻ: Nhà máy sữa chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn TPM (Total Productive Maintenance –Bảo trì năng suất toàn diện) hơn 3 năm nay và là Nhà máy sữa đầu tiên của Việt Nam thực hiện.
Đây là phương pháp quản lý bắt nguồn từ Nhật Bản, nhằm xây dựng một công ty hoạt động khỏe mạnh hơn, hiệu quả hơn thông qua việc nâng cao hiệu quả của thiết bị cũng như con người. Không có sự cố phải dừng máy để sửa chữa (Zero Breakdown), Không có phế phẩm (Zero Defect), Không có lãng phí (Zero Waste), Không có tai nạn (Zero Accident), Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ (High Morale – Business Ownership) là các mục tiêu của TPM.
TPM không chỉ được thực hiện ở hàng trăm nhà máy, công ty tại Nhật Bản mà còn được rất nhiều công ty của Mỹ như Ford Motor, Eastman Kodak, Dupont, Allen Bradley, Harley Davidson, Motorola, Boeing tích cực áp dụng. Ngày nay TPM vẫn đang tiếp tục được phổ biến ở nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…
Thực hành phát triển bền vững, áp dụng các giải pháp Xanh từ nhiều năm nay nhưng đến tháng 5/2023 Vinamilk mới chính thức công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050 với chương trình Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero. Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất kiêm Trưởng ban dự án Net Zero nhấn mạnh, đó là cam kết của Vinamilk trong việc đồng hành cùng Chính phủ sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP 26.
Chương trình hành động Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp bền vững – Sản xuất xanh – Logistics thân thiện môi trường – Tiêu dùng bền vững. Lộ trình cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050.
Trong đó, nông nghiệp bền vững được thể hiện tại 13 trang trại, sản xuất xanh được minh chứng tại 13 nhà máy. Bên cạnh đó, chương trình hành động Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050 bao gồm nhiều dự án nhằm trung hòa phát thải.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết, đầu năm 2023, Vinamilk đã hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án trồng cây với ngân sách hợp tác 15 tỷ. Đầu năm 2023, Vinamilk hoàn thành việc trồng hơn 1.000 cây xanh ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Vào tháng 8, họ tiếp tục dự án Khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, hợp tác với Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia triển khai khoanh nuôi, gieo trồng rừng ngập mặn với diện tích 25ha, ngân sách khoảng 4 tỷ, kéo dài trong vòng 6 năm.
Dự kiến với 25ha rừng ngập mặn này, trong tương lai sẽ hình thành 1 cánh rừng cây mắm và cây đước, có thể hình thành nên bể hấp thụ Carbon từ 17.000 đến 20.000 tấn Carbon, quy đổi tương đương với 62.000 đến 73.000 tấn CO2e.
“Khi triển khai khoanh nuôi, gieo trồng rừng ngập mặn Cà Mau, có một kỷ niệm rất đáng nhớ. Bãi bồi là một vùng nước sình lầy mà phải chờ thủy triều xuống, chúng tôi mới đi thuyền vào được. Mọi người lội xuống bùn để dựng hàng rào, căng lưới nhằm ngăn hạt mắm không bị cuốn trôi mà được giữ lại để tạo thành cánh rừng trong tương lai” – Ông Lê Hoàng Minh kể lại – “Bùn ngập đến ngang hông và gần như không đi nổi, phải bò. Thế nhưng tất cả anh em đều vô cùng nhiệt tình để hoàn thành mục tiêu”.
Một câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp là làm thế nào để cân bằng giữa kết quả kinh doanh với việc phải đầu tư lớn và rất kiên trì cho các hoạt động xanh? Theo ông Lê Hoàng Minh, mặc dù phải bỏ ra nguồn lực tài chính tương đối lớn nhưng đó là chi phí đầu tư mang lại lợi ích dài hạn cho cộng đồng, cho xã hội và cho môi trường còn lớn hơn. Đồng thời chính nhờ các giải pháp xanh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp được tiết giảm.
Khi sử dụng biomass để đốt lò hơi, cung cấp hơi nước nóng cho sản xuất thì chi phí rẻ hơn 30 lần so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, chi phí phát thải rất thấp, Vinamilk không phải bù đắp phát thải.
“Nếu chúng ta không định hướng doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, về lâu dài, xu hướng phát triển xanh của thế giới ngày càng hiện thực và chúng ta sẽ nằm ngoài xu hướng đó. Rõ ràng nó sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng ưa chuộng các sản phẩm đến từ các doanh nghiệp phát triển bền vững, còn với DN phát triển bằng mọi giá, hủy hoại môi trường thì người tiêu dùng sẽ quay lưng” – Trưởng ban dự án Net Zero của Vinamilk nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cam kết Net Zero không phải là câu chuyện mà chỉ một doanh nghiệp, một cá thể có thể hoàn thành. Theo PGS. TS Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành sữa nói riêng. Muốn làm được, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch bao gồm: đặt mục tiêu; chọn lựa trọng tâm, trọng điểm; có các giải pháp cụ thể để lộ trình thực hiện đúng như kế hoạch đề ra; giám sát để đảm bảo được chất lượng việc thực hiện cũng như duy trì việc thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường.
Thách thức trong thực hiện Net Zero của ngành sữa còn đến từ phía nhà cung cấp cho tới người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp ngành sữa bao gồm các nhà cung cấp bột sữa, đường, bao bì… và nhà sản xuất đều cần có sự đồng hành để giảm chỉ số phát thải và thực hiện giải pháp bù đắp cho việc xả thải.
Để thực hiện tiêu dùng bền vững, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tái chế bao bì và chuyển hướng sang sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường.
“Nếu dự án Net Zero của Vinamilk thành công, đó sẽ là một tác động rất lớn đối với ngành sữa Việt Nam khi đây là doanh nghiệp hàng đầu, chiếm gần một nửa thị phần” – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhận định.