“Vinamilk thay áo mới” là câu chuyện đã tốn không ít giấy mực từ truyền thông tới cộng đồng người tiêu dùng thời gian qua. Nhưng thực chất, “tấm áo ấy” chỉ là hình thức bên ngoài, đằng sau là cách mà Vinamilk khẳng định những giá trị mang tính di sản của thương hiệu như chất lượng – uy tín – phát triển bền vững bằng một ngôn ngữ trẻ trung, mới mẻ hơn.
Đây là cách mà ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc điều hành Marketing CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) – miêu tả ngắn gọn về mục tiêu đằng sau chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu đáng chú ý của doanh nghiệp, trong buổi tiếp xúc với báo chí gần đây.
Ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk (Ảnh: Quỳnh Trần).
Chọn làm việc khó
Ngày nay, không hiếm để bắt gặp những sản phẩm “made in Vietnam” trên kệ siêu thị các nước, nhưng hầu như sản phẩm đều mang thương hiệu khác. Điều này được giải thích là do đa phần sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đi theo hướng gia công (OEM). Riêng Vinamilk chọn con đường khó nhưng bền vững hơn: xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.
Theo ông Trí, việc xây dựng thương hiệu ở nước ngoài chắc chắn sẽ gian nan, vất vả hơn trong nước rất nhiều, bởi sự khác biệt về tiêu chuẩn, ngôn ngữ, thị trường. Nhưng khi thành công, những giá trị mang lại cho thương hiệu sẽ lớn hơn nhiều.
“Vinamilk tâm niệm phải làm cho sản phẩm, thương hiệu phát triển mạnh mẽ ở nội địa rồi mới xuất khẩu, vì khi ấy sản phẩm mới đủ sức thuyết phục người tiêu dùng các nước thử và chọn. Ngược lại, người tiêu dùng thấy Vinamilk có sản phẩm xuất hiện tại thị trường Nhật, Hàn Quốc, rồi Mỹ,… thì niềm tin ở nội địa cũng sẽ tăng lên. Chẳng hạn sản phẩm sữa đặc Ông Thọ – một thương hiệu lâu đời của Vinamilk, những ngày đầu xuất khẩu, chúng tôi tập trung vào mục tiêu phục vụ kiều bào nhưng nay đã rất nổi tiếng, lan tỏa thói quen tiêu dùng sữa đặc đến cộng đồng bản địa tại các nước”, ông Trí chia sẻ.
Sản phẩm sữa đặc Ông Thọ xuất hiện trên kệ hàng tại các nước.
Một vấn đề khác ở thị trường nước ngoài là sự cạnh tranh, khi sản phẩm Việt Nam được đặt cạnh các thương hiệu thế giới vốn có nhiều kinh nghiệm hơn trong khâu phát triển sản phẩm cũng như thiết kế. Tuy nhiên, ông Trí tự tin Vinamilk đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên sân chơi quốc tế.
Giữ vững vị thế dẫn đầu bằng chất lượng
Năm 2023, Vinamilk gây chú ý với chiến dịch tái định vị thương hiệu có mức độ lan tỏa rất tốt trên truyền thông cũng như các nền tảng xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trí cho biết, việc thay đổi logo hay bao bì sản phẩm chỉ là hình thức bên ngoài. Đằng sau đó, Vinamilk mong muốn kế thừa di sản văn hóa của một thương hiệu 47 năm tuổi và thổi vào đó nguồn năng lượng tươi mới, trẻ trung hơn.
Cũng theo đại diện Vinamilk, chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu này là lời giải của “ông lớn” ngành sữa cho bài toán duy trì vị thế đứng đầu thị phần trong nước ở bối cảnh thị trường đan xen giữa cơ hội và thách thức.
Trong đó, thách thức chung của thị trường hiện nay là nhu cầu người tiêu dùng ngày càng phân mảnh, không thống nhất. Chẳng hạn, có người thích ngọt nhưng có nhóm lại kiêng đường; người thích sữa tươi, nhóm khác lại chuộng dinh dưỡng từ thực vật… Điều này đòi hỏi, doanh nghiệp phải có cách tiếp cận khác biệt với từng nhóm theo xu hướng ngày càng cá nhân hóa, khác biệt hóa.
Một thách thức khác trong ngắn hạn là kinh tế toàn cầu vẫn chịu sức ép suy giảm chung, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Với nền tảng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và lợi thế đến từ hệ thống phân phối hơn 230.000 điểm lẻ, chuỗi cửa hàng Vinamilk (Giấc mơ sữa Việt) cùng chuỗi cung ứng gồm 14 nhà máy, 14 trang trại trải dài đất nước, Vinamilk vẫn duy trì kết quả kinh doanh tích cực. Nhưng không phải là không có ảnh hưởng.
Ngoài ra, khoảng cách tiêu thụ sữa giữa nông thôn và thành thị còn lớn; mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 1,5 triệu trẻ em chào đời; và xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe… cũng là những động lực quan trọng của ngành sữa trong những năm tới.
Nguồn: thesaigontimes.vn