Chủ thương hiệu Vinasoy hưởng lợi từ giá đường, có hơn 5.000 tỷ đồng tiền mặt

Khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm 44% tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi, giúp công ty thu về gần 70 tỷ đồng lãi trong 3 tháng đầu năm 2023.
Đường Quảng Ngãi hiện dẫn đầu thị phần mảng sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy.
Giá đường lập đỉnh cao nhất trong 11 năm đã thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng mạnh mẽ trong 3 tháng đầu năm 2023. CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) cũng không ngoại lệ.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, chủ thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy mang về 2.130 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm đường đóng góp 746 tỷ doanh thu, tăng đột biến 79% so với quý 1/2022. Mảng sữa đậu nành vẫn đóng góp lớn nhất với 817 tỷ đồng, tuy nhiên giảm hơn 8% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn doanh thu nên lãi gộp của QNS tăng 23%, thu về gần 596 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó cải thiện từ 26,7% lên 28%.

Điểm sáng nữa là doanh thu tài chính đạt hơn 71 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ, phần tăng tới từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chi phí tài chính cũng tăng 76% nhưng chỉ ở mức trên 38 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.

Chi phí quản lý tăng 6% lên 62 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng được tiết giảm 10% xuống còn gần 211 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi phí cho quảng cáo, truyền thông, khuyến mãi, dùng thử, chào hàng, trưng bày, spamling gần 80 tỷ đồng, tương ứng bình quân mỗi ngày công ty chi gần 900 triệu đồng cho hoạt động này.

Kết quả, Đường Quảng Ngãi báo lãi sau thuế quý 1 đạt gần 317 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 8.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với 2022; lợi nhuận sau thuế là 1.008 tỷ đồng, giảm 22%. Như vậy, sau quý 1, doanh nghiệp đã đạt 25% chỉ tiêu doanh thu và 31% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lý giải về kết quả kinh doanh khả quan, Đường Quảng Ngãi cho biết, kinh tế thế giới và Việt Nam những tháng đầu năm nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn ổn định. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao như đường có lượng tiêu thụ tăng 90% và doanh thu tăng 80%, nha có sản lượng tiêu thụ tăng 22% giúp doanh thu tăng 23%.

Các sản phẩm còn lại như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo ghi nhận sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ nhưng doanh thu và lợi nhuận đều xấp xỉ cùng kỳ.

Ngoài ra, công ty đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp, từ đó làm tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyển sản xuất đường hoạt động ổn định, hiệu suất thu hồi tăng, tiết kiệm chi phí, góp phần làm tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh đường từ mía so với cùng kỳ.

Về tình hình tài chính, quy mô tổng tài sản của QNS tại thời điểm 31/3/2023 đạt 11.815 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, với tổng giá trị 5.181 tỷ đồng tăng gần 700 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 44% tổng tài sản. Ba tháng đầu năm, khoản tiền gửi đã đem về cho công ty gần 70 tỷ đồng tiền lãi.

Hàng tồn kho của công ty ghi nhận tăng đột biến 124% so với đầu năm lên 2.117 tỷ đồng, do tăng mạnh tồn kho hàng hoá.

Mặt khác, nợ phải trả cũng tăng mạnh hơn 1.500 tỷ đồng lên mức 4.335 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn từ ngân hàng, từ gần 1.900 tỷ đồng lên gần 3.300 tỷ đồng.

[searchandfilter id="2529"]