Chuyện ở trang trại bò sữa hiện đại nhất Việt Nam

Tôi đã nhiều lần đến Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, nhưng lần đến thăm mới đây rất đặc biệt. 
Nhà máy hiện đại trên đất cằn
Quảng Ngãi sang xuân, tôi có dịp đi cùng lãnh đạo 2 huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành cùng nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo đến thăm Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, ở xã Đức Phú (Mộ Đức). Tiếp chúng tôi là hai lãnh đạo trang trại còn rất trẻ, đều là con em nông dân miền Trung. Đó là Giám đốc kỹ thuật Trần Đại và Giám đốc Thú y Nguyễn Chí Công.
Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.          Ảnh: T.Nhị
Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Nhị

Tự tin, cởi mở, Giám đốc kỹ thuật Trần Đại – người từng có 8 năm đầu quân cho Vinamilk, giới thiệu thông tin về nhà máy đầy vẻ tự hào, trang trại chính thức hoàn thành, đón đàn bò về hồi tháng 10/2020. Đến nay, trang trại đã có hơn 3.000 con. Lao động ở trang trại có khoảng 160 người, trong đó xã Đức Phú có hơn 100 người, chủ yếu chăm sóc bò, lái máy, cắt cỏ, thu mua nguyên liệu chế biến thức ăn. Tất cả công nghệ ở đây đều tự động hóa, chứ không thì với quy mô chăn nuôi như thế này, phải cần nhiều lao động hơn nữa.

Quy mô trang trại không phải lớn nhất, nhưng là hiện đại nhất Việt Nam về công nghệ. Toàn bộ lượng điện sử dụng là điện năng lượng mặt trời. Tất cả công nghệ chăm sóc, vắt sữa, chế biến thức ăn đều nhập từ các nước nổi tiếng thế giới trong ngành bò sữa và nông nghiệp công nghệ cao như Thụy Điển, New Zealand, Israel. Đến cỏ làm thức ăn cho bò cũng là loài cỏ đặc dụng nhập từ nước ngoài. Máy băm đất, máy tưới nước nhập từ Mỹ và Italy. Chiếc máy tưới đặc biệt có tốc độ tưới 10ha chỉ trong một buổi sáng. Trang trại hiện đã trồng được khoảng 10ha cỏ. Đây là loại cỏ rất khó chăm sóc, “nắng không ưa, mưa không chịu”. Cỏ đang lên xanh tốt trên đất cằn Đức Phú- mảnh đất một năm chỉ có 2 mùa mưa, nắng. Phân bón cho cỏ cũng phải là loại phân hữu cơ, do trang trại tự sản xuất từ ứng dụng công nghệ biogas biến chất thải thành tài nguyên, theo vòng tuần hoàn tái tạo đất bằng công nghệ Nhật Bản.
Công phu chăm sóc bò sữa 
Giới thiệu về chăn nuôi bò, anh Đại cho biết, bò sữa ở đây thực sự là những “cô bò” hạnh phúc. Hơn 3.000 con bò đều nằm nệm, có quạt mát tự động. Mỗi cá thể bò sữa trước khi về trang trại, có thông tin phả hệ ba đời và được đăng ký lý lịch với Hiệp hội HF Mỹ. Mỗi con đều có giấy chứng nhận phân tích gen xác nhận chỉ số lợi nhuận cả đời (Net Merit) và chỉ số hiệu suất sản xuất (GTPI), do các phòng kiểm nghiệm được chỉ định của Mỹ cấp. Sản lượng sữa trung bình của giống bò nhập về đạt hơn 11 nghìn lít/năm, nhiều dưỡng chất với hàm lượng chất đạm, béo rất cao.
Bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.      Ảnh: T.Nhị
Bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi. Ảnh: T.Nhị

Hoạt động vắt sữa được ứng dụng công nghệ hiện đại đến mức làm cho những con bò quên đi cảm giác mình đang bị… vắt sữa. Khi vắt sữa, bò được đưa vào giàn xoay tự động nhập từ Thụy Điển. “Đây là công nghệ vắt sữa hiện đại duy nhất trong hệ thống Vinamilk cho đến thời điểm này. Vắt sữa bằng giàn xoay, bò thoải mái và thích thú, nên cho sản lượng sữa nhiều hơn, chất lượng sữa theo phân tích cũng cao hơn”, anh Đại nói.

Việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe của những con bò sữa cũng không kém phần thú vị. Giám đốc Thú y Nguyễn Chí Công cho biết, bò được theo dõi 24/24 giờ qua chip điện tử. Mỗi con bò được gắn 2 chíp: Chíp trên tai và chíp đặt ngay dưới cổ. Chíp trên tai để nhận dạng, với đầy đủ thông tin “lý lịch trích ngang” như ngày sinh, ngày phối giống, ngày mang thai, sản lượng sữa. Chíp dưới cổ có chức năng đo nhịp độ nhai lại, cho phép đánh giá sức khỏe của bò. “Chăn nuôi bò công nghiệp, khâu kiểm soát sức khỏe là vô cùng quan trọng. Có như thế mới bảo vệ được đàn bò, đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả”, anh Công nhấn mạnh.
Chuyện hợp tác với nông dân
Kể từ khi đàn bò sữa được đưa về xã Đức Phú, nông dân các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi… đã trồng bắp sinh khối bán cho Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi làm thức ăn cho bò. Tất nhiên, không phải loại bắp nào cũng trồng được. Giống và kỹ thuật đều do kỹ sư phụ trách nguyên liệu của trang trại hỗ trợ. Nhờ có sự góp sức trồng bắp sinh khối, nên dù chỉ có 10ha cỏ, nhưng hơn 3.000 con bò ở đây vẫn luôn phát triển theo chiều hướng tốt và đạt mục tiêu đề ra. Năm 2021, sản lượng bắp sinh khối thu mua cho nông dân trong tỉnh (tại trang trại) khoảng 18 nghìn tấn, với giá 1.300 đồng/kg. Sản lượng sữa của Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi đạt khoảng 20 triệu lít (chỉ tiêu 18 triệu lít).
Nông dân xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thu hoạch bắp sinh khối bán cho Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.                                      Ảnh: T.Nhị
Nông dân xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thu hoạch bắp sinh khối bán cho Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi. Ảnh: T.Nhị

Trong cuộc gặp gỡ đầu xuân 2022, nhà thơ Thanh Thảo đã gợi mở việc Tập đoàn Vinamilk  hợp tác bền chặt với nông dân, những người thực tế đang góp công, góp đất sản xuất nguồn thức ăn cho đàn bò sữa tại đây.

Cuối buổi trò chuyện, nhà thơ Thanh Thảo cho rằng, tôi và các bạn đều là gốc nông dân. Tôi tư duy vấn đề từ cái gốc của tôi và các bạn. Tôi cho rằng, trang trại giúp đỡ nông dân, nhưng trang trại cũng phải thấy được nông dân chính là người lao động của mình. Nông dân tuy làm việc tự do, nhưng họ cung cấp sản phẩm cho trang tại, thì doanh nghiệp phải quan tâm trực tiếp đến đời sống của họ, đơn giản là tăng giá thu mua sản phẩm cho họ.
Lắng nghe điều này, lãnh đạo Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi đã cảm nhận sâu sắc về sự quan tâm thực thụ đến phát triển trang trại bò sữa của những người dân Quảng Ngãi. Sự phát triển ấy phải gắn bó, hợp tác chặt chẽ với nông dân một cách bền vững; cùng có lợi, vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trên quê hương Mộ Đức ngày càng lớn mạnh.
THANH NHỊ
Nguồn: baoquangngai.vn
[searchandfilter id="2529"]