Ngành sữa “đói số”, một công ty vẫn chấp nhận tăng chi phí để nhân viên không đạt KPI vẫn nhận lương xứng đáng

Đây không phải lần đầu tiên công ty này điều chỉnh thu nhập, cải thiện phúc lợi cho nhân viên dù ngay trước đó từng được ví như “con tàu sắp đắm” vì lỗ vài trăm tỷ đồng.

Bà Đặng Phạm Minh Loan được vị như người hùng của Công ty Sữa Quốc tế (IDP). Vốn giữ ghế HĐQT, là người kiến tạo thương vụ và cũng là giám sát của quỹ đầu tư Vina Capital tại IDP, bà Minh Loan quyết định trở thành người điều hành chính vào năm 2018, từng bước cứu công ty này khỏi bờ vực phá sản, đóng cửa nhà máy.

Chia sẻ tại Hội nghị Phụ nữ 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Minh Loan hồi tưởng lại bối cảnh khó khăn khi ấy: “Khi mình tiếp nhận doanh nghiệp thì bối cảnh lúc đó rất khó khăn. Thứ nhất là doanh nghiệp quá nhỏ so với các anh chị lớn trên thị trường. Thứ hai là tình hình tài chính kiệt quệ. Thứ ba là đội ngũ lãnh đạo cấp cao và cấp trung hầu như rất nản rồi”.

Tuy nhiên, theo nữ tướng IDP, điều đầu tiên, cần có sự tỉnh táo để nhìn nhận những gì mình đang có và những gì cần thay đổi. Trước hết là sự thấu cảm, đồng cảm với khó khăn của chính nhân viên và có sự chia sẻ. Trong khoảng thời gian khó khăn, bên cạnh việc giải quyết nợ nần, siết các khoản chi không cần thiết, hoạch định lại sản xuất và tồn kho… bà Minh Loan vẫn quyết định điều chỉnh thu nhập, cải thiện phúc lợi, thậm chí mỗi tháng viết một lá tâm thư để gửi tới nhân viên.

Bà Đặng Phạm Minh Loan – CEO Công ty Sữa Quốc tế (IDP)

Ngay cả trong năm 2023, thời điểm ngành FMCG đối mặt với vô vàn khó khăn, không chỉ do  sức tiêu dùng sụt giảm.

“Chính vì sức tiêu dùng sụt giảm nên tất cả các công ty đều đặt những mục tiêu rất tham vọng. Ai cũng đói số nên giảm giá, tăng khuyến mãi, còn chỉ tiêu thì nhân viên không đạt được. Chúng tôi phải nhìn nhận lại đâu là những yếu tố khách quan, đâu là yếu tố chủ quan. 

Trong vài tháng vừa qua chúng tôi phải thay đổi cơ cấu thu nhập, bởi bán hàng không còn dễ như ngày xưa, nhân viên không đạt chỉ tiêu thì thu nhập của họ giảm. Cách thay đổi đó khiến chi phí tăng nhưng tôi nghĩ rằng nhân viên đã nỗ lực và họ xứng đáng nhận được nên mình phải tăng để họ đạt được thu nhập xứng đáng. Bằng cách đó mình giữ người, giữ được số và là cơ hội để phát triển trong tương lai”, nữ CEO IDP bày tỏ tại diễn đàn.

Theo báo cáo KQKD, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và LNST của IDP lần lượt đạt 4.978 tỷ đồng và 708 tỷ đồng, tăng 13% và 10% so với cùng kỳ.

“Em bé” làm gì để cạnh tranh với các anh chị lớn ngành sữa?

IDP hoạt động trong lĩnh vực vốn đã có các tên tuổi chiếm lĩnh phần lớn thị phần như Vinamilk, TH True Milk. Vậy, với điều kiện ít lợi thế, làm thế nào để Công ty Sữa Quốc tế (IDP) có được một chỗ đứng, một quy mô chấp nhận được trong bản đồ ngành sữa Việt?

CEO Minh Loan lập luận rất đơn giản, khởi đầu từ quy luật giá trị.

Mình nghĩ lại, việc tạo ra sản phẩm tốt chưa đủ. Điều kiện đủ để doanh nghiệp thực sự tạo ra giá trị cho xã hội, tạo ra lợi thế cạnh tranh là chúng ta phải tạo ra giá trị tinh thần tốt đẹp. Nếu chúng ta làm tốt việc đó thì chắc chắn chúng ta đang góp phần nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp trong xã hội, nuôi dưỡng hạnh phúc, vốn là giá trị mà bất cứ ai đều cần”.

Khi định hình những giá trị như vậy, IDP tập trung làm sao vừa sản xuất sản phẩm tốt, đồng thời làm sao tạo được những chương trình truyền thông đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và người tiêu dùng. Việc này không hề dễ.

Theo bà Minh Loan,“truyền thông về tinh thần chính là giáo dục, có nghĩa rằng không chỉ đơn thuần làm quảng cáo nữa mà như những người làm giáo dục. Quảng cáo chỉ vui, chỉ hài rất dễ nhưng làm sao vừa vui, giải trí vừa đem lại giá trị giáo dục, để người xem cảm thấy ấm áp, các em nhỏ xem thay đổi trong nhận thức, tư duy để các em sống tốt hơn, hạnh phúc hơn thì đó là bài toán cực kỳ khó”. Tuy nhiên, phải lựa chọn giải bài toán khó thì mới cạnh tranh được.

Thực tế là, năm 2022, IDP đạt doanh thu thuần 6.086 tỷ đồng, còn Vinamilk ghi nhận doanh thu lên đến 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, IDP bỏ ra số tiền quảng cáo gần như ngang ngửa Vinamilk.

Hiện tại, IDP có các nhãn hàng gồm sữa LIF, sữa Kun, sữa chua Ba Vì và men sống.Trong đó, Kun là liên tục thực hiện các chương trình như “Cùng Kun bảo vệ môi trường”, sau đó đến “Cùng Kun vận động mỗi ngày”, “Cùng Kun chia sẻ yêu thương” là các nội dung “Con”. Sau đó, khi ngân sách đã lớn hơn, nhãn hàng bắt đầu phát triển nền tảng mới là “Mẹ” của các con trước đó, tên là “Cùng Kun làm việc tốt mỗi ngày”. Nội dung này bao quát hơn và đi theo triết lý hạnh phúc và gieo nhân hạnh phúc, và bao gồm các nội dung trước đó vẫn sẽ tiếp tục được phát triển và truyền thông sâu rộng hơn.

CEO sữa IDP tiết lộ lý do ‘làm chuyện ngược đời’ khi đang thua lỗ và bí quyết truyền động lực học tập cho con - Ảnh 7.

Bên cạnh đó là những chiến dịch mang tính địa phương, hầu hết các trường cấp I đều tham gia. Nhãn hàng này còn phát triển những nội dung giải trí và mang giáo dục dành cho trẻ em như phim hoạt hình, phiêm siêu anh hùng.

Hoàng Thùy/Theo An ninh Tiền tệ

Nguồn: cafebiz.vn

[searchandfilter id="2529"]