Trong 15 năm qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã tổ chức trên 550 phiên đấu giá, với trên 6.838 triệu cổ phần và trên 140 triệu quyền mua cổ phần được chào bán, qua đó thu về hơn 228.463 tỷ đồng cho các DN. Đặc biệt, nhiều thương vụ bán đấu giá lớn giúp Nhà nước thoái vốn tại DN hàng nghìn tỷ đồng.
Đấu giá cổ phần tại HOSE thu về hơn 228.463 tỷ đồng cho DN |
Để triển khai quy định của Chính phủ, HoSE (tiền thân là Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM) đã tổ chức phiên bán đấu giá đầu tiên cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vào ngày 17/2/2005 với tổng số lượng bán đấu giá thành công 1.827.000 cổ phần, giá trị bán được đạt 572 tỷ đồng.
Cuộc bán đấu giá Vinamilk đánh dấu bước khởi đầu cho việc phát triển hoạt động đấu giá cổ phần tại HoSE, thu hút nhiều DN và nhiều nhà đầu tư lớn tham gia. Cũng từ đây, các DN cổ phần hóa trở thành động lực phát triển của thị trường cổ phiếu niêm yết ở Việt Nam.
Trong 15 năm qua, kể từ phiên bán đấu giá cổ phần đầu tiên cho Vinamilk, HoSE đã tổ chức trên 550 phiên đấu giá, với trên 6.838 triệu cổ phần và trên 140 triệu quyền mua cổ phần được chào bán, trong đó bán được hơn 4.207 triệu cổ phần và hơn 122 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 228.463 tỷ đồng cho các DN.
Đặc biệt, những năm gần đây, khi cơ chế, chính sách về thoái vốn, cổ phần hóa đã được xây dựng tương đối đầy đủ và nhận được sự đồng thuận trong từng DN, đã có những thương vụ bán đấu giá lớn giúp Nhà nước thoái vốn hàng nghìn tỷ đồng như thương vụ Vinamilk trị giá hơn 20.276 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua gần 9.000 tỷ đồng và thương vụ Sabeco trị giá hơn 110.000 tỷ đồng.
Năm 2018 đã đánh dấu sự bùng nổ các thương vụ IPO lớn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nổi bật là IPO của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn trị giá 5.566 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 3.277 tỷ đồng; IPO của Tổng công ty Dầu Việt Nam trị giá 4.177 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 1.357 tỷ đồng. Thương vụ IPO của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trong năm này thu về hơn 1.311 tỷ đồng, hay Tổng công ty Lương thực miền Nam thu về hơn 1.160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, IPO DN Nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ giúp chuyển đổi các DN sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của DN.
Tính đến hết năm 2019, trong số 379 DN niêm yết tại HoSE có 160 DN là công ty Nhà nước cổ phần hóa (chiếm 42%). Trong đó rất nhiều DN luôn được nhắc đến như lá cờ đầu trong việc áp dụng mô hình quản trị công ty hiệu quả, hiện đại hướng đến phát triển bền vững trong thời đại kinh tế mới như Vinamilk, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank…
Từ đầu năm 2020 đến nay bối cảnh kinh tế chính trị trong và ngoài nước diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các yếu tố khác đã tác động không thuận lợi đến thị trường chứng khoán nói chung và hoạt đấu giá tại HoSE nói riêng. Trong thời gian tới, khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, cùng với việc phương thức Dựng sổ (book-building) chính thức đi vào thực tế… được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới cho hoạt động đấu giá tại HoSE.
Lê Anh
Nguồn: baochinhphu.vn