Doanh nghiệp sữa kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận

Các nhà sản xuất sữa sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong năm 2023, khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu giảm bớt.

Giới phân tích nhận định, giá bột sữa sẽ hạ nhiệt trong 2023 do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu có thể yếu trong ngắn hạn. Do vậy, các nhà sản xuất sữa sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp phục hồi trong năm 2023, khi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu giảm bớt.
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sữa có khả năng được cải thiện trong năm 2023 do giá bột sữa (USD/tấn) – nguyên liệu sản xuất sữa đã hạ nhiệt. Tính đến ngày 21/3/2023, giá bột sữa đã giảm 29,8% so với cùng kỳ và thấp hơn 32,1% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022.
Giá bột sữa được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 do cầu nhập khẩu tại Trung Quốc giảm và nhu cầu tiêu thụ sữa trên toàn cầu đang yếu trong ngắn hạn, trong khi sản lượng bột sữa sẽ tăng trong năm 2023.

Vinamilk tập trung đầu tư môi trường sống trong lành với chế độ chăm sóc đặc biệt cho đàn bò sữa. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Thực tế cho thấy, ngành sữa đang đứng trước cả thuận lợi lẫn thách thức. Do đó, doanh nghiệp cũng không tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa, mới đây, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) lên kế hoạch trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 với doanh thu tăng 5,5% và lợi nhuận tương đương kết quả thực hiện của năm 2022, ở mức 10.496 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 8.514 tỷ đồng, tương đương kết quả năm 2022. ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vinamilk sẽ tổ chức vào lúc 8h30 ngày 25/4/2023
Kế hoạch doanh thu tăng và lợi nhuận đi ngang được Vinamilk đưa ra trong bối cảnh thị trường dự báo nhiều sức ép.
Theo đó, trong cuộc gặp gỡ với Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT và cổ đông vào hồi tháng 2/2023, ban lãnh đạo Vinamilk không quá lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu thụ sữa do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Về chi nguyên vật liệu đầu vào, giá bột sữa toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong 2023, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không có nhiều tác động tới xu hướng này. Vinamilk đã chốt xong giá bột sữa đầu vào cho giai đoạn nửa đầu năm 2023.
Theo VNDIRECT, hầu hết các ngành thâm dụng lao động đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Công ty chứng khoán này ước tính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023.
Theo ban lãnh đạo Vinamilk, sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu.
Ban lãnh đạo Vinamilk kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa ghi nhận mức tăng trưởng dưới 5% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Vinamilk đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột. Trong năm 2022, VNDIRECT nhận thấy, Vinamilk chưa tung ra sản phẩm mới nào đáng chú ý trong khi các hoạt động khuyến mại bị cắt giảm. Vinamik vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc kênh bán trong năm 2022 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số nửa đầu năm 2023, cũng như chưa thấy những sản phẩm đột phá mới của Vinamilk để tạo động lực tăng trưởng doanh thu.
Chuyên gia phân tích kỳ vọng Vinamilk sẽ duy trì thị phần không đổi trong giai đoạn 2023- 2024, với sản lượng tiêu thụ trong nước tăng trong khi giá bán trung bình không đổi trong năm 2023 và tăng nhẹ so với cùng kỳ  trong năm 2024. VNDRECT kỳ vọng doanh thu nội địa của Vinamilk sẽ tăng trong 2023/2024.
Ngoài ra, VNDIRECT nhận định, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk tăng so với cùng kỳ trong năm 2023, do nhu cầu tiêu thụ sữa tại thị trường Trung Đông và Trung Quốc sẽ phục hồi, sau khi quốc gia đông dân nhất thế giới này mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn chưa đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu xuất khẩu, chỉ khoảng 5%. Do đó, sự kiện này sẽ không tác động đáng kể đến tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của Vinamilk.

Sữa tươi Vinamilk Green Farm & Vinamilk Organic đạt chứng nhận của tổ chức Clean Label Project từ Mỹ. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo Rabobank (một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới về tài trợ nông nghiệp), sản lượng nhập khẩu bột sữa của Trung Quốc trong quý I/2023 dự kiến sẽ giảm so với quý I/2022 do vẫn còn hàng tồn kho tích lũy trong năm qua.
Nhu cầu sữa toàn cầu có thể sẽ yếu đi trong ngắn hạn do nhiều nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát. Do đó, giá bột sữa nguyên kem (nguyên liệu sản xuất sữa) có thể tiếp tục giảm so với năm 2022.
Bên cạnh đó, việc đồng USD hạ nhiệt thời gian gần đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Chuyên gia phân tích kỳ vọng,  Vinamilk sẽ bắt đầu sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp từ giữa quý I/2023. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp không được cải thiện ngay mà chỉ có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 do trong 6 tháng năm 2022, công ty vẫn sử dụng nguyên liệu đầu vào có chi phí thấp hơn so với nửa đầu năm 2023.
Cùng đó, theo VNDIRECT, giá đường toàn cầu gần đây tăng do triển vọng nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol hơn trong niên vụ 2023-2024.
Yếu tố này có thể ảnh hưởng phần nào đến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk do công ty cũng nhập khẩu đường từ thị trường nước ngoài để sản xuất bên cạnh việc nhập đường từ Vietsugar (công ty con của Vinamilk).
Tuy nhiên, VNDIRECT vẫn cho rằng, giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục giảm và doanh nghiệp sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng trong 2023./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn: bnews.vn

[searchandfilter id="2529"]