Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tác động tích cực đến người chăn nuôi

Sóc Trăng là một trong số ít tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long còn duy trì và phát triển đàn bò sữa đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Theo thống kê ngành chuyên môn, tính đến thời điểm hiện tại, đàn bò sữa của tỉnh gần 9.000 con được nuôi tại huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành và TP. Sóc Trăng. Từ nền tảng chăn nuôi bò sữa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth quy mô nhỏ lẻ, đến nay chăn nuôi bò sữa đã mở rộng theo hình thức chăn nuôi nông hộ, gia trại, trang trại, đem lại nguồn thu nhập tốt tại hộ…

Huyện Mỹ Xuyên có đàn bò sữa gần 1.400 con, với 210 hộ nuôi. Mô hình chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là hộ dân tộc Khmer ở 2 xã Tham Đôn và Đại Tâm. Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh, giai đoạn 2013 – 2020 đã hỗ trợ đến huyện gần 2.300 liều tinh, 160 con bò sữa cái hậu bị. Để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ làm công tác gieo tinh, dự án đã hỗ trợ nâng cao tay nghề cho 20 kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo; mở 100 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho nông dân; tham quan học tập mô hình chăn nuôi bò sữa trong nước…

Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ hộ dân chăn nuôi bò sữa theo mô hình chăn nuôi hiện đại (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: THÚY LIỄU

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí thông tin: “Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đã giúp người chăn nuôi bò sữa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi; hộ dân đã tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) sau thu hoạch lúa để làm thức ăn cho bò; đội ngũ kỹ thuật viên đã được đào tạo cơ bản. Hình thành hệ thống thu mua sữa tươi nguyên liệu và tiêu thụ tốt lượng sữa tươi”.

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mỹ Tú Phạm Minh Tú cho biết, thời điểm mới triển khai dự án, trên địa bàn huyện có đàn bò sữa chưa đến 1.500 con, nhưng hiện tại số lượng bò tăng lên hơn 2.700 con, từ đó cho thấy, dự án tác động rất lớn đến việc chăn nuôi của hộ dân tại các địa phương, đặc biệt là dự án đã hỗ trợ bò giống để xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại và hỗ trợ tiền để hộ dân sửa chuồng nuôi, mua thức ăn, mua máy băm thái cỏ, triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng cỏ… Qua đó, huyện mong muốn Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới, để người chăn nuôi bò sữa được hưởng nhiều lợi ích hơn nữa.

Hơn 6 năm triển khai phát triển chăn nuôi bò sữa, dự án đã góp phần tạo ra gần 5.000 con bê (trong đó có 2.516 con bê cái; 2.477 con bê đực), tạo ra được đàn cái, nền từ gieo tinh nhân tạo để thay thế đàn bò cái giống không đạt chuẩn, nhằm cải thiện được năng suất sữa từ 3.660kg/con cái vắt sữa/chu kỳ cho sữa lên 4.270kg/con cái vắt sữa/chu kỳ cho sữa. Đồng thời, tổng sản lượng sữa tăng từ 5.280 tấn/năm lên trên 14.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, dự án đã chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, tăng quy mô trên hộ nuôi bò sữa, bình quân là 4 – 5 con/hộ, từng bước hình thành nghề chăn nuôi bò sữa, chung tay thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Giám đốc Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Trương Văn Đúng, dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho 5.000 lao động ở nông thôn vùng đồng bào Khmer chiếm trên 90%, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, giúp người lao động gắn kết với sản xuất nông nghiệp địa phương. Song song đó, Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh đã tăng cường năng lực cho 105 cán bộ kỹ thuật gieo tinh nhân tạo phục vụ địa phương lâu dài; người chăn nuôi bò sữa được trang bị kiến thức để sản xuất đạt hiệu quả.

“Hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm sữa, giúp bà con an tâm sản xuất, giá sữa ổn định từ 11.500 – 14.000 đồng/kg. Chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, từ 105ha đồng cỏ (năm 2014) tăng lên 1.000ha, có 90% nông dân nuôi bò sữa biết sử dụng rơm và nông dân cũng tận dụng phân bò làm phân bón cho cỏ và cây trồng khác hoặc bán hàng năm 9.636 tấn, giúp người dân cải thiện môi trường chăn nuôi thông qua ủ phân compost, biogas, phương án tận dụng chất thải rắn làm phân hữu cơ bón cho cỏ, cây trồng khác, giảm chi phí phân hóa học” – đồng chí Trương Văn Đúng cho biết thêm.

THÚY LIỄU

Nguồn: baosoctrang.org.vn

[searchandfilter id="2529"]