“Giấc mơ thịt bò Việt” của Vinamilk: Nuôi bò công nghệ Nhật ở Tam Đảo, quản lý từ “gia phả bò” đến khâu phân phối, có thể quét QR Code truy xuất nguồn gốc

Dự kiến từ tháng 6/2024, Vinabeef – liên doanh giữa Vinamilk và Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản sẽ bắt đầu sản xuất thịt bò, trực tiếp làm tất cả các khâu để đưa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn người Việt.

Bà Mai Kiều Liên – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, Chủ tịch HĐQT Vilico.

Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef vừa được khởi công xây dựng hôm 8/3 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với tổng quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đây là dự án hợp tác giữa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) – thông qua công ty thành viên Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản.

Tổ hợp có tổng diện tích 75,6 ha, gồm 2 phân khu chính là trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và nhà máy chế biến thịt bò mát, với công suất 30.000 con/năm, tương đương 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Quản lý từ “gia phả bò” đến khâu phân phối

Ông Lê Tấn Đạt, Trưởng phòng Marketing Vinabeef cho biết đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam kết hợp được cả 4 bước chăn nuôi – sản xuất – chế biến – phân phối thịt bò, hay còn gọi là quy trình “4 trong 1” khép kín.

“ Đầu tiên ở bước chăn nuôi, chúng tôi đảm bảo được đàn bò ăn những gì, bố mẹ chúng là ai, điều kiện sức khỏe của cả bò bố mẹ và bò con như thế nào. Trên khay sản phẩm cuối cùng sẽ có QR Code để người mua biết con bò nuôi ở trại nào, giết mổ ngày bao nhiêu. Nhờ truy xuất được tường tận nguồn gốc, mọi người sẽ yên tâm về sản phẩm ”, ông Đạt cho hay.

Đàn bò thịt sẽ được nuôi tại các trang trại sinh thái đạt chuẩn Global G.A.P, khẩu phần ăn được phối trộn theo công thức Nhật Bản, nhằm tối ưu chất lượng bò thịt ngay từ đầu vào.

Ở khâu tiếp theo, việc sản xuất được tiến hành theo tiêu chí nhân đạo, với hệ thống làm lạnh nhanh giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Thịt bò sẽ được phân loại tại chỗ và chuyển vào kho lạnh tự động, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng thịt.

“ Ngành thịt bò của Việt Nam còn nhỏ bé, việc giết mổ diễn ra lẻ tẻ. Thường con bò sẽ chống cự rất nhiều, gồng mình lên khiến thịt không mềm. Việc chọn địa điểm có khí hậu mát mẻ như Tam Đảo cũng giúp đàn bò được thư giãn, gần gũi thiên nhiên, điều kiện thức ăn đảm bảo để cho chất lượng thịt tốt ”, ông Đạt giải thích.

Tiếp theo, Vinabeef sẽ áp dụng phương pháp đóng gói, bảo quản theo công nghệ MAP để thịt bò mát được tươi ngon khi ra thị trường. Ở khâu phân phối, sản phẩm sẽ được kiểm soát sinh hóa nghiêm ngặt, nhất quán về nhiệt độ và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.

Về giống bò được sử dụng để chăn nuôi, ông Đạt cho biết Vinabeef không đặt giới hạn trong những giống bò nổi tiếng ở Việt Nam, mà sẽ có những giống từ nơi khác như Nhật Bản.

“ Vinamilk có những con giống mang từ Mỹ và châu Âu về. Chúng tôi cũng đã nuôi thử giống bò wagyu nổi tiếng của Nhật Bản ”, đại diện Vinabeef chia sẻ.

Về kênh phân phối, ông Đạt cho biết Vinabeef dự định sẽ có chuỗi riêng, nhưng vẫn chú trọng mở rộng tất cả quan hệ, nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh nhất với chi phí hợp lý nhất. “ Nếu giá cao hơn thị trường, chúng tôi cũng không thuyết phục được người tiêu dùng ”, ông nói.

“Thị trường thịt bò tại Việt Nam còn nhiều dư địa”

Chủ tịch Sojitz Masayoshi Fujimoto cho biết dự án bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa tập đoàn này với Vinamilk từ năm 2019. Là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam, Vinamilk sở hữu kinh nghiệm dày dặn về ngành sữa và chăn nuôi bò. Còn thế mạnh của Sojitz là công nghệ và chuỗi cung ứng trên toàn cầu, với nhiều công ty con chuyên về thực phẩm.

Việc hợp tác diễn ra trong bối cảnh ngành thịt bò của Việt Nam được cho là còn nằm ngoài chợ truyền thống. Thị phần trên các kênh hiện đại rất nhỏ.

“ Đánh giá thị trường thịt bò tại Việt Nam còn nhiều dư địa, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thịt chất lượng cao còn rất lớn, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ tạo được một bước đột phá trên thị trường sau khi bắt đầu đi vào hoạt động ”.

“ Ngoài ra, chúng tôi đang đặt mục tiêu mở rộng sang các lĩnh vực khác như thịt lợn, thịt gà, nhằm hướng tới phát triển thành doanh nghiệp kinh doanh thịt tổng hợp lớn nhất Việt Nam trong tương lai ”, ông Fujimoto bày tỏ, nói thêm rằng tổ hợp dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 6/2024.

Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef được cho là một hướng đi mới của Vinamilk, sau khi lần đầu tiên mất mốc lợi nhuận sau thuế 9.000 tỷ trong vòng 7 năm qua. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 8.578 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc doanh thu giảm và gánh nặng từ các chi phí như giá vốn, lãi vay, lỗ tỷ giá.

Theo đánh giá từ VCBS hồi tháng 3/2022, thị trường sữa tươi nội địa Việt Nam sẽ dần ổn định, Vinamilk sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng trong vòng 2 – 3 năm tới. Vinamilk hiện đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Tại sự kiện khởi công dự án Vinabeef Tam Đảo, bà Mai Kiều Liên – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, Chủ tịch HĐQT Vilico – bày tỏ tin tưởng dự án sẽ là điển hình cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển bền vững.

“Từ đó đưa Vinabeef không chỉ trở thành 1 thương hiệu sản phẩm thịt nói riêng, mà còn là thương hiệu thực phẩm an toàn và uy tín nói chung, với các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu” , bà phát biểu.

Nguồn: cafef.vn
[searchandfilter id="2529"]