Hàng Việt vươn ra nước ngoài

Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn nỗ lực vượt qua thách thức, trụ vững ở thị trường trong nước và còn xuất khẩu. Điều này đã xây dựng vị thế cho hàng Việt trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Đổi mới, sáng tạo để bứt phá
Sữa đậu nành VinaSoy có thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng bị tác động do các đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm… Đứng trước thách thức đó, Nhà máy Sữa đậu nành VinaSoy đã bố trí lại hệ thống chế biến, bổ sung thiết bị tự động, kiểm soát chất lượng, nghiên cứu sản phẩm mới… để chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, việc phát triển sản phẩm sữa đậu nành FAMI đã đáp ứng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc.
Sữa đậu nành VinaSoy bày bán trong siêu thị.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết: “Trong năm 2020, sữa đậu nành VinaSoy tiêu thụ khoảng 250 triệu lít. Sản lượng Vinasoy hộp giấy tăng lên và chiếm gần 86% thị phần Việt Nam. Hiện công tác phát triển vùng nguyên liệu đậu nành đã tiến thêm một bước mới khi chúng tôi đã thành công trong chương trình lai tạo giống đậu nành VINASOY 02-NS và đã được Cục Trồng trọt chấp nhận công bố lưu hành tại miền Trung và Tây Nguyên. Chúng tôi đã khảo nghiệm quy trình kỹ thuật canh tác tại Tây Nguyên, miền Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng liên kết sản xuất đậu nành giống và đậu nành nguyên liệu tại Quảng Ngãi, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Hà Nội…”.
Không chỉ đứng vững trước đại dịch Covid-19, Nhà máy Sữa đậu nành VinaSoy ở Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Dương và Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành VSAC đã nỗ lực tìm kiếm phương thức tiếp cận thị trường mới. Theo ông Võ Thành Đàng, tại Trung Quốc, VinaSoy được đưa vào 11 trang bán hàng trực tuyến hàng đầu và 61 siêu thị thuộc 6 chuỗi siêu thị lớn tại các tỉnh miền Đông của nước này. Ngoài ra, sản phẩm VinaSoy cũng đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản…
Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ sữa đậu nành lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng lên đến 15 tỷ lít/năm, trong khi tổng sản lượng tại thị trường Việt Nam chỉ là 800 triệu lít. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đầy thách thức với những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và có sự cạnh tranh gay gắt của những công ty nội địa Trung Quốc cũng như những tập đoàn dinh dưỡng của các nước khác trên thế giới.
Việc VinaSoy xuất khẩu thành công sữa đậu nành sang Trung Quốc sau một thời gian dài tìm hiểu thị trường và nghiên cứu các chiến lược tiếp cận chứng tỏ chất lượng của VinaSoy đã có thể tự hào vươn tầm quốc tế.
Đẩy mạnh xuất khẩu

Sản phẩm sữa đậu nành VinaSoy xuất khẩu sang Trung Quốc. ẢNH: N.VIÊN

Xuất khẩu nhằm đa dạng thị trường tiêu thụ là một trong những chiến lược kinh doanh của các tập đoàn lớn. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho hay: Tháng 2.2021, tổng sản lượng bán các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt 439.000 tấn. Tiêu thụ thép tháng 2.2021 giảm so với năm trước do kỳ nghỉ tết Nguyên đán kéo dài và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, tháng 3 sau Tết là chính vụ, nên công ty đã chuẩn bị lượng hàng để phục vụ nhu cầu thị trường tăng mạnh. Thực tế, sản lượng bán hàng những ngày đầu tháng 3 tăng rất mạnh.

“Về xuất khẩu, thép Hòa Phát nhận được sự quan tâm từ các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… Trong tháng 2.2021, Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu 30.000 tấn thép thành phẩm và hơn 73.000 tấn phôi thép”, ông Long cho biết thêm.
Đầu năm 2021, tôn Hòa Phát đã xuất khoảng 10.000 tấn tôn mạ kẽm đi Châu Âu cho các đối tác đến từ Bỉ và Tây Ban Nha. Trong tháng 2, tôn Hòa Phát xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn sang Châu Mỹ. Đây là những con số rất đáng ghi nhận trong một năm đầy nỗ lực của cán bộ, nhân viên công ty.
NGỌC VIÊN
Nguồn: baoquangngai.vn
[searchandfilter id="2529"]