Lạm phát ở Thái Lan tăng lên mức cao kỷ lục trong 13 năm

Giá cả nhiều mặt hàng tăng cao đã khiến lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Giá cả các mặt hàng năng lượng và thực phẩm tăng mạnh đã khiến lạm phát toàn phần của Thái Lan (được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) trong tháng 5/2022 tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 13 năm qua.

Ngày 6/6, Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) của Thái Lan cho biết, lạm phát toàn phần của nước này trong tháng 5/2022 đã tăng 7,1% so cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức 4,7% trong tháng 4/2022.

Tổng Giám đốc TPSO Ronnarong Phoolpipat nhận xét, mức tăng này cũng tương tự tình trạng lạm phát gia tăng ở các nước khác, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Ronnarong, có một số nguyên nhân chính khiến lạm phát gia tăng ở Thái Lan, bao gồm: nhu cầu ngày càng tăng khi nền kinh tế có sự phục hồi, nguồn cung bị thắt chặt, cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Nga. Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại đã gây ra sự mất cân bằng cung cầu.

Trong tháng 5/2022, giá năng lượng ở Thái Lan đã tăng 37,2% so cùng kỳ năm ngoái do giá dầu toàn cầu tăng, việc chấm dứt trợ cấp đối với khí đốt và sự gia tăng giá trị thuế nhiên liệu (Ft). Mặt bằng giá thấp trong năm ngoái cũng góp phần vào sự gia tăng lạm phát hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 ở Thái Lan đã tăng 1,4% so tháng 4, sau khi hầu hết các nhóm hàng đều tăng, đặc biệt là năng lượng, trái cây tươi, thịt, gia vị và hương liệu và chăm sóc cá nhân. Chỉ số CPI cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm thô và năng lượng) trong tháng 5/2022 tăng 2,28% so cùng kỳ năm ngoái, so mức tăng 2% trong tháng 4.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn phần ở Thái Lan tăng 5,19% so cùng kỳ năm 2021, trong đó lạm phát cơ bản tăng 1,72%. Chỉ số giá sản xuất tháng 5/2022 tăng 13,3% so tháng 5/2021, tăng ở tất cả các nhóm hàng, đặc biệt là nhóm sản phẩm chế tạo và khai khoáng bao gồm xăng dầu, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm liên quan khác. Những yếu tố làm tăng là chi phí năng lượng, hậu cần, nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất cao, cùng sự mất giá của đồng baht.

Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng ở mức 44,7 trong tháng 5, giảm so mức 45,7 của tháng trước. Yếu tố chính là nền kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, giá cả hàng hóa cao, việc chấm dứt một số biện pháp của chính phủ cũng như tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự mở rộng về du lịch và xuất khẩu sẽ hỗ trợ niềm tin trong tương lai.

Ông Ronnarong cho rằng, lạm phát trong tháng 6/2022 sẽ tiếp tục tăng vì giá năng lượng vẫn ở mức cao so năm ngoái. Điều này được cho là do giá ấn định của dầu diesel cao hơn, giá khí đốt tăng dần trong tháng 6/2022 và sự gia tăng của giá trị Ft. Ngoài ra, giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn, tăng do chi phí sản xuất cao.

Ngoài ra, chi phí hậu cần, những hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia và việc cải thiện nhu cầu từ du lịch và xuất khẩu sẽ góp phần đáng kể vào lạm phát. Dự báo lạm phát cho năm 2022 là 4,0-5,0% (trung bình 4,5%), phù hợp tình hình hiện tại.

NAM ĐÔNG (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)
Nguồn: nhandan.vn
[searchandfilter id="2529"]