Loạt doanh nghiệp Việt đầu tư hàng tỷ USD tại Lào

Những doanh nghiệp tên tuổi như Viettel, HAGL, HAGL Agrico, Vinamilk, BIDV, GVR, Petrolimex… đều đang có những khoản đầu tư lớn, góp phần đưa tổng vốn đầu tư đăng ký tại Lào đến nay đạt 5,5 tỷ USD với 245 dự án.

Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HAG) mới đây đã thông báo về kế hoạch đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong, Lào.

Dự án sẽ có tổng diện tích gần 27.400 ha, với tổng vốn đầu tư gần 18.100 tỷ đồng (750 triệu USD). Đơn vị thực hiện là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào – công ty con do HAGL Agrico nắm 100% vốn.

Công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương cam kết góp đủ 100% phần vốn tự có 9.650 tỷ để thực hiện dự án và phần còn lại 8.440 tỷ sẽ được huy động từ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tổ hợp dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Khi dự án tại Lào hoàn thành, HAGL Agrico đặt kế hoạch mỗi năm xuất khẩu 624.000 tấn trái cây tươi, sản lượng trái cây chế biến xuất khẩu là 25.000 tấn, số bò giống cung cấp 12.000 con, sản lượng bò thịt xuất khẩu 17.000 tấn.

Doanh thu hàng năm dự kiến đạt 13.500 tỷ đồng (tương đương 550 triệu USD) và đem về khoản lãi 2.450 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận khoảng 18%. 

Hàng chục nghìn ha dự án nông nghiệp

Một nông trường trồng chuối lớn tại Lào. Ảnh: HAGL.

Thực tế, không chỉ HAGL Agrico mà nhiều doanh nghiêp Việt Nam đã và đang có những khoản đầu tư lớn tại Lào, ở nhiều lĩnh vực chủ lực như nông nghiệp, viễn thông, năng lượng, khai khoáng, tài chính ngân hàng…

Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) cũng là doanh nghiệp đang có nhiều dự án đầu tư tại nước láng giềng. Tập đoàn của bầu Đức bắt đầu rót vốn tại Lào từ năm 2007 và đến nay còn quỹ đất nông nghiệp khoảng 2.000 ha tại Lào, chủ yếu trồng chuối sầu riêng và chăn nuôi heo, gà.

Trước đây, bầu Đức cũng từng đầu tư nhiều dự án thủy điện như Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét nhưng đã thoái hết năm 2019, bán 2 công ty mía đường Attapeu năm 2016, bệnh viện HAGL Attapeu…

Một công ty khác cũng có đầu tư lớn ở mảng nông nghiệp là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR). Doanh nghiệp nhà nước này quản lý tổng diện tích gần 26.900 ha tại Lào, phần lớn là vườn cây cao su kinh doanh.

Tập đoàn hiện có 6 công ty tại nước láng giềng gồm Cao su Việt Lào, Cao su Dầu Tiếng – Việt Lào, Quasa Geruco, Bolykhamxay Hà Tĩnh, VRG Oudomxay, Cao su Quavan trải dài tại 5 tỉnh biên giới; đồng thời đang triển khai thí điểm nhà máy chế biến gỗ ở Lào.

Vinamilk (Mã: VNM) cũng có dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt lớn tại tỉnh Xiêng-khoảng thông qua công ty liên liên Phát triển Lao-Jagro Xiêng-khoảng được thành lập năm 2019.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, trên diện tích 15.000-20.000 ha và quy mô đàn 100.000 con bò, cùng nhà máy sơ chế và bảo quản sữa quy mô lớn. Trong đó giai đoạn 1 có quy mô vốn ban đầu 120 triệu USD với đàn bò 24.000 con.

Đến viễn thông, tài chính, năng lượng

Không chỉ có các dự án quy mô lớn ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, doanh nghiệp Việt còn thâm nhập sâu vào mảng kinh doanh khác tại đất nước triệu voi.

Trong lĩnh vực viễn thông, công ty Công ty Star Telecom (Unitel) là một mẫu hình hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào. Liên doanh này được thành lập năm 2008 giữa Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty viễn thông Lào Asia.

Đến nay, liên doanh này đã trở thành công ty viễn thông hàng đầu của Lào, chiếm 58% thị phần di động với hơn 3,5 triệu thuê bao, mạng lưới 3G; 4G; 4,5G phủ sóng toàn quốc, tạo việc làm cho hơn 27.000 lao động địa phương.

Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam có 6 ngân hàng đang hoạt động tại Lào là Vietcombank, VietinBank, SHB, MB, Sacombank và Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (giữa BIDV và Ngân hàng Ngoại Thương Lào).

Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) xuất hiện từ năm 2008, công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt do BIC nắm chi phối đang có thị phần lớn thứ 2 tại Lào. Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đầu tư thông qua CTCP Bảo hiểm Lane Xang, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) hay Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cũng đã có mặt.

Ở mảng năng lượng, hai công ty xăng dầu lớn nhất Việt Nam là Petrolimex và PV OIL mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ. Trong đó, PV OIL Lào chính thức đi vào hoạt động từ 2010 sau khi mua lại kênh phân phối của Shell, còn Petrolimex Lào được thành lập năm 2011.

Một số dự án đầu tư khác như tổ hợp Thủy điện Xê-ca-man của VietLao Power, nhà máy chế biến khoáng sản Alumin của Tập đoàn Việt Phương, dự án khai thác mỏ của Cavico, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng công ty Hợp tác kinh tế

Hay vào tháng 5/2023, HAGL Agrico đã tiến hành bàn giao dự án sân bay Nong Khang cho Cục hàng không dân dụng Lào với công suất 100.000 lượt khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 82 triệu USD do HAGL tài trợ kinh phí, sau đó Thaco tiếp quản dự án sau khi mua lại HAGL Agrico.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt 116,6 triệu USD, tăng 65% so với năm 2022. Lũy kế đến nay, Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD.

Nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động ổn định, đóng góp lớn cho ngân sách Lào, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương. Về công tác an sinh xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp hơn 150 triệu USD tại Lào.

Huy Lê

Nguồn: doanhnhanvn.vn

[searchandfilter id="2529"]