Năm 2021, sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt trong quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng. Vì vậy, hầu hết trong các ngành nghề, nhiều doanh nghiệp đã phải cầm cự, giảm quy mô hoạt động hay điều chỉnh lại các mục tiêu kinh doanh, nhằm cố gắng ổn định để vượt qua “làn sóng covid”. Trong đó, ngành sữa nói chung cũng chịu những ảnh hưởng khách quan từ đại dịch này, và doanh nghiệp đầu ngành sữa như Vinamilk cũng không phải ngoại lệ.

Doanh thu liên tục lập đỉnh mới, nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng

Với tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu đạt 61.012 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kỷ lục doanh thu này được đóng góp bởi sự tăng trưởng từ cả 3 mảng: Nội địa, xuất khẩu và chi nhánh nước ngoài.

Giai đoạn khó khăn nhất đối với Vinamilk là 3 tháng đầu năm 2021, khi nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Trong khi đó, mặt bằng giá nguyên vật liệu liên tục tăng cao đã tạo thêm áp lực trong công tác quản lý chi phí.

6 tháng sau đó, diễn biến dịch bệnh thậm chí trở nên căng thẳng hơn dẫn đến việc áp dụng các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Trong hoàn cảnh đó, Vinamilk đã đi ngược lại tình hình chung khi liên tục báo tin vui với doanh thu Quý II, Quý III đều đạt mức cao kỷ lục là 15.729 tỷ đồng và 16.208 tỷ đồng. Kết quả trên có được, là nhờ sự linh động điều phối kế hoạch sản xuất để đảm bảo nguồn cung dựa trên lợi thế lớn mà doanh nghiệp này đang sở hữu là hệ thống 13 nhà máy và 13 trang trại trên cả nước.

Đến quý IV/2021, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, người dân bắt đầu vào cuộc sống bình thường mới. Thực tế này đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh khả quan của Vinamilk khi doanh thu đạt 15.819 tỷ đồng, với mức tăng trưởng gần 10% so với cũng kỳ 2020. Đây là mức tăng trưởng quý nhanh nhất trong gần 5 năm qua, dù nhu cầu tiêu dùng và hoạt động vận chuyển tại Việt Nam cũng như toàn cầu vẫn còn bị ảnh hưởng do biến chủng Covid-19 mới.

Doanh thu thuần xuất khẩu trực tiếp năm 2021 đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ thị trường Trung Đông, Châu Phi nhờ nhu cầu đối với sản phẩm sữa phục hồi và hoạt động phát triển thị trường đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Vinamilk đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm cho liên doanh tại Philippines từ cuối Quý III/2021 với kết quả ban đầu khả quan. Trong năm 2021, công ty đã phát triển thêm 2 thị trường xuất khẩu mới và nâng tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế lên 57.

Đầu năm 2022, Vinamilk tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mở rộng và khai phá thị trường xuất khẩu. Tận dụng sự “ấm lại” của hoạt động giao thương quốc tế sau 2 năm đại dịch, Vinamilk liên tục xuất hiện tại các sự kiện xúc tiến thương mại tại Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai, Nhật Bản…

Với thị trường trong nước, khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đã đạt mức cao 79%, cuộc sống bình thường mới đã và đang quay trở lại, các nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự phát triển của Vinamilk trong năm nay, khi công ty sữa này không còn chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan như trước.

“Bài toán” giá nguyên liệu được dự đoán hạ nhiệt trong 2022

Giá nguyên liệu thế giới gia tăng do đại dịch là bài toán chung của các công ty sản xuất, Vinamilk không là ngoại lệ. Từ Quý I/2021, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu vượt đỉnh lịch sử, nhưng mức tăng vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2021 do thiếu hụt nguồn cung, giá cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần và nhu cầu tích trữ tăng mạnh tại các quốc gia lớn.

Các buổi đàm phán giá nguyên liệu sữa với nhà cung cấp liên tục diễn ra ở Vinamilk, những nỗ lực đó đã phần nào giảm bớt áp lực giá vốn đang đè nặng lên biên lợi nhuận trong suốt 1 năm qua.

Theo nhiều dự báo phân tích, tình hình có thể khả quan hơn khi giá bột sữa sẽ hạ nhiệt vào năm 2022 nhờ nguồn cung phục hồi và nhu cầu sữa bột từ Trung Quốc giảm dần (theo VnDirect Research). Theo Eurostat, sản lượng sữa được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào năng suất sản xuất cao hơn trong năm 2022. Bên cạnh đó, Rabo Research dự báo Trung Quốc sẽ hạ tỷ trọng mua và dự trữ bột sữa nguyên kem (WMP) và bột sữa tách béo (SMP) trong năm tới. Do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trên các thị trường sữa toàn cầu, VnDirect Research cho rằng điều này sẽ làm hạ nhiệt giá bột sữa toàn cầu vào năm 2022 so với mức đỉnh vào Quý II/2021.

Theo báo cáo cuối năm 2021 của Vinamilk, tổng sản lượng sữa tươi cung cấp trong năm 2021 cao nhất từ trước đến nay, đạt xấp xỉ 380 ngàn tấn. Ngoài ra, với việc có thêm trang trại mới như trang trại Quảng Ngãi và dự án tổ hợp tại Lào (quy mô giai đoạn 1 là 8.000 con) dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022, khả năng tự chủ nguyên liệu sữa đầu vào của Vinamilk sẽ còn được tăng lên.

Giai đoạn 1 của siêu trang trại tại Lào có tổng diện tích quy hoạch hơn 5.000 ha với tổng đàn là 24.000 con.

Động lực tăng trưởng mới

Nhà máy Sữa Hưng Yên: Nắm bắt tiềm năng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam và xuất khẩu trong những năm tới, Vinamilk đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sữa tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế ước tính khoảng 400 triệu lít/năm. Đây sẽ là nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc của Vinamilk và giúp công ty này củng cố thị phần ở khu vực phía Bắc và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu đang ngày càng tăng.

Phối cảnh nhà máy sữa của Vinamilk đầu tư xây dựng tại Hưng Yên trên diện tích gần 25ha.

Vinamilk và Vilico ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản).

Dự án bò thịt: Là dự án phát triển cùng với công ty thành viên Vilico của Vinamilk đã đạt được thỏa thuận hợp tác, triển khai tại Vĩnh Phúc, Tam Đảo… Tận dụng tốt kênh phân phối và sự bắt tay cùng đối tác Nhật Bản đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh nhất định trong thị trường tiềm năng này. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023-2024 có quy mô công suất 30.000 bò thịt/năm với cơ sở chế biến khép kín. Hiện tại, liên doanh giữa Vilico và Sojitz đã tiến hành nuôi, bán thử nghiệm sản phẩm bò thịt tại Việt Nam và bước đầu xây dựng mạng lưới khách hàng.

Với việc liên tục tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm liền đã cho thấy, những đặc điểm của một doanh nghiệp tốt bao gồm kết quả kinh doanh và quản trị ổn định, bảng cân đối tài chính lành mạnh, các dự án phát triển liên tục được triển khai,…đó là những điều luôn thấy ở Vinamilk.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn