Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít các yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức. Sự suy giảm của các nền kinh tế lớn trên thế giới phần nào gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam thông qua các tác động về thương mại, tỉ giá và năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, ngành sữa Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng, thậm chí có doanh nghiệp lập đỉnh lợi nhuận.
Kỷ lục lợi nhuận
Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) công bố báo cáo tài chính với tình hình kinh doanh khởi sắc, lập đỉnh lợi nhuận trong năm 2023.
Cụ thể, quý IV/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.676 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong kỳ, ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, các khoản chi còn lại đều được tiết giảm mạnh. Nhờ đó mà sau khi trừ các chi phí, Sữa Quốc tế báo lãi 186 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận 6.654 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm trước. Sau thuế, công ty báo lãi 894 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là đỉnh lợi nhuận của Sữa Quốc tế kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.
Như vậy, với kết quả đạt được, Sữa Quốc tế đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra năm 2023.
Đáng chú ý, trong năm 2023, Sữa Quốc tế tăng trích lập doanh thu hoạt động tài chính thêm 44% lên 146 tỷ đồng, Nguyên nhân chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh 54% từ 82 tỷ đồng lên 127 tỷ đồng.
Đối chiếu sang bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, Sữa Quốc tế ghi nhận 211 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 2,5 lần so với số đầu kỳ. Đồng thời, công ty cũng ghi nhận khoản tiền gửi có kỳ hạn trị giá 1.048 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Chính nhờ khoản tiền nhàn rỗi “kếch xù” trên đã đẩy doanh thu tài chính của công ty tăng trong năm 2023.
Cũng ghi nhận kỷ lục lợi nhuận, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk; UPCoM: MCM) ghi nhận nhiều chỉ số tích cực, trong đó phải nói đến tăng trưởng mạnh từ doanh thu hoạt động tài chính.
Liên quan đến khoản thu này, năm 2023, Mộc Châu Milk ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi, lợi nhuận đầu tư ứng vốn tăng phi mã từ 96,7 tỷ đồng trong năm 2022 lên 155,7 tỷ đồng trong năm 2023; tương đương tăng 61%.
Đối chiếu sang bảng cân đối kế toán, trong cơ cấu tài sản của Mộc Châu Milk, tại ngày 31/12/2023, tổng lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt 55 tỷ đồng, giảm tới 82% so với số đầu kỳ. Đáng chú ý, Mộc Châu Milk đang sở hữu khoản đầu tư ngắn hạn là tiền gửi có kỳ hạn trị giá 1.442 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, tượng tiền gửi “khủng” trên đã đem lại cho công ty ngành sữa này nguồn thu dồi dào mang tên lãi tiền gửi. Chính nhờ những con số trên mà lợi nhuận của Mộc Châu Milk mới ghi nhận tăng trưởng trong năm 2023, bất chấp doanh thu đi ngang.
Năm 2023, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.130 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng trưởng tích cực nên sau cùng, Mộc Châu Milk báo lãi sau thuế hơn 423 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2022. Đây cũng là đỉnh lợi nhuận trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp ngành sữa này.
“Anh cả” ngành sữa trở lại đường đua tăng trưởng
Được coi là “anh cả” ngành sữa, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM) luôn nhận được sự quan tâm. Sau khi ghi nhận doanh thu thấp nhất trong 7 năm vào 2022 với 8.577 tỷ đồng, Vinamilk đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong năm 2023.
Theo đó, năm 2023, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 60.369 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.716 tỷ đồng, tăng 24%.
Ở chiều ngược lại, dù chi phí lãi vay tăng gấp đôi nhưng chi phí tài chính trong kỳ của Vinamilk vẫn tiết giảm 18% xuống còn 503 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, Vinamilk đã dành ra 9.005 tỷ đồng cho chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu và hỗ trợ bán hàng, tăng 3%. Ngoài ra, chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường cũng tăng 8% lên 1.329 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Vinamilk báo lãi 9.019 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Kết quả trên đã giúp công ty hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2023.
Ngoài khoản tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi dồi dào, vay nợ của Vinamilk cũng tăng đột biến. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Vinamilk ở mức 17.138 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn ghi nhận tăng từ 4.867 tỷ đồng đầu kỳ lên 8.217 tỷ đồng cuối kỳ; tương đương tăng 68%. Vay dài hạn cũng tăng 3,6 lần lên 238 tỷ đồng.
Lợi nhuận đi lùi về cuối năm
Cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu nhưng khác các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) dù ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc vẫn không thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm.
Theo đó, quý IV/2023, doanh thu thuần của Hanoimilk đạt 206 tỷ đồng, tăng tới 85% cùng kỳ năm trước. Bất chấp biên độ tăng của giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 22%, đạt 30,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế của Hanoimilk đạt 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cấn trừ 8,3 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, công ty chỉ báo lãi gần 3,3 tỷ đồng, giảm 67% so với quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023 đạt 699 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước. Giá vốn đẩy lên cao dẫn đến lợi nhuận gộp công ty còn khoảng 124 tỷ đồng, tăng 17%.
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 50,4 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp ngành sữa này báo lãi 41,8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Hanoimilk đặt mục tiêu doanh thu kế hoạch đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2023, công ty vẫn không hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra; thực hiện lần lượt 99,8% kế hoạch doanh thu và 90% mục tiêu lợi nhuận.
Nguyễn Phương Anh
Nguồn: nguoiduatin.vn