Nestlé Việt Nam nỗ lực ứng phó đại dịch vì mục tiêu phát triển bền vững

Ngay cả khi ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề do làn sóng Covid-19 thứ 4, Nestlé Việt Nam vẫn cam kết tiên phong vì mục tiêu phát triển bền vững.

“Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động sâu sắc lên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả ngành thực phẩm và đồ uống đóng gói. Nestlé Việt Nam cũng như các doanh nghiệp F&B đã nỗ lực hết mình nhằm đảm bảo tính liên tục của hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.” – Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép”.

Thách thức cho doanh nghiệp F&B sau làn sóng Covid-19 thứ 4

Trong hội thảo chuyên đề “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, đã có bài trình bày về cơ hội và thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống đóng gói tại Việt Nam trong đại dịch.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestle Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Lãnh đạo Nestlé Việt Nam cho biết: “Theo số liệu của Nielsen Retail Index, tính đến cuối tháng 7/2021, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid thứ 4 diễn ra từ tháng 5/2021. Cụ thể, nếu trong Quý 1/2021, sự tăng trưởng theo giá trị danh nghĩa của ngành hàng so với cùng kỳ năm trước là -3.8% thì trong tháng 4 và 5 con số này xuống tới mức -10.4%. Giai đoạn tháng 6 và 7 chỉ còn -5.4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn Quý 1.”

Hiện nay, doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức: vấn đề về hậu cần, nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, tình trạng thiếu nhân công, đặc biệt là đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các chính sách ứng biến, thay đổi kịp thời để vực dậy sau khủng hoảng.

Theo ông Binu Jacob, các công ty trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống đang tập trung vào 3 ưu tiên chính trong thời gian diễn ra đại dịch: Sự an toàn của nhân viên; đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh và thực hiện các chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng chống đại dịch.

Nestlé Việt Nam nỗ lực ứng phó với đại dịch

Ông Binu Jacob chia sẻ: “Là công ty sản xuất và chế biến thực phẩm, chúng tôi đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo hướng dẫn của cơ quan quản lý để vừa đảm bảo sự an toàn cho nhân viên nhà máy, vừa đảm bảo tính liên tục của sản xuất.”

Nhân viên nhà máy Nestlé Bình An thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Theo ông Binu Jacob, Nestlé Việt Nam hiện có khoảng 1.200 nhân viên đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc 5K tại 4 nhà máy trong hơn 2 tháng qua. Các hoạt động tại chỗ cũng được công ty tổ chức để giúp nhân viên có tâm lý thoải mái hơn. Trong khi đó, toàn bộ khối văn phòng đang làm việc tại nhà và cũng được tạo điều kiện đầy đủ về trang thiết bị làm việc nhằm đạt được hiệu quả cao.

Với mục tiêu đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng nhanh với sự thay đổi về chính sách như: thuê thêm kho bãi để tăng khả năng tích trữ nguyên liệu và bao bì tại chỗ; giao hàng trực tiếp đến các cửa hàng không cần qua kho trung chuyển; đảm bảo giao hàng không tiếp xúc dù phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kho vận do tổng kho đặt ở miền Nam cũng như tình trạng thiếu hụt tài xế.

Bên cạnh đó, Nestlé Việt Nam cũng tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch đại dịch của Chính phủ, bao gồm hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu, cộng đồng, đối tác kinh doanh nhỏ lẻ bị ảnh hưởng. Đến nay, tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ và tài trợ các sản phẩm dinh dưỡng, khẩu trang, trang thiết bị y tế và tiền mặt là hơn 55 tỷ đồng.

Nestlé bàn giao sản phẩm tại TP. Chí Linh, huyện Chí Linh.

Ông Binu Jacob cũng đưa ra một số đề xuất với Chính phủ và các cơ quản quản lý như: Ưu tiên tiêm phòng đầy đủ cho tất cả công nhân và nhà thầu làm việc trong các nhà máy sản xuất đồ uống và thực phẩm thiết yếu; trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình phòng chống Covid-19 tại các nhà máy dựa trên các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế; các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương cần được đơn giản hóa và thống nhất với chỉ đạo từ Trung ương; số hóa các thủ tục hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc nộp và phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đặc biệt trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội”.

Ông Binu Jacob phát biểu thêm: “Là doanh nghiệp F&B hàng đầu của thế giới và khu vực, chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Cụ thể, Nestlé đã công bố khoản đầu tư tại Việt Nam trị giá hơn 130 triệu USD trong hai năm, đưa tổng đầu tư lên tới hơn 730 triệu USD.

Cũng trong năm 2020, Bộ Tài chính vinh danh Nestlé Việt Nam “Đơn vị nộp thuế tiêu biểu”, đánh dấu gần một thập kỷ luôn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

thinga
Nguồn: soha.vn
[searchandfilter id="2529"]