Sữa và các sản phẩm từ sữa không chỉ cơ bản đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 60 nước như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Trung Đông…
Tại họp báo thông tin về triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 (Vietnam Dairy 2024), ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu là sữa bột và sữa nước. Sản lượng sữa luôn duy trì đà tăng trưởng hàng năm. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, sản lượng sữa tươi của cả nước ước đạt 1.860,8 triệu lít, tăng 7,5% so với năm 2022; sản lượng sữa bột đạt 154,8 nghìn tấn, tăng nhẹ so với năm 2022.
Hiện cả nước có trên 1.700 trang trại bò sữa, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô công nghiệp, hiện đại cùng trên 28 ngàn hộ chăn nuôi bò sữa. Sản lượng sữa bò tươi nguyên liệu khai thác từ đàn bò sữa trong nước năm 2023 ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2022; năng suất sữa bình quân cả nước năm 2023 vẫn duy trì ở mức trên 5,75 tấn bò vắt sữa/năm.
Với nỗ lực không ngừng, ngành sữa Việt Nam không chỉ cơ bản đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng cho người dân Việt Nam mà còn xuất khẩu sang 60 nước như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Trung Đông… với kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD/năm.
Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhấn mạnh: đây là kết quả sau nhiều năm các doanh nghiệp trong ngành từng bước phát triển bền vững, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Với mục đích đồng hành cùng ngành sữa hội nhập và phát triển bền vững, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã tổ chức triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa định kỳ 2 năm/lần. Vietnam Dairy đã trở thành cầu nối hiệu quả để các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, trao đổi khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu Netzero mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp để sản xuất xanh (nhà máy, trang trại đạt chứng nhận Netzero, trồng cây xanh, năng lượng tái tạo…) và tiêu dùng xanh vì một Việt Nam khỏe mạnh và giàu đẹp. Tại Vietnam Dairy 2024, các doanh nghiệp trao đổi phấn đấu phát triển ngành công nghiệp sữa đáp ứng yêu cầu trong nước và thế giới.
Ông Trần Quang Trung chia sẻ thêm: nhiều thị trường xuất khẩu sữa của Việt Nam đã và đang đưa ra yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Có quốc gia đã cử đoàn chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, thú y, chế biến kiểm tra từng nhà máy, trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, không thực hiện các giải pháp phát triển xanh và tuần hoàn, doanh nghiệp mất cơ hội phát triển.
Trong khi đó, người dân ở nhiều nước, trong đó có người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến tăng cường miễn dịch, vi chất, nâng cao thể lực, sức khoẻ. Đặc biệt là nhu cầu của giới trẻ và những người có thu nhập cao tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ, sữa hạt… Đây là phân khúc khách hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp sữa hướng đến để phục vụ.
Từ góc độ dinh dưỡng, PGS.TS. Lê Bạch Mai – nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia đánh giá, tiềm năng phát triển ngành sữa Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp chỉ đạt 26 – 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 – 100 lít/người/năm.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em Việt Nam còn cao, tỷ lệ thiếu vi chất vẫn phổ biến. Với đặc tính dễ hấp thu, cân đối về thành phần dinh dưỡng và phù hợp với mọi lứa tuổi và thể trạng, sữa và sản phẩm sữa là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, bổ sung năng lượng. Do đó, tiêu thụ sữa dự báo tiếp tục tăng trong vài năm tới.
HẠNH LÊ
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn