Nhân rộng sáng kiến phân loại rác tại trường học

Mô hình ‘Nhà phân loại rác thân thiện’ lần đầu xuất hiện trong các trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần đa dạng chuỗi sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phân loại rác trên cả nước thời gian qua.

“Nhà phân loại rác thân thiện” tại Hà Nội. (Nguồn ảnh: Báo Hà Nội mới)

“Nhà phân loại rác thân thiện” đầu tiên tại Thủ đô

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm. Để công tác phân loại rác đi vào thực chất, bên cạnh các thiết chế pháp luật, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội và hành động cụ thể ở cấp độ từng cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn cả. Do vậy, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều sáng kiến thúc đẩy phân loại rác tại các cơ sở giáo dục trên khắp cả nước. Các sáng kiến này góp phần thực hiện mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại, tái chế rác thải, hình thành thói quen phân loại rác tới người dân và thanh, thiếu niên để tăng tỷ lệ rác được tái chế, giảm rác thải chôn lấp, góp phần cải thiện môi trường.

Mới đây, nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, Thành đoàn – Hội đồng Đội TP Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco, Đoàn Thanh niên quận Ba Đình và Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức Lễ khánh thành công trình “Nhà phân loại rác thân thiện” năm 2023. Được biết, đây là một trong những giải pháp cụ thể hóa Chương trình số 06/CTr-TU ngày 17/3/2021 về việc “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025” và Kế hoạch liên tịch số 02-KHLT/TĐTN-SGDĐT-MTĐT ngày 21/4/2023 giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Hội và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội về triển khai công trình phân loại rác.

Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu những năm gần đây, hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường đã trở thành chương trình học bắt buộc hàng tuần trong nhà trường. Vì vậy, các em học sinh cũng thực hành thường xuyên việc phân loại rác dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, anh chị trong trường. Các khối, lớp và cá nhân học sinh có thành tích, hoạt động hiệu quả, tích cực sẽ được Ban Giám hiệu tuyên dương trước toàn trường. Theo Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Đào Đức Việt, việc triển khai mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm đầu tiên để các trường khác trên địa bàn thành phố học tập kinh nghiệm.

Trong năm 2023, Chương trình tiếp tục triển khai tại 3 điểm trường, phấn đấu trong 2 năm 2023 – 2024 sẽ triển khai đồng loạt tại các nhà trường trên toàn thành phố. Về quy trình, tần suất thu gom, vận chuyển tại các điểm trường, Urenco sẽ xây dựng lịch làm việc chi tiết đối với từng trường để thống nhất thời gian thu gom rác tái chế; thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn, truyền thông tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phân loại rác cho học sinh tại các trường vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc theo lịch đăng ký của trường.

Lan tỏa hành động thiết thực

Trước mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phân loại rác trong các cơ sở giáo dục đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tạo động lực, niềm vui cho các em học sinh, phụ huynh, thầy cô. Ví dụ như sử dụng thùng rác 3 ngăn ở các cơ sở giáo dục, chương trình “Tái chế học đường”, Dự án Clean n’ Green nhằm thay đổi nhận thức và hành động của học sinh, xây dựng lối sống xanh trong trường học và khu dân cư…

Điển hình là chương trình “Tái chế học đường” do Công ty Tetra Pak (nhà cung cấp hộp giấy đựng đồ uống đến từ Thụy Điển) thí điểm vào năm 2017 tại TP HCM, đến nay đã được lan rộng trên cả nước. Chỉ riêng tại Thủ đô Hà Nội trong năm học 2020 – 2021, chương trình “Tái chế học đường” đã thu hút sự tham gia của hơn 1.600 trường mầm non và tiểu học. Trong khuôn khổ chương trình, các học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được thu gom định kỳ và chuyển về nhà máy xử lý giấy theo chỉ định tại từng địa phương để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác.

Có thể thấy, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nói chung, phân loại rác nói riêng cho các em học sinh ngay từ độ tuổi mầm non cho đến trung học mang đến rất nhiều “lợi ích kép”. Đơn cử, mỗi em học sinh không chỉ là người trực tiếp hành động để giảm thiểu ô nhiễm rác thải mà còn có thể là “đại sứ môi trường” để lan tỏa đến gia đình, người thân, bạn bè. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lan tỏa những sáng kiến thiết thực, cụ thể tại các trường học có thể là “con đường ngắn nhất” để xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức tự giác và sẵn sàng hành động để bảo vệ môi trường.

Đỗ Trang

Nguồn: baophapluat.vn

[searchandfilter id="2529"]