Tìm về công việc đúng chuyên môn sau một thời gian thử sức kinh doanh nội thất, Chu Hải Anh hôm nay làm nhân viên chế biến sữa tiệt trùng tại nhà máy của Nutricare, lương khởi điểm bằng nửa nghề cũ, nhưng chưa từng nhắc hai chữ “hối hận”.
Luôn sẵn ải “vũ môn” cho những chú ”cá chép” muốn thử thách chính mình
“Nhàn nhã thì ai cũng muốn nhưng phải xét trong giai đoạn nào của cuộc đời. Em còn trẻ, mong muốn hiểu biết và vượt qua thử thách hơn là công việc đều đều, nhàn nhã”.
Như nhiều đồng nghiệp ở Nutricare, Hải Anh có 4 năm được đào tạo kiến thức ngành công nghệ thực phẩm tại một học viện hệ công lập thuộc top đầu Việt Nam. Nhanh chóng được nhận vào một doanh nghiệp chế biến sữa ngũ cốc, nhưng anh cũng nhanh chóng “nhảy nghề” sang kinh doanh nội thất cho một công ty ở Phố Nối, Hưng Yên. Thu nhập tốt, gần nhà, công việc đơn giản. Nhưng chỉ khi đã “bỏ nghề sữa”, Hải Anh mới nhận ra, “công việc đơn giản” không phải, không nên là mục đích sống của một cậu trai tuổi đời mới 25.
Ngày đầu tiên bước vào khu chế biến – căn phòng tiệt trùng hơn 40 m2, chằng chịt bể chứa, đường ống sáng bóng in trên sàn xưởng không một hạt bụi của Nutricare, Hải Anh chỉ nghe rõ tiếng nói rất sắc, vọng ra từ trong đầu: “Đây chính xác là điều mình muốn”.
Bước chân vào Nutricare, Hải Anh tự thử thách mình ở lĩnh vực khác hẳn: vận hành sản xuất khu chế biến. Một tháng đầu trôi qua với nhiều ngày nán lại rất muộn để “xoay” những anh trưởng bộ phận và chuyên gia của Tetra Pak (đối tác cung cấp dây chuyền) để hiểu về cỗ máy mình đang “chế ngự”. Hết ca làm việc, trở về nhà, Hải Anh như trở lại quãng đời sinh viên nhiều năm trước, khi buông bát cơm là vùi đầu vào giáo án, tài liệu cơ điện sưu tầm, đi mượn để tự học.
“Nhà máy Nutricare gần 1 hecta nhưng cũng chỉ có 17 nhân sự, vì máy móc tự động hoá và tự biết làm theo lệnh hết. Nhưng làm sao biết để đặt lệnh, để đảm bảo chúng hoạt động trơn tru, tụi em phải liên tục nghiên cứu, học chuyên gia và học lẫn nhau. Chẳng ai ép cả, chỉ là tự thấy mình phải tiến bộ nhanh lên để hiểu, “chế ngự” và vận hành chúng”, Hải Anh chia sẻ.
Chỉ một tháng sau, chuyên gia của nhà cung cấp thiết bị đã có thể “buông tay” để Hải Anh tự vận hành máy một mình, giải quyết các vấn đề độc lập.
Nutricare: Môi trường nhiều thử thách nhưng đầy yêu thương
Trong khuôn viên nhà xưởng trị giá nhiều triệu đô của nhà máy Nutricare số 2, căn phòng đơn giản, ít tiện nghi nhất, có vẻ lại là phòng làm việc của Giám đốc Nguyễn Trung Kiên. Nhân viên nhà máy khi liên lạc với anh Kiên qua điện thoại bàn trong phòng giám đốc, thường nghe những tràng “tút tút” dài không có người nhấc máy.
“Anh ít khi ngồi bàn giấy lắm, thích xuống xưởng hơn”, vị giám đốc 44 tuổi cười, giải thích. Xưởng sản xuất gần 40 nhân viên làm việc các ca, anh nhớ tên, biết tính gần hết. Đến giờ ăn trưa, giám đốc cũng như nhân viên, đều ăn những suất cơm trong khay inox giống nhau, hỏi han nhau về công việc bằng những nhân xưng đơn giản: anh, em.
20 năm làm việc trong ngành sữa, anh Kiên cũng đến với Nutricare khi vừa bỏ vị trí quan trọng trong một “ông lớn” của ngành sữa Việt bằng đam mê làm ra những sản phẩm sữa chất lượng cao cho người Việt. Nhưng hơn hết là bị “chinh phục” bởi môi trường làm việc nhiều tin tưởng, hoài bão và “như một gia đình”.
Tất cả mọi người ở Nutricare đều được lắng nghe, tôn trọng và khuyến khích đóng góp ý kiến để làm tốt nhất công việc của mình
Trưởng thành cùng những hoạt động cộng đồng
Mười năm trên con đường trưởng thành của Nutricare gắn liền với những hoạt động tình nguyện, vì cộng đồng: Triệu ly sữa vì cộng đồng, 25.000 ly sữa tặng bệnh nhân xóm thận Bạch Mai, hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch… nơi chính những nhân viên của họ cũng trở nên trưởng thành.
Trong làn sóng dịch bệnh COVID-19, Nutricare hỗ trợ, tặng quà cho những bệnh nhân nghèo, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, có hơn 120 bệnh nhân “xóm thận” Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lần đầu đặt chân tới xóm thận, Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên 30 tuổi của phòng marketing, nói mình bị “sốc và ám ảnh”.
Đó là lần đầu, Mạnh bước chân vào những căn phòng vài mét vuông của 3, 4 bệnh nhân thuê, ngủ chung một giường; lần đầu tiên biết, cách “tăng thu nhập” duy nhất của những bệnh nhân xóm này, là ăn ít đi. Sữa dinh dưỡng là thứ xa xỉ. “Mình hỏi, hầu như không ai mua sữa uống, có người cả đời chưa từng uống sữa”, Mạnh kể.
Ba năm làm việc tại Nutricare, anh cùng đồng nghiệp nhiều lần tới các trung tâm y tế, làng trẻ mồ côi và trường học, làng bản nghèo trao quà tặng. Anh hiểu, nguồn dinh dưỡng bổ sung từ sữa hỗ trợ cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân thận hiệu quả thế nào.
Mạnh cùng đồng nghiệp tính toán nhu cầu, số lượng người bệnh, đề xuất lộ trình tài trợ các sản phẩm sữa chuyên biệt cho người suy thận. Kế hoạch trao quà ngay lập tức được lãnh đạo công ty phê duyệt. 10 ngày sau, họ có mặt tại xóm thận, trong đợt trao quà đầu tiên.
Một bác sĩ không cẩn trọng có thể ảnh hưởng đến một vài người, nhưng nếu một người làm dinh dưỡng thiếu đạo đức, ảnh hưởng có thể lan đến nhiều thế hệ. Nutricare đã bắt đầu với tâm niệm coi trọng nghề dinh dưỡng như vậy. Chăm sóc và phát triển con người trở thành một trong ba giá trị cốt lõi phát triển của công ty trong suốt 10 năm qua. Đó là một hành trình phát triển, trưởng thành nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng chính nhờ thế, Nutricare tôi rèn những người trẻ trong tổ chức thành những cá nhân mang tấm lòng vì cộng đồng.
Nguồn: nutricare.com.vn