Tham vọng của Vinasoy: Từ sữa đậu nành tới hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật đẳng cấp thế giới vào năm 2030

Không ngạc nhiên, khi mới đây, Vinasoy bắt đầu nói đến việc đánh chiếm hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật và thế giới trên diện rộng trong vài năm tới, bởi họ đã củng cố chắc chắn vị thế độc tôn của mình ở thị trường sữa đậu nành Việt Nam. “Vốn liếng’ để Vinasoy bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất mới có thuận theo xu hướng tiêu dùng, vùng trồng rộng lớn và 3 nhà máy hiện đại…

Mới đây, trong sự kiện kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp, Vinasoy đã công bố tầm nhìn mới: “Không ngừng kiến tạo hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật đẳng cấp thế giới vào năm 2030”; với sứ mệnh “Tiên phong phát triển các giải pháp dinh dưỡng toàn diện mang lại cuộc sống lành mạnh cho mọi nhà, tự hào là biểu tượng chuyên gia dinh dưỡng thực vật của Việt Nam vươn tầm thế giới”.

Ông Ngô Văn Tụ – CEO Vinasoy

Ông Ngô Văn Tụ – CEO Vinasoy bày tỏ: “ 25 năm nhìn lại, Vinasoy có rất nhiều thành tựu và con số đáng nhớ. Điều đáng tự hào nhất là chúng tôi có một tập thể giản dị làm những điều bình thường nhưng tạo dấu ấn phi thường cho thương hiệu Vinasoy. Tiếp nối kết quả đáng tự hào đó, Vinasoy sẽ tập trung nghiên cứu giải pháp toàn diện, kiến tạo hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật vươn tầm thế giới vào năm 2030 ”.

Cụ thể: với chiến lược tập trung vào hệ trục sản phẩm từ thực vật, Vinasoy đã và đang nắm bắt cơ hội để mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm dinh dưỡng thực vật như phát triển rộng hơn các sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu từ đậu nành; phát triển sản phẩm sữa từ thực vật như sữa chua uống, sữa hạt; phát triển các sản phẩm thịt thực vật có lợi cho sức khỏe, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Vậy Vinasoy sẽ dựa vào cái gì để có “hệ sinh thái dinh dưỡng thực vật vươn tầm thế giới vào năm 2030”?

NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN KHẮP VIỆT NAM VÀ CẢ THẾ GIỚI ĐANG NGÀY CÀNG ƯA CHUỘNG THỰC PHẨM TỪ THỰC VẬT

Theo chia sẻ của Vinasoy, định hướng nói trên của họ là nhằm đón đầu cơ hội và tiềm năng phát triển của thị trường tại Việt Nam và trên thế giới. Minh chứng: mới đây, Data Bridge Market Research dự báo thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm từ nay đến năm 2029. Tại nước ta, khảo sát của Rakuten Insight mới đây cho kết quả 86% người tiêu dùng từng chọn giải pháp dinh dưỡng thực vật.

Còn theo PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia , thì: “ Theo văn kiện Chiến lược dinh dưỡng quốc gia từ 2021 – 2030 mà Thủ tướng đã ký có 3 mục tiêu quan trọng. Trong đó, được đẩy lên đầu tiên là mục tiêu tăng cường cải thiện bữa ăn hợp lý, an toàn và lành mạnh.

Đây là nền tảng, còn sau đó thiếu hay cần chúng ta mới bổ sung hoặc điều chỉnh trong giai đoạn ngắn hạn hoặc trung hạn. Vấn đề dài hạn như để có sức khoẻ lâu dài, cải thiện sức khoẻ và tầm vóc thì các bữa ăn hợp lý – căn bằng – cân đối – đa dạng vẫn quan trọng nhất. Theo đó, cái gì trong các bữa ăn chưa đạt được thì phải đưa về cân đối và lý tưởng ”.

Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thì bữa ăn của người Việt hiện chưa được cân đối và đầy đủ. Ví dụ: phần cung cấp năng lượng đã đạt, nhưng 1 số mặt khác thì chưa cân đối ở các vùng khác nhau. Viện thấy rằng: khu vực thành thị đang tiêu thụ quá nhiều chất đạm và béo từ thịt/hải sản, còn vùng miền núi xa xôi lại thiếu nhóm chất này.

Vấn đề thứ 2 là protein. Trong 10 năm qua, sự gia tăng về tiêu thụ đạm động vật là rất lớn; trung bình 1 người Việt Nam tiêu thụ 153-154gam/người/ngày, đây là con số quá chuẩn, vì theo khuyến cáo của Hiệp hội phòng chống ung thư, chúng ta nên tiêu thụ trung bình 90gam/người/ngày. Ngược lại, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, mỗi người nên ăn rau quả trung bình 400gam/người/ngày, chúng ta mới đạt trên 300gam.

“ Tại sao thế giới đang hướng tới dinh dưỡng thực vật? Bởi kết quả này của Việt Nam bắt buộc chúng ta tiếp tục kiêu gọi đa dạng khẩu phần, để người dân làm sao sử dụng nhóm thực vật nhiều hơn – vì chúng ta đang bị nghiêng về nhóm động vật sau thời gian tăng trưởng kinh tế nhanh.

Chính vì vậy, thời gian tới, chúng cần phải tuyên truyền để người dân Việt Nam ăn nhiều hơn rau củ quả hoặc các thực phẩm chế biến có nguồn gốc thực vật, khiến khẩu phần ăn cân bằng hơn. Ngoài ra, tiêu thụ thực phẩm thực vật còn giúp bảo vệ môi trường, phòng chống phát thải khí nhà kính. Xu hướng này không chỉ các nước phát triển mà các nước đang phát triển cũng hướng tới ”, PGS.TS. Trương Tuyết Mai nhận định.

PGS.TS. Trương Tuyết Mai (trái) và GS.TS Lê Thị Hợp

Tiếp lời đồng nghiệp, theo GS.TS Lê Thị Hợp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam , cho biết: Trong dinh dưỡng hàng ngày, ví dụ như sữa, chúng ta phải phối hợp nguồn gốc động vật và thực vật thì mới hoàn chỉnh. Chúng ta không nên nâng bên này rồi dìm bên kia, vì nguồn gốc động vật hay thực vật đều có ưu nhược điểm riêng.

Ví dụ: Các protein từ động vật có các axit amin cần thiết nhiều và hoàn thiện hơn protein từ thực vật. Tuy nhiên, vì nó ở dạng phức hợp, nên khi cơ thể tiêu hóa có thể thải ra các chất độc. Do vậy, khi ăn quá nhiều thịt, chất thải ra sẽ không tốt cho tiêu hóa. Còn nguồn đạm từ thực vật tiêu hóa tốt và nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên thành phần axit amin thiết yếu không đầy đủ và bằng protein từ động vật.

“ Ưu điểm nữa của protein từ thực vật là rẻ hơn từ động vật, tiêu hóa nhẹ hơn. Nếu chúng ta dùng protein từ các loại đậu, ngoài cung cấp đạm và chất béo, còn có nguồn chất chống oxi hóa.

Uống đậu nành nhiều rất tốt cho phụ nữ mãn kinh và tiền mãn kinh. Một hội nghị quốc tế mới đây tôi vừa tham dự cũng cho thấy: phụ nữ bị ung thư vú tái phát ít hơn khi uống sữa đậu nành thường xuyên, tỷ lệ tử vong cũng thế. Đối với nam giới, ăn nhiều đậu nành không ảnh hưởng đến bệnh gút hay chức năng sinh sản của nam giới ”, GS.TS Lê Thị Hợp cho hay.

Ngoài ra, trong Tọa đàm Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hậu đại dịch với các sản phẩm Việt Premium ‘Tốt cho sức khỏe’ vào 6/2022, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao , bày tỏ: “ Sau khi tham quan – khảo sát 1.000 gian hàng của Thaifex chúng tôi thấy có 2 key-word rất nổi bật là plant-based – tức là thực phẩm dựa trên thực vật và đạm thay thế (alternative protein).

Còn theo tôi, thật ra plant-based nằm trong khái niệm rộng hơn đó là khái niệm về thực phẩm tương lai – future food.

Thực phẩm của tương lai có thể chia làm 3 loại: plant-based – sản phẩm làm từ thực phẩm ví dụ như thịt bò heo làm từ đậu nành; thực phẩm – đạm thay thế từ côn trùng như cua/ốc/dế và thực phẩm sinh học – cell-based xuất phát từ phòng thí nghiệm. Vào tháng 12/2020, Singapore là nước tiên phong trên thế giới cho phép thực phẩm nuôi cấy từ phòng thí nghiệm mang ra bán tại các nhà hàng “.

Các thương hiệu thịt thực vật trên thế giới.

CÓ VÙNG TRỒNG RỘNG LỚN

” Thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197,8 nghìn ha, thì năm 2021 chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm hơn 75% so với năm 2010.

Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5 – 5,0 triệu tấn đậu tương/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2 – 3 tỷ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay (Tổng cục Hải quan, 2018) “, ông Đinh Công Chính – Phó Trưởng phòng cây Lương thực – Thực phẩm , Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Bộ NN&PTNT) thông tin.

Tất nhiên, với diện tích và sản lượng nậu nành như thế, chẳng thể cung cấp đủ cho nhu cầu của ngành sản xuất Việt Nam lẫn Vinasoy, nên từ năm 2013 họ đã phải bắt tay vào xây dựng vùng trồng – đầu vào.

Năm 2013, Vinasoy đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) quy tụ những chuyên gia giỏi, các nhà khoa học tâm huyết trong và ngoài nước cùng nghiên cứu phát triển gien, chọn tạo, phục tráng những giống đậu nành truyền thống của Việt Nam trở nên các giống đậu nành có năng suất cao và dễ canh tác hơn.

Trại thực nghiệm ở Tây Nguyên của Vinasoy

Thành quả là VSAC đang sở hữu ngân hàng gene đậu nành lớn nhất Đông Nam Á. Trong 1.533 giống đậu này mà Vinasoy có, không ít trong đó sắp tuyệt chủng tại Việt Nam.

VSAC đã nghiên cứu các dòng/giống đậu nành trong và ngoài nước, từ các dòng/giống đậu nành hoang dại đến các dòng/giống đậu nành có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn… Ngoài ra, Vinasoy thực hiện bảo quản nguồn gene quý này trong điều kiện tối ưu để đảm bảo duy trì chất lượng hạt giống trong thời gian dài.

Đến năm 2019, Vinasoy đã phát triển thành công 2 giống đậu nành mới VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Giống đậu nành VINASOY 02-NS được Bộ NN- PTNT cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long nhờ có phổ thích nghi rộng, cho năng suất cao, từ 2,5 – 3,5 tấn/ha.

Sau khi hoàn tất gầy dựng các vùng nguyên liệu trọng điểm ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Hồng, miền Trung; đến nay với chiến lược 2 lúa 1 đậu áp dụng cho đồng bằng Sông Cửu Long, Vinasoy đã ứng dụng thành công giống đậu nành mới cho nông dân.

Với đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp và diện tích rộng lớn, Đồng bằng Sông Cửu Long hứa hẹn sẽ là vùng nguyên liệu tiềm năng lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta, tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình cơ giới hóa cánh đồng đậu nành giúp mang lại hiệu quả cao nhất cho các bên. Vậy nên, Vinasoy đang đặt rất nhiều hy vọng vào khu vực này trong việc phát triển vùng trồng của mình.

Tuy nhiên, quá trình gầy dựng vùng trồng để phần nào tự chủ đầu vào của Vinasoy không toàn hanh thông. Muốn mở rộng diện tích hơn nữa, cây đậu nành của Vinasoy cần cạnh tranh thắng về mặt hiệu quả kinh tế với các cây trồng khác. Bởi hiện tại, Việt Nam chúng ta không có diện tích đất trống nào dành riêng cho cây đậu nành hoặc các cây trồng khác.

3 NHÀ MÁY HIỆN ĐẠI, CÔNG NGHỆ TIÊN TIẾN

Hiện Vinasoy có 3 nhà máy: Vinasoy Quảng Ngãi nằm trong công ty mẹ Đường Quảng Ngãi có công suất 120 triệu lít/năm, Vinasoy Bắc Ninh công suất 180 triệu lít/năm và Vinasoy Bình Dương 90 triệu lít/năm.

Nhà máy Vinasoy Quảng Ngãi

Với năng lực sản xuất của cả 3 nhà máy ở Quảng Ngãi, Bắc Ninh và Bình Dương là 390 triệu lít/năm, Vinasoy đang dẫn đầu thị trường ngành hàng sữa đậu nành hộp giấy với 90% thị phần và thuộc Top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới 4 năm liên tiếp 2018 – 2021 (theo Global Data). Do đó, Vinasoy có đầy đủ tiềm lực và nền tảng sẵn sàng cho sự phát triển trong thị trường đầy tiềm năng này.

Ngay từ đầu, những nhà máy của Vinasoy đã được trang bị công nghệ tiên tiến nhất của ‘ông lớn’ Tetra Pak. Vậy nên, tỷ lệ tự động hóa trong các nhà máy của Vinasoy khá cao – trừ Vianasoy Quảng Ngãi. Khi chúng tôi đi tham quan nhà máy ở đây, thì chỉ có thể tham quan khu vực đóng gói bước cuối, 1 chuyền đóng gói ở đây là tự động hóa và còn lại vẫn do con người làm.

Dây chuyền đóng gói ở nhà máy Vinasoy Quảng Ngãi có tự động vừa bán tự động.

Theo chia sẻ từ Vinasoy, không phải họ không đủ điều kiện đầu tư để tự động hóa việc đóng gói ở đây 100% như 2 nhà máy ở Bình Dương và Bắc Ninh, mà chỉ muốn tiếp tục giữ công ăn việc làm cho những nhân viên đã theo công ty trong những ngày đầu thành lập.

Ngoài ra, Tetra Pak và Vinasoy vừa thực hiện một cuộc cách mạng cho trải nghiệm người dùng khi ra mắt công nghệ thực tế tăng cường (AR) trên hộp sữa đậu nành Fami. Với ứng dụng có tên PackStory, người dùng quét mặt trước của hộp sữa để bước vào thế giới AR với những câu chuyện thú vị về hạt đậu nành và vỏ hộp giấy.

Nói về bước đi này, ông Ngô Văn Tụ chia sẻ: “ Hiện tại, Vinasoy đã tiến hành vận dụng công nghệ mới vào hầu hết các hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến việc ứng dụng vào việc chọn tạo giống, phát triển vùng nguyên liệu. Ở vị trí đứng đầu ngành hàng sữa đậu nành, chúng tôi ý thức rất rõ về việc phải luôn tự làm mới mình về mọi mặt, trong đó có việc ứng dụng công nghệ mới để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng ”.

Quỳnh Như/Theo Nhịp sống thị trường

Nguồn: cafebiz.vn

[searchandfilter id="2529"]