Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam khẳng định ‘sức hút’ Việt Nam. Ảnh VGP/Minh Thi
Ông Binu Jacob chia sẻ, trong suốt hành trình hơn hai thập kỷ qua, Nestlé Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và giúp sức vô cùng quý báu của Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo bộ ban, ngành và chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Hưng Yên, TPHCM, Đắk Lắk.
Ông Binu Jacob khẳng định, Tập đoàn Nestlé luôn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Trong suốt thời gian qua, Tập đoàn đã liên tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững.
“Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Vì vậy, Nestlé Việt Nam tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới? Và điều đó đã trở thành hiện thực khi hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam với lực lượng lao động giỏi và tinh thần làm việc cống hiến, được tập đoàn ghi nhận là một trong những nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt”, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ.
Hằng năm Nestlé đã đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam thực hành canh tác bền vững và đưa vào nền kinh tế khu vực nông thôn 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê bền vững. Điều đó đã đưa Nestlé Việt Nam trở thành một trong những doanh nghiệp FDI tiên phong đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam.
Có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm qua, Nestlé Việt Nam luôn cam kết đi tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với triết lý tập đoàn hàng đầu thế giới gắn kết và thấu hiểu địa phương. Ông Bine Jacob chia sẻ, lý do chọn Việt Nam và không ngừng đầu tư vào Việt Nam của Tập đoàn Nestlé dựa vào 4 yếu tố then chốt.
Nestlé đã đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam thực hành canh tác bền vững. Ảnh: Nestlé Việt Nam.
Thứ nhất, nền chính trị ổn định và linh hoạt: Đây là yếu tố hàng đầu thu hút một nhà đầu tư FDI. Không chỉ như vậy, Chính phủ Việt Nam cũng chứng tỏ sự quyết đoán trong điều hành và không ngần ngại đưa ra quyết định can đảm và mạnh mẽ trong nhiều hoàn cảnh.
Thứ hai, vị trí địa lý chiến lược: Việt Nam nằm ở một vị trí vô cùng trung tâm trong khu vực Đông Nam Á với một đường bờ biển dài. Đất nước sở hữu lợi thế vô cùng lớn với các tuyến thương mại quan trọng trên thế giới.
Thứ ba, lực lượng lao động trẻ dồi dào: Việt Nam với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người nằm trong nhóm 15 quốc gia đông dân nhất trên thế giới mà có “cấu trúc dân số vàng”, có nghĩa là cứ hai người lao động sẽ chăm lo cho chỉ một người phụ thuộc. Với ưu điểm này, Việt Nam có một cơ hội phát triển kinh tế-xã hội không phải ai cũng có và các bạn cần phải khai thác tốt điểm này.
Thứ tư, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu: chỉ trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đạt được nhiều thành công trên mặt trận hội nhập kinh tế quốc tế với viêc gia nhập một loạt các hiệp định thương mại tự do và cộng đồng kinh tế có thể kể: Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, Cộng đồng Kinh tế ASEAN…
Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn và thử thách cho các nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, trong đó ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức.
Khoảng 1.200 nhân viên của Nestlé Việt Nam đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đồng thời áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc 5K tại nhà máy hơn 2 tháng qua. Việc này đã gây ra nhiều thách thức đối với khâu vận hành cũng như gây ảnh hưởng đến các nhân viên tại đây, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm. Một số địa phương áp dụng nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch cũng gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng của Nestlé Việt Nam.
“Chia sẻ cùng với Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương như Đồng Nai, Hưng Yên và TPHCM (nơi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất từ đợt dịch thứ 4 này), Nestlé Việt Nam đã chung tay bằng nhiều hoạt động để góp phần đẩy lùi dịch bệnh từ đó khôi phục sản xuất, chuỗi cung ứng.
Tập đoàn Nestlé sẽ tiếp tục đầu tư 132 triệu USD trong hai năm để tăng gấp đôi công suất sản xuất cà phê hòa tan phục vụ xuất khẩu và để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm thực phẩm dạng lỏng chuyên cung ứng cho thị trường xuất khẩu ở khu vực châu Á và Australia.
Với tầm nhìn trên, nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai sẽ trở thành một trong những nhà máy cà phê lớn nhất trên thế giới chuyên cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường các nước phát triển, có thể kể là Nhật Bản, các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu”, ông Binu Jacob cho biết.
Nestlé Việt Nam ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, tái mở cửa nền kinh tế và thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông Binu Jacob cho rằng, để đạt được mục tiêu kép và tăng trưởng thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cần phải tái mở cửa, thiết lập trạng thái “bình thường mới” đi cùng với kế hoạch rõ ràng và thời gian cụ thể. Để duy trì vị thế cạnh tranh trên khu vực cũng như trên toàn cầu, cần phải hành động ngay bây giờ. Các doanh nghiệp có kế hoạch rõ ràng và chứng minh được năng lực vừa sản xuất vừa phòng chống dịch tốt cần được cho hoạt động trở lại.
Đồng thời, sự phối hợp trên toàn quốc và giữa các tỉnh thành phố là rất quan trọng. Việc mỗi tỉnh, thành phố đưa ra những quy định khác nhau chẳng hạn quy định về lấy mẫu xét nghiệm và tần suất xét nghiệm đối với người và hàng hóa lưu thông, hay cách ly y tế và giải quyết các trường hợp nhiễm bệnh, đã gây ra những đứt gãy về sản xuất và chuỗi cung ứng. Khi chúng ta tiến tới một trạng thái bình thường mới, sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc vô cùng quan trọng.
Ông Binu Jacob cũng khẳng định, vaccine là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.
“Thời gian qua các doanh nghiệp cũng như người dân rất cảm ơn vì Chính phủ đã ưu tiên vaccine cho TPHCM và Khu vực kinh tế phía nam”, ông Binu Jacob nói.