Liên quan việc Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood muốn xây tặng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn (mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng) cho TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đang đàm phán với doanh nghiệp để ký kết biên bản thỏa thuận.
Theo đề xuất của Công ty Nutifood, doanh nghiệp đề xuất sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí cho cây cầu. Dự kiến dự án được khởi công vào 30/4/2025 và hoàn thành sau 2 năm xây dựng.
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có thiết kế hình tượng lá dừa nước, tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng.
Chia sẻ về đề xuất này, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood cho biết với việc xây dựng cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, nối liền quận 1 và TP Thủ Đức, doanh nghiệp kỳ vọng thành phố sẽ có thêm một địa điểm giải trí, thư giãn đẹp mắt, thu hút các du khách phương xa.
Theo quy trình, đơn vị tài trợ sẽ tổ chức lập dự án, thiết kế và thi công xây dựng hoàn thành cầu; Đảm bảo theo phương án kiến trúc, thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở GTVT TP sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn nhà tài trợ các thủ tục, thẩm định dự án, thiết kế. Công trình khi hoàn thành sẽ được nghiệm thu và được doanh nghiệp chuyển giao cho TP.HCM quản lý, khai thác cho mục đích công cộng, phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Theo các quy định pháp luật có liên quan, dự án đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp tài trợ không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.
Vì vậy, trên cơ sở quy định của Luật Xây dựng, các quy định liên quan và ý kiến góp ý của các sở, ngành, Sở Giao thông vận tải TP đã rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo quy trình làm cơ sở triển khai.
Liên quan nội dung này, Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị đã có dự thảo quy trình tổ chức thực hiện, tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước hồi tháng 10 vừa qua.
Quy trình này gồm bốn bước: Tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết biên bản thỏa thuận; Đề xuất chủ trương đầu tư; Triển khai thực hiện đầu tư; Xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Theo bản dự thảo này, bước tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết biên bản thỏa thuận sẽ do sở chuyên ngành hoặc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày.
Bước ký kết biên bản thỏa thuận có thời gian thực hiện trong khoảng 10 ngày. Đơn vị chủ trì của bước này là UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức nếu dự án nằm trên địa giới hành chính. Sở chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm chủ trì nếu dự án tài trợ nằm trên địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Trong các bước của dự thảo quy trình, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án mất nhiều thời gian nhất.
Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần 3-6 tháng. Tương tự, việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cũng cần 3-6 tháng.
Việc bàn giao, tiếp nhận mặt bằng cần 30 ngày; Cấp giấy phép xây dựng cần tối đa 20 ngày; Khởi công công trình trong khoảng thời gian 3 ngày; Việc triển khai thi công, hoàn thành, nghiệm thu sẽ có thời gian thực hiện theo thỏa thuận của các bên.
Bước xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án được tài trợ gồm khâu lập và trình hồ sơ đề nghị với thời gian tối đa 30 ngày thực hiện. Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân sẽ được ban hành trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Thư Trần
Nguồn: baogiaothong.vn