Doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng doanh thu 5,5% thông qua chiến lược mở rộng thị phần quốc tế, R&D, hệ thống phân phối, trang trại.
Tại Đại hội đồng cổ đông theo hình thức trực tuyến sáng 25/4, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk nêu mục tiêu doanh thu năm 2023 là 63.380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.496 tỷ đồng, ổn định so với năm 2022. Chiến lược đặt ra để hiện thực hóa con số này gồm: mở rộng thị trường quốc tế, phân phối, đầu tư nhà máy và trang trại, triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Năm qua, ở nhóm doanh thu thuần, mảng nội địa đạt 50.704 tỷ đồng, xuất khẩu 4.828 tỷ đồng. Các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu 4.424 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty là 8.578 tỷ đồng. Giá trị thương hiệu lên 2,8 tỷ USD năm 2022, tăng 18% so với năm 2021.
Tổng doanh thu công ty giai đoạn 2010-2023. Ảnh: Vinamilk
Điểm sáng là hệ thống cửa hàng Giấc mơ Sữa Việt tăng trưởng doanh thu trên 20% năm 2022. Vì vậy năm nay đơn vị tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư cho kênh bán tại cửa hàng lẫn trực tuyến. Hoạt động R&D, nhãn hàng đặt mục tiêu tung nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng với định hướng cung cấp dinh dưỡng và cả giá trị cộng thêm. Tiếp đà năm ngoái, Vinamilk đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có Nhà máy sữa Hưng Yên.
Với chi nhánh nước ngoài, doanh thu 2022 của Driftwood (Mỹ) ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%, Angkormilk tăng trưởng trên 10%. Song song, đơn vị hoàn thiện các dự án Tổ hợp Trang trại bò sữa Lao-Jargo (Lào) và đầu tư mở rộng nhà máy, trang trại tại Campuchia với vốn đầu tư dự kiến 42 triệu USD. Mảng xuất khẩu, công ty ký kết nhiều hợp đồng với tổng giá trị đạt 100 triệu USD, dự kiến đạt trên 200 triệu USD cho cả năm 2023.
Đơn vị luôn nằm trong nhóm chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cao nhất, lũy kế từ khi lên sàn năm 2006 đến nay là 76.228 tỷ đồng. Năm nay công ty sẽ dùng tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất để trả cổ tức, dự kiến tạm ứng cổ tức đợt một cũng vào ngày 5/10 ở mức 1.500 đồng một cổ phiếu.
Buổi đại hội diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Vinamilk
Sau phần báo cáo, nhiều cổ đông tham gia đặt câu hỏi trực tiếp với Hội đồng quản trị. Giải đáp lý do lợi nhuận giảm so với mức 10.633 tỷ đồng của năm 2021 dù doanh thu tăng, bà Mai Kiều Liên cho biết trong 47 năm phát triển, lần đầu tiên Vinamilk gặp trường hợp giá nguyên vật liệu tăng 30-50%. Chưa kể các điều kiện khách quan như chiến tranh thế giới, phí vận chuyển tăng, nhu cầu sụt giảm… tác động trực tiếp đến giá thành.
“Chúng tôi không thể chuyển hết chênh lệch đó vào giá bán vì kinh tế khó khăn thì người Việt cũng không dễ dàng. Sữa lại là sản phẩm thiết yếu nên chúng tôi chỉ tăng giá 3% nhằm đảm bảo quyền lợi người dùng, chia sẻ khó khăn trong thời kỳ lạm phát. Con số này không đủ bù chênh lệch giá nên khiến lợi nhuận giảm”, Tổng giám đốc phân tích.
Cũng trong câu hỏi doanh thu, cổ đông thắc mắc giai đoạn ba năm trở lại, công ty gần như không đổi nguồn thu nhưng giảm lợi nhuận có phải vì xuất hiện những đối thủ mới. Bà Liên cho rằng, mỗi công ty đều đi theo chu kỳ tăng trưởng riêng. Hiện Vinamilk nằm trong giai đoạn tập trung tái cấu trúc nguồn lực, mô hình kinh doanh. Năm qua thị phần có giảm vì là mốc khởi đầu cho chiến lược 5 năm. Năm 2023, công ty đồng loạt triển khai kế hoạch mới trên tất cả khối sản xuất, kinh doanh, nội địa, xuất khẩu, R&D, nhân sự… “Chúng tôi tin chiến lược này sẽ đạt kết quả khả quan và có thể tin tưởng tương lai sắp tới”, bà Liên nói.
Phối cảnh dự án Vinabeef Tam Đảo gồm trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến vừa khởi công tháng ba. Ảnh: Vinamilk
Đánh giá về triển vọng thị trường, bà Liên khẳng định ngành sữa Việt chưa bão hòa. Theo bà, dân số liên tục tăng, thu nhập cũng chung xu thế tăng, mức tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn thấp so với khu vực (Thái Lan, Singapore, Trung Quốc…). Để tận dụng dư địa, Vinamilk có nhiều chiến lược nhằm để đáp ứng nhu cầu hiện tại, đón đầu xu thế mới, tập trung yếu tố: chất lượng, giá cả, dịch vụ.
Tuy vậy, mỗi ngành hàng sẽ có đặc thù và thách thức riêng, công ty sẽ liên tục thay đổi cách vận hành để tăng tiếp cận người dùng. “Quan trọng nhất vẫn là là ổn định tiêu chí chất lượng sản phẩm”, nữ Tổng giám đốc nêu.
Trong mục tiêu tăng biên lợi nhuận, Vinamilk tiếp tục bám sát bài toán cơ bản: giảm chi phí, tăng doanh thu. Giá sữa bột trên sàn đấu giá quốc tế liên tục biến động theo tình hình quốc tế, công ty nỗ lực để nắm bắt điểm hạ, làm sao chốt con số tốt nhất. Nguồn nguyên liệu nội địa, năm qua hãng tăng giá mua 7% với bà con nông dân vì giá đầu vào tăng cao, tuy vậy sẽ có nhiều kế hoạch nhằm tối ưu chi phí.
Về mảng nước ngoài, xu hướng xuất khẩu năm tới vẫn là câu hỏi với công ty vì tình hình lạm phát thế giới tăng cao. Vinamilk hiện có biện pháp nhằm tăng hiện diện toàn cầu như tăng gia công – xuất khẩu bao 25 kg cho sữa trẻ em để giảm giá thành.
“Để tăng trưởng đạt mức trước Covid-19, tôi nghĩ cần đến thêm một năm nữa”, bà Liên đáp lời cổ đông.
Minh Tú
Nguồn: vnexpress.net