Thành công trong thâu tóm GTNfoods, Vinamilk đưa người làm Tổng giám đốc Vilico

Việc Vinamilk đưa người vào Vilico không khó hiểu khi đơn vị này đã hoàn tất thâu tóm nắm giữ 75% vốn GTNfoods, công ty mẹ của Vilico và Vinatea. Ảnh: TL. Thành công trong thâu tóm GTNfoods, Vinamilk đã chính thức bổ nhiệm Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu làm Tổng Giám đốc Vilico.

Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) thông báo bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc và người đại điện theo pháp luật của Vilico kể từ ngày 23.9, thay thế cho ông Phạm Tuyên. Đồng thời, ông Dũng cũng thay thế ông Tuyên giữ chức Giám đốc và người đứng đầu tất cả các chi nhánh thuộc Vilico kể từ ngày 23.9.

Ông Trịnh Quốc Dũng sinh năm 1962 đang là Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Vilico. Ngoài ra ông còn là thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc GTNfoods, thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty chè Việt Nam (Vinatea).

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk. Ảnh: Thanhnien

Việc Vinamilk đưa người vào Vilico không khó hiểu khi đơn vị này đã hoàn tất thâu tóm nắm giữ 75% vốn GTNfoods, công ty mẹ của Vilico và Vinatea. Ông Dũng đại diện Vinamilk sở hữu 20% cổ phần GTNfoods.

Vilico là công ty nông nghiệp hoạt động trong nhiều mảng, trong đó công ty con Mộc Châu Milk là “gà đẻ trứng vàng” đem lại nguồn thu lớn nhất.

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy lợi nhuận gộp của Mộc Châu Milk đã cải thiện mạnh từ 17,7% lên 28,9% trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế tăng 41% lên 106 tỉ đồng. Kết quả của Mộc Châu Milk giúp công ty mẹ là Vilico (sở hữu 51%) cũng có lãi 116 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Vinamilk vốn “mê đắm” Mộc Châu milk, vì thế nhiều năm nay Công ty này liên tục mua vào cổ phiếu của GTNFoods nhằm nắm giữ Mộc Châu Milk.

Báo cáo quý II cho thấy doanh thu từ sữa đạt gần 1.200 tỉ đồng, chiếm 87% doanh thu Vilico. Ảnh: dautu.

Cụ thể, Vilico hiện sở hữu 51%, tương ứng gần 34,1 triệu cổ phiếu của Mộc Châu Milk. Trong khi, GTNFoods với sở hữu 73,7% Vilico và Vinamilk sở hữu 75,3% GTNFoods. Theo đó, Vinamilk cũng hưởng lợi từ sự tăng trưởng của công ty bò sữa Mộc Châu.

Vào cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất mua 75% vốn GTN foods. Sau khi tiếp quản GTN foods, Vinamilk đã tiến hành tái cấu trúc, thoái vốn ngoài ngành và chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk.

Theo chia sẻ của đại diện Vinamilk, đơn vị này đã lên chiến lược phát triển dài hạn cụ thể cho Mộc Châu Milk. Vì vậy, việc Vinamilk đưa người vào Vilico nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Vinamilk với nhiều mục tiêu.

Cụ thể, Công ty tập trung đẩy Mộc Châu Milk ở khía cạnh hoạt động hiệu quả: Giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối. Các sản phẩm công ty này đang phát triển chủ yếu là sữa tươi, tiếp theo là sữa chua ăn, sữa chua uống. Trong tương lai, đơn vị sẽ nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm sữa tươi mới, thay đổi bao bì.

Về thị trường, Mộc Châu Milk vẫn tập trung ở phía Bắc do dư địa còn rất lớn. Khi đã phát triển mạnh ở miền Bắc, doanh nghiệp sẽ lấn sân tới khu vực miền Trung và Nam với tầm nhìn vài năm tới.

Mới đây Vilico thông báo không mua được cổ phiếu Vinamilk nào trong 2 triệu đơn vị đăng ký mua giai đoạn 18.8-16.9 do không đạt mức giá kỳ vọng. Ảnh: dautu.

Về phát triển trang trại, đại diện Vinamilk cho biết đã lên kế hoạch xây dựng trang trại mới quy mô 4.000 con cho Mộc Châu Milk, dự kiến mất khoảng 2 năm để hoàn thành. Song song đó, doanh nghiệp nâng cấp trang trại cũ từ 1.500-2.000 con, thời gian hoàn thành nhanh hơn xây trang trại mới.

Kỳ vọng của “ông lớn” ngành sữa Việt Nam đối với dự án này là tăng nhận diện thương hiệu Mộc Châu Milk không chỉ ở miền Bắc mà cả miền Trung và Nam, làm tiền đề phát triển thương hiệu Mộc Châu đồng hành cùng thương hiệu Vinamilk. Ngoài ra, trong chiến lược 3-5 năm tới, Vinamilk cũng xem xét xây thêm nhà máy mới cho Mộc Châu Milk do nhà máy hiện tại quy mô khá nhỏ và đã chạy 80-90%.

Báo cáo quý II cho thấy doanh thu từ sữa đạt gần 1.200 tỉ đồng, chiếm 87% doanh thu Vilico. Lợi nhuận sau thuế bán niên Vilico đạt 116 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Mới đây Vilico thông báo không mua được cổ phiếu Vinamilk nào trong 2 triệu đơn vị đăng ký mua giai đoạn 18.8-16.9 do không đạt mức giá kỳ vọng. Cổ phiếu Vinamilk hiện nay có giá quanh 130.000 đồng/cổ phần và cổ phiếu Vilico trên 27.000 đồng/cổ phần.

Sơn Mai

Nguồn: nhipcaudautu.vn

[searchandfilter id="2529"]