Những ông lớn trong ngành sữa Việt Nam đều có kết quả kinh doanh khả quan bấp chấp dịch COVID-19. Thậm chí, sữa là một trong top sản phẩm có lượng mua qua các nền tảng thương mại điện tử tăng trong thời kì đại dịch.
Bên cạnh các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, thì nhu cầu các sản phẩm sữa trong nước ít chịu ảnh hưởng.
Vinamilk giữ vững vị thế “nữ hoàng ngành sữa”.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) vừa thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng năm 2020. Theo đó, trong quý III/2020, Vinamilk ước đạt tổng doanh thu 15.561 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ước đạt 3.773 tỷ đồng và 3.106 tỷ đồng, đều tăng trưởng 16%.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, “nữ hoàng ngành sữa” đạt tổng doanh thu 45.277 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.843 tỷ đồng, tăng trưởng 6,9%; lợi nhuận sau thuế đạt 8.967 tỷ đồng, tăng trưởng 7%. Với kế hoạch cả năm đạt doanh thu 59.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.690 tỷ đồng, sau 9 tháng, Vinamilk đã hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 84% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nguồn: BCTT VNM
Trong một diễn biến gần đây, ngày 30/9, Vinamilk đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 15/10 là ngày thanh toán. Cùng với đó, Vinamilk cũng chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 348,5 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 20%.
VNM hiện đang nắm vị trí thống lĩnh trên thị trường sữa của Việt Nam, với một danh mục sản phẩm đa dạng. Hiện VNM có 233 nhãn hàng và với mô hình “kim tự tháp sản phẩm”, trong đó, phân khúc bình dân đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển sản phẩm của VNM, khiến biên lợi nhuận của VNM có nhiều triển vọng tăng cao trong dài hạn.
Ngoài ra, với một mạng lưới hệ thống phân phối khổng lồ gồm các cửa hàng tạp hóa, đại lý, siêu thị…với trên 250.000 điểm bán lẻ trải khắp cả nước và trên 400 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt chuyên bán các sản phẩm mang thương hiệu sữa này, cũng góp phần đưa doanh thu của VNM tăng trưởng mạnh, bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Mộc Châu Milk vượt kế hoạch
Dưới sự quản lý của Vinamilk cũng tăng tốc đáng kể. Doanh thu thuần quý III tăng 14% lên 775 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 34,6%, cải thiện mạnh so với mức 18-19% các năm trước đây nhưng vẫn kém biên lãi gộp của Vinamilk (trên 45%).
Lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp quý III tăng 113% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 102 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải kết quả này đến từ công tác quản trị chi phí hiệu quả, các chính sách hỗ trợ nhà phân phối, hỗ trợ khách hàng với giá bán hợp lý khiến người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm Mộc Châu Milk tăng.
Doanh thu lũy kế 9 tháng tăng gần 10% lên 2.142 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 69% đạt gần 209 tỷ đồng và vượt 33% kế hoạch năm. Mộc Châu Milk đã mạnh tay chi cho các chương trình hỗ trợ và quảng cáo với gần 370 tỷ đồng, gấp đôi so với 9 tháng năm 2019.
Lý giải về nguyên nhân có sự tăng trưởng trên, lãnh đạo Mộc Châu Milk cho rằng, lợi nhuận tăng trưởng là nhờ công tác quản trị chi phí hiệu quả, các chính sách hỗ trợ nhà phân phối, hỗ trợ khách hàng với giá bán hợp lý, do đó, người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm Mộc Châu Milk cũng tăng cao.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng gần 10% lên 2.142 tỷ đồng; trong đó doanh thu bán sữa vẫn đóng góp chính với giá trị 1.894 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 69% đạt gần 209 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần sau 9 tháng đạt 2.969 đồng.
Theo kế hoạch năm 2020, Mộc Châu Milk đề ra mục tiêu doanh thu thuần là 2.905 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 157 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã vượt 33% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mộc Châu Milk có tổng tài sản hơn 1.200 tỷ đồng; phần lớn là tiền và tiền gửi ngân hàng với giá trị 696 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản. Công ty không có vay nợ tài chính và có lợi nhuận chưa phân phối gần 220 tỷ trên vốn điều lệ 668 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT Mộc Châu Milk đã thông qua kế hoạch đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu công ty trên sàn UPCoM. Thời gian giao dịch dự kiến trước ngày 30/3/3021.
Sữa Quốc tế (IDP) bất ngờ lột xác
Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004 với thương hiệu nổi tiếng Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Quy mô doanh thu thuần không quá lớn khi chỉ đạt gần 2.828 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Công ty từng được đầu tư bởi VinaCapital và Tập đoàn Daiwa vào năm 2014. Từng thua lỗ rất nặng vào giai đoạn 2016-2018, nhưng bất ngờ đến năm 2019 sữa quốc tế bất ngờ tăng trưởng trở lại.
Sang năm 2019, nhóm nhà đầu tư cũ đã nhường lại “cuộc chơi” cho các chủ mới khi Blue Point tăng tỷ lệ sở hữu lên 80% vốn và Chứng khoán Bản Việt mua vào 15% cổ phần. Doanh nghiệp có 2 thành viên HĐQT mới là ông Tô Hải (Tổng giám đốc VCSC) và ông Hồ Sĩ Tuấn Phát (Tổng giám đốc Lothamilk).
Báo cáo tài chính quý 3/2020 cho thấy biên lợi nhuận gộp lên đến 41,7%, xấp xỉ với Vinamilk dù không có lợi thế về quy mô như doanh nghiệp đầu ngành sữa.
Lợi nhuận sau thuế quý 3 gấp 4,2 lần cùng kỳ đạt gần 159 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, IDP ghi nhận doanh thu 2.828 tỷ đồng, lợi nhuận tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ đạt hơn 309 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lỗ lũy kế của Sữa Quốc tế vẫn còn ghi nhận gần 270 tỷ đồng.
Hanoimilk có lãi khiêm tốn
Được thành lập từ năm 2001, Hanoimilk từng là một thế lực lớn trong ngành sữa Việt Nam, với thời kỳ huy hoàng 2006-2007 nhờ dòng sản phẩm IZZI. Tuy nhiên, biến cố melamine năm 2008 và những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả khiến doanh nghiệp lún sâu vào khủng hoảng và thua lỗ, bị các đối thủ lớn ngày càng bỏ xa về quy mô. Doanh nghiệp đã quay đầu có lãi trở lại trong 2 năm gần đây.
Trong quý III/2020 với con số khiêm tốn 847 triệu đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần tăng 90% đạt 58 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức 26,8%. Tính lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 23% lên mức 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ thương hiệu IZZI vẫn còn lỗ 5,2 tỷ đồng và kéo lỗ lũy kế lên 28 tỷ đồng tại cuối tháng 9.
Các chuyên gia của SSI cho rằng, thị trường này vẫn chỉ giữ mức tăng trưởng một con số. Phân tích nguyên nhân, SSI chỉ ra, mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG của người tiêu dùng Việt Nam nói chung bắt đầu chững lại khi đã đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, họ thường chuyển sang chi tiêu theo sở thích để thỏa mãn các nhu cầu cao hơn (như là ăn/uống bên ngoài) và chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu nhằm mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với ngành sữa thì nhu cầu sữa ở thị trường thành thị dường như đã bão hòa, tiêu thụ ở thị trường nông thôn lại biến động lớn do tăng phụ thuộc vào giá mặt hàng nông nghiệp, tùy vào mức thu nhập khả dụng tại thị trường này quyết định mức chi tiêu cho các sản phẩm FMCG. Cũng theo SSI, nhu cầu về sữa công thức tiêu chuẩn và sữa đặc có thể tiếp tục ảm đạm trong năm 2020.
Mặc dù các thương hiệu trong nước thống lĩnh thị trường, cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn hiện hữu. Hiệp định thương mại tự do EVFTA cũng sẽ loại bỏ các mức thuế 5 – 20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3 – 5 năm tới.
Xuất khẩu sẽ trở thành quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc. Tất cả các nhà sản xuất sữa trong nước đã chính thức được xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này có lợi cho các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, TH True Milk, Vinasoy, Mộc Châu Milk.
Nguyễn Dung(t/h)
Nguồn: doanhnhanvn.vn