Việt Nam đã có cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho xuất khẩu (XK) sữa chính ngạch sang Trung Quốc. Vậy vùng chăn nuôi bò sữa của Mộc Châu Milk đang đáp ứng các yêu cầu thị trường đặt ra như thế nào?
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
Xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh (ATDB) theo quy định của Việt Nam, khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của nước nhập khẩu… là những mục tiêu quan trọng của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) trong thời gian tới.
Mô hình chăn nuôi nông hộ tại Mộc Châu được đảm bảo an toàn dịch bệnh. |
Ngoài ra, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế về các sản phẩm sữa… là những mục tiêu khác được đặt ra khi Mộc Châu Milk tổ chức SX và XK sữa sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng GĐ Cty, đối với xây dựng chuỗi SX sữa của Mộc Châu Milk, đến tháng 12/2019 sẽ hoàn thiện việc rà soát, đánh giá điều kiện của chuỗi SX sữa của Cty sữa Mộc Châu bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam.
Đến tháng 12/2020, hoàn thiện việc rà soát, đánh giá điều kiện của chuỗi SX sữa của Cty bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của OIE và Codex; hoàn thiện việc lấy mẫu để xét nghiệm chứng minh không có nguy cơ các bệnh theo quy định của OIE, cụ thể là 3 bệnh Lở mồm long móng, Lao bò và Nhiệt thán quy định trong Nghị định thư.
“Đến tháng 12/2021 sẽ tiếp tục thực hiện lấy mẫu để xét nghiệm chứng minh không có nguy cơ của các mầm bệnh; hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo quy định OIE. Đến tháng 12/2022 hoàn thiện và được OIE chấp nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh”, ông Nam thông tin.
Định kỳ hàng năm thực hiện việc lấy mẫu giám sát chất tồn dư độc hại theo Chương trình quốc gia về giám sát chất tồn dư độc hại trong sữa và sản phẩm sữa do Cục Thú y xây dựng và trình Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Ngoài việc xây dựng các điểm ATDB đối với khu vực thị trấn Mộc Châu, theo ông Nam, Cty cũng đề xuất xây dựng vùng ATDB đối với vùng chăn nuôi bò sữa của tỉnh Sơn La. Theo đó, tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cho ít nhất 20% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc trong vùng đệm nắm được mục đích, ý nghĩa và vai trò của họ trong việc chăn nuôi gia súc bảo đảm an toàn sinh học và kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, nhất là các mầm bệnh nêu trên; xây dựng các xã có trang trại thuộc chuỗi an toàn dịch bệnh được Cục Thú y công nhận ATDB.
Bò sữa Mộc Châu. |
“Thực hiện việc giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành 3 loại mầm bệnh nêu trên, ít nhất tại 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc được lấy mẫu để xét nghiệm (lấy mẫu luân phiên giữa các hộ, các cơ sở, trang trại) theo quy định tại Thông tư số 14; tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra các loại dịch bệnh này; duy trì các huyện ATDB”, ông Nam nói.
Đây là một trong những động thái của Mộc Châu Milk để tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, Cty sẽ chủ động đề nghị Cục Thú y hỗ trợ đàm phán với Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước nhập khẩu để thống nhất các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho sản phẩm XK.
Trước mắt XK 20 nghìn tấn sữa/năm
Một điều khá thuận lợi là hiện nay vùng bò sữa Mộc Châu có chuỗi liên kết giữa Cty và nông hộ khá chặt chẽ nên chất lượng sữa đang được kiểm soát. Mộc Châu Milk đang liên kết với 560 hộ dân. Trung bình một hộ đang có khoảng 45 con bò sữa.
Mộc Châu Milk hiện đang vận hành hai nhà máy sản xuất sữa hiện đại của Thụy Điển công suất 280 tấn/ngày và sẵn sàng nâng công suất khi gia tăng được đàn bò sữa. Cty cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sở hữu nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR – Total Mixed Ration) cho bò sữa, công nghệ Hàn Quốc, công suất 150 tấn/ngày. Công ty có 3 trung tâm giống bò sữa cao sản số lượng 2.000 con. Đội ngũ 130 kỹ sư của công ty phân ra 10 đơn vị theo từng khu vực chăn nuôi. Các đơn vị có kỹ sư thú y, thụ tinh viên, cán bộ kỹ thuật… luôn bám sát, nằm lòng trong dân. |
Gia đình anh Dương Văn Nội (thị trấn nông trường Mộc Châu) có 86 con bò. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp anh giảm nhân công khá nhiều. Mọi công đoạn đều theo một quy trình nghiêm ngặt, hướng đến chất lượng sữa có thể đáp ứng cho XK.
“Chúng tôi phải thay đổi từ công nghệ đến quy trình, thức ăn chăn nuôi, kể cả đến xử lý môi trường cũng phải làm theo đúng quy trình Cty đề ra. Chúng tôi rất tự tin sữa của Mộc Châu cũng như gia đình tôi đảm bảo tiêu chuẩn XK”, anh Nội nói.
Trên cơ sở không có gì bỏ đi, kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng từ thức ăn đến nuôi bò đến xử lý phân cho cỏ. Vòng tròn khép kín này không chỉ tiết kiệm tài nguyên mà còn kiểm soát tốt chất lượng sữa.
Khởi thủy từ nông trường dùng để chăn nuôi bò sữa năm 1958, Mộc Châu Milk đã trải qua hơn 60 năm hình thành và phát triển. Trải qua những năm đầu gian khó, thậm chí sữa vắt ra không có người mua, năm 1988, Cty đã khi chuyển đổi sang cơ chế khoán hộ đến tận những người chăn nuôi bò sữa.
Từ đó, đàn bò của Mộc Châu tăng trưởng mạnh, đạt hơn 23.000 con, năng suất bình quân 25,22 kg mỗi con một ngày.
Toàn bộ sữa vắt ra từ đàn bò, đi thẳng tới nhà máy để cho ra dòng sữa thương phẩm quen thuộc với người tiêu dùng ngày nay.
Theo thống kê của huyện Mộc Châu, mỗi năm, Cty Sữa Mộc Châu thu được khoảng 250.000 tấn sữa bò tươi nguyên chất. DN này hiện đã đầu tư trang trại, nhà máy sản xuất chế biến hiện đại.
Hiện nay, với mong muốn thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, Mộc Châu Milk đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng đề nghị được làm thủ tục đăng ký XK vào thị trường láng giềng với dân số hơn 1 tỷ người. Trước mắt, sản lượng XK dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.
Toàn bộ sữa bò nguyên liệu được vắt bằng máy |
“Chúng tôi cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm an toàn dịch bệnh của Việt Nam và Trung Quốc”, ông Trần Công Chiến, Tổng GĐ Mộc Châu Milk, cho biết.
Những năm trước đây, Mộc Châu Milk đã từng XK sữa theo hình thức tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc với sản lượng khoảng 25 nghìn tấn/năm. Theo ông Chiến, khảo sát thị trường gần đây cho thấy, nhiều sản phẩm sữa của Việt Nam hiện đang được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, như các loại sữa chua có đường, sữa chua không đường, sữa chua tiệt trùng, sữa chua nguyên kem và một số loại sữa nước khác.
Để tìm kiếm và mở rộng thị trường XK chính ngạch, thời gian qua, Mộc Châu Milk đã chủ động đi khảo sát thị trường các nước Đông Nam Á và đặc biệt quan tâm thị trường Trung Quốc, bởi thị trường này không chỉ đông dân, mà còn tương đối dễ tính. Đây là một cơ hội lớn mà DN sữa không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, khó khăn lớn nhất hiện nay không phải xuất phát từ phía các DN sữa của Việt Nam, mà do đối tác Trung Quốc chưa ký hợp đồng. Ngoài ra, tiêu chuẩn chất lượng phía Trung Quốc đặt ra đối với sữa nhập khẩu cũng liên tục thay đổi, thậm chí sau 3 tháng. Điều này làm cho các DN Việt Nam rất khó xoay sở.
“Chúng tôi đang xúc tiến đàm phán, và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam hỗ trợ DN giải quyết những vấn đề này”, ông Chiến nói.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, khoảng trung tuần tháng 10/2019, lô sữa đầu tiên của Việt Nam sẽ XK chính ngạch sang Trung Quốc. Theo ông Chinh, 5 DN đầu tiên được đề xuất XK là Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk. Tổng giá trị kim ngạch XK sữa sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD trong năm tới. Sữa nước và sữa chua là những mặt hàng mà người dân nước này ưa chuộng. |