Chương trình “Sữa học đường” góp phần cải thiện dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động uống sữa hàng ngày.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 15 tỉnh, thành triển khai chương trình “Sữa học đường” và đạt được những kết quả bước đầu.
Tại Hà Nội, chương trình “Sữa học đường” mới được triển khai năm học 2018-2019, đến thời điểm hiện tại, đã có đến 1.039.458 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia, đạt tỷ lệ 87,7%.
Tại Việt Nam, có hơn 15 tỉnh/thành triển khai chương trình “Sữa học đường” và đạt được những kết quả bước đầu trong cải thiện tình trạng thể chất của các em học sinh. |
Từ năm học 2007-2008, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai chương trình, đây là địa phương đầu tiên triển khai đề án “Sữa học đường”. Qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình “Sữa học đường” của tỉnh đã góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Số lượng học sinh mầm non tăng cân, tăng chiều cao và phát triển trí tuệ tốt tăng so với trước.
Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 trên toàn quốc thực hiện chương trình sữa học đường. Theo số liệu của Sở Giáo dục – Đào tạo Bắc Ninh, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có khoảng 300.000 lượt trẻ mầm non và 265.000 học sinh tiểu học được thụ hưởng chương trình này.
Chương trình “Sữa học đường” góp phần giúp tỉnh Bắc Ninh giảm số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 3.60% (năm 2015) xuống còn 2.20% (năm 2016), trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 5.30% (năm 2015) xuống 3.70% (năm 2016).
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết gần đây nhiều tỉnh thành đã thực hiện chương trình sữa học đường và đạt kết quả rất tốt. |
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam nhận định chương trình “Sữa học đường” được Việt Nam thực hiện sau nhiều năm nghiên cứu mô hình tại nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan. Trong các năm gần đây nhiều tỉnh thành đã làm và đạt kết quả rất tốt, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và được nhân rộng tại các địa phương khác trong thời gian tới. Chương trình sẽ giúp trẻ em xây dựng thói quen uống sữa hàng ngày và hiểu rõ lợi ích dinh dưỡng của khẩu phần ăn đối với cơ thể, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học.
Chương trình Sữa học đường trên thế giới đã được triển khai từ rất sớm tại hơn 60 Quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh… |
Chương trình “Sữa học đường” được triển khai từ rất sớm tại hơn 60 quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh… Tại Châu Á, Nhật Bản thực hiện chương trình ngay sau Thế chiến thứ 2 và được xem là hình mẫu thần kỳ với kết quả: chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1m50, thấp gần nhất Châu Á, lên mức 1m72 như ngày nay. Ngoài ra, theo báo cáo năm 2007 tại Nhật Bản, thông qua chương trình “Sữa học đường” 7,08 triệu trẻ em trong 99,2% trường tiểu học và 2,9 triệu học sinh trong 85,8% trường trung học cơ sở đã có bữa trưa hoàn chỉnh. Thái Lan cũng triển khai chương trình “Sữa học đường” thành công từ năm 1992 cho trẻ từ 3-12 tuổi, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống dưới 10% năm 2006 và sau 18 năm, đến năm 2010 thì chiều cao tăng thêm 5cm mỗi năm.
Theo Tạp chí Dân số Thế giới, chiều cao trung bình của người Việt là 162,1 cm, thấp thứ 4 thế giới. Còn theo một báo cáo khác của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Việt Nam là nơi có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài.
Vì vậy, năm 2011, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, đặt ra mục tiêu dự kiến đến năm 2030, chiều cao trung bình của phụ nữ và nam giới Việt Nam sẽ tăng lên 157,5 cm và 168,5 cm. Chương trình “Sữa học đường” được thực hiện thể hiện sự chung tay của nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và hướng đến nâng cao tầm vóc cho người Việt.
Nha Trang
Nguồn: vnexpress.net