Kết quả kinh doanh 6 tháng của Công ty Cổ phần GTNFoods cho thấy doanh thu của công ty đạt 1.437 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 40,57 tỷ đồng, giảm 56%.

GTN hiện đang nắm trong tay các thương hiệu lớn như Chè Việt Nam (Vinatea), Sữa Mộc Châu (MCM, sở hữu gián tiếp qua Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico) và Vang Ðà Lạt (VDL). Ðây là những thương hiệu nổi tiếng và lâu đời trong ngành thực phẩm – đồ uống trong nước. Mảng kinh doanh sữa của Mộc Châu Milk đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp cho GTN những năm qua. Năm 2018, dù chỉ chiếm 52% tổng tài sản của GTN, MCM đóng góp 82,5% doanh thu và 99% lợi nhuận gộp.

ff

Nhà máy sữa Mộc Châu Milk có khả năng sản xuất 250 tấn sữa/ngày.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, sự sa sút của Mộc Châu Milk – lĩnh vực kinh doanh chủ lực của công ty – đã kéo kết quả kinh doanh của GTNFoods kém đi trông thấy.

Hiện, Mộc Châu Milk đang sở hữu vùng nguyên liệu bò sữa hơn 4.000 ha, với đàn bò hơn 24.500 con (tương đương 8% quy mô đàn bò sữa cả nước). Nhà máy sữa Mộc Châu Milk có khả năng sản xuất 250 tấn sữa/ngày, 100.000 tấn sữa/năm, đóng góp 11% sản lượng sữa cả nước.

Sản phẩm của Mộc Châu Milk khá đa dạng, đặc biệt các dòng sản phẩm mới ra mắt trong thời gian qua như sữa chua nếp cẩm, sữa chua phô mai, sữa chuối, sữa tiệt trùng ít đường… đã tạo được tiếng vang nhất định trên thị trường. Bên cạnh đó, thế mạnh của Mộc Châu Milk là các sản phẩm sữa tươi 100% từ vùng nguyên liệu có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa.

Tuy vậy, điều này cũng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp do các sản phẩm sữa tươi nguyên chất có giá thành sản xuất cao, nhưng Mộc Châu Milk vẫn chưa thể nâng được giá bán sản phẩm của mình ngang với các sản phẩm làm từ sữa tươi của các thương hiệu khác. Nhìn chung, các sản phẩm của Mộc Châu Milk có giá thấp hơn từ 5 -15% so với các thương hiệu khác.

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, Mộc Châu Milk hiện đang được đánh giá là thương hiệu “địa phương”, nổi tiếng và có truyền thống tại khu vực miền Bắc, chứ chưa vươn lên thành thương hiệu có tầm vóc quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Mộc Châu Milk đạt 1.270 tỷ đồng, tương đương bằng cùng kỳ. Trong quý I, công ty vấp phải cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa khiến Mộc Châu Milk phải tăng mạnh chiết khấu tặng kèm và giữ được thị phần. Sang quý II, tình hình khí hậu phù hợp, thị trường tiêu thụ tốt nên kết quả doanh thu, lợi nhuận của được cải thiện.

Tuy nhiên, doanh thu tăng là do Mộc Châu Milk đẩy mạnh chiết khấu sản phẩm để bán hàng. Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty đã giảm rất mạnh từ 9,4% trong nửa đầu năm 2018 xuống 5,2% trong nửa đầu năm 2019.

Ban lãnh đạo công ty cho biết biên lợi nhuận giảm do công ty phải tăng chiết khấu bán hàng để giữ thị phần. Bên cạnh đó, chiến lược sử dụng sản phẩm sữa tươi làm chủ đạo của Mộc Châu Milk đang đi vào bế tắc.

Để duy trì chất lượng sữa, Mộc Châu Milk đã đầu tư nhiều chi phí để hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất sữa như kiểm soát chất lượng thức ăn, thú y, dịch bệnh, đảm bảo giá mua sữa ổn định cho nông dân… dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá rủi ro hiện tại của Mộc Châu Milk đó là đàn bò của công ty, bao gồm bò của các nông dân ký hợp đồng bán sữa cho công ty, đang tăng mạnh hơn so với doanh thu bán sữa.

Dù trong tình trạng dư cung, Mộc Châu Milk sẽ tiếp tục phải mua vào do cam kết bao tiêu sữa nguyên liệu từ nông dân. Điều này lại buộc công ty phải đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi để tránh tình trạng ứ đọng hàng tồn kho. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay.

Nha Trang

Nguồn: enternews.vn