Giá nguyên liệu đầu vào ở mức thấp nhất 5 năm
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư đầu tháng 2/2024, ông Lê Thanh Liêm – Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM – sàn HoSE) cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ “tốt hơn nhiều” so với cùng kỳ năm 2023.
Động lực tăng trưởng một phần đến từ hiệu ứng so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023. Trong quý 1/2023, lãi ròng của Vinamilk chỉ đạt 1.857 tỷ đồng – mức thấp nhất 5 năm khi giá chốt mua nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, từ quý 2/2023 trở đi, giá sữa bột nguyên kem, nguyên liệu đầu vào chính của Vinamilk, trên thị trường thế giới đã giảm nhanh khi Trung Quốc giảm thu mua trên thị trường quốc tế. Qua đó, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đã được cải thiện lên trên ngưỡng 40%.
Hồi tháng 11/2023, Vinamilk cho biết đã chốt giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cho đến quý 1/2024. Tại thời điểm đó, giá sữa bột nguyên kem trên thế giới dao động quanh vùng giá thấp nhất 5 năm và Vinamilk cho biết có thể sẽ thực hiện việc chốt giá nguyên liệu trước khoảng 01 quý so với sản xuất thực tế.
Ông Lê Thanh Liêm cho biết, do giá sữa nguyên liệu tiếp tục giảm trong thời điểm cuối năm 2023 nên hiện Vinamilk đã chốt giá nguyên liệu cho sản xuất đến hết nửa đầu năm 2024.
Nếu không có yếu tố đột biến thì biên lợi nhuận gộp của công ty sẽ được cải thiện thêm từ 0,7 đến 1 điểm phần trăm trong năm nay, lãnh đạo Vinamilk cho biết.
Trong năm 2023 vừa qua, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu 60.479 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 5,1%, đạt 9.019 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh, hãng sữa này đã hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và 105% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính chung cả năm, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 40,7%, tăng 80 điểm cơ bản so với năm 2022.
Đây được xem là các kết quả hết sức tích cực khi dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho thấy ngành sữa Việt Nam chỉ ghi nhận tăng trưởng dương 3% trong quý đầu năm, 3 quý cuối năm 2023 lần lượt giảm 1%, 4% và 5%. Các thách thức kinh tế vĩ mô đã khiến nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm sữa và từ sữa. Động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh của Vinamilk trên thị trường nội địa chủ yếu đến từ ngành hàng sữa đặc và ngành hàng sữa chua.
Thận trọng về triển vọng nhu cầu tiêu thụ
Chia sẻ về triển vọng kinh doanh thời gian tới, ông Lê Thanh Liêm cho biết thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức và sức tiêu thụ sữa khó phục hồi mạnh ngay. Đồng thời, Vinamilk cũng chưa có kế hoạch tăng giá bán trong năm 2024.
Về yếu tố chi phí đầu vào, Vinamilk hiện đánh giá trong ngắn hạn chưa có yếu tố nào có thể thúc đẩy giá sữa bột trên thị trường quốc tế tăng trở lại. Trong trung và dài hạn, công ty sẽ đẩy mạnh việc tự chủ nguồn cung sữa nguyên liệu nhằm giảm bớt tác động từ thị trường thế giới lên chi phí đầu vào.
Có quan điểm tương tự, hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS) nhận định giá sữa bột dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới khi sản lượng sữa nội địa của Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua, khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Đồng thời, mức tiêu thụ sữa bột tại Trung Quốc đang chững lại khi số trẻ sơ sinh năm 2023 chỉ đạt 9,02 triệu bé – mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận.
Bên cạnh giá sữa bột, giá các nguyên vật liệu phụ của Vinamilk như đường, thức ăn chăn nuôi… cũng đang có xu hướng dần hạ nhiệt. Trong khi đó, thị phần của Vinamilk đang dần được cải thiện, củng cố vững chắc vị thế doanh nghiệp sữa lớn nhất tại Việt Nam, và sẽ hưởng lợi đầu tiên khi sức mua hồi phục. Những yếu tố này sẽ có thể giúp biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt khoảng 45% trong năm nay, theo BSC Equity Research.
Hiện hãng chứng khoán ACB Securities (ACBS) dự phóng tăng trưởng lãi ròng của Vinamilk năm 2024 ở mức 11% – mức gần như cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.
Với kỳ vọng kinh tế phục hồi, Vinamilk dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng cho cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024. Số liệu chính thức sẽ được công bố tại tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào đầu tháng 4 tới đây, ông Lê Thanh Liêm cho biết.